Nỗi buồn học sinh hững hờ với sách

Nỗi buồn học sinh hững hờ với sách

Ý niệm ấy giúp tôi miệt mài với sách. Ra trường, thỏa nguyện ước mơ gieo chữ trên bục giảng, niềm say mê đọc sách có cơ hội thực hiện, kí ức về những năm tháng làm bạn với thư viện thuở nào vẫn vẹn nguyên. 

Thư viện thành nhà kho

Thư viện vốn là nơi lưu trữ, cung cấp, truyền bá thông tin, tài liệu vô cùng quý giá. Theo UNESCO, thư viện là bất kỳ bộ sưu tập có tổ chức của sách, báo, tài liệu các loại, ấn phẩm định kỳ... Nhiều trường học, nhất là các trường đạt chuẩn thư viện càng được đầu tư nâng cấp nhiều hơn. Sách báo tài liệu phong phú. Một năm, các nhà trường đều dành một phần kinh phí để mua thêm sách tài liệu, các đầu báo, tạp chí vẫn được đặt hàng ngày.

Ấy thế mà, HS ngày càng thờ ơ với thư viện, không thích đọc sách báo, tìm kiếm thông tin theo cách truyền thống. Năm thì mười họa mới có em lên tìm và mượn sách báo về đọc. Thậm chí, không ít em còn chẳng biết thư viện ở chỗ nào. Em thì nói thời buổi này, cứ lên Google sách gì cũng có, tìm tòi trên thư viện cho mất thì giờ.

Đôi khi, thầy cô cũng ít đọc, ít mua sách, tìm sách. Cách đây mấy năm, trong một hội nghị về phương pháp bồi dưỡng HS giỏi, có thầy giáo đã nêu một câu nhói lòng: Các đồng chí quanh năm đứng lớp nhưng có dám bỏ lấy vài triệu đồng mua sách chưa? Cả hội trường nín lặng như chạm vào nỗi niềm tự ái. Họa hiếm lắm! Có mua bao giờ đâu? Có bấy chữ dạy mãi chả hết...

Ít đọc, ít quan tâm đến sách trở thành xu thế chung của nhiều người. Nhất là từ khi bùng nổ công nghệ thông tin, smartphone, máy tính bảng phổ biến, người ta càng hờ hững với thói quen đọc sách ngày xưa. Lâu dần thư viện, nơi lưu giữ “túi khôn” của nhân loại biến thành nhà kho, nơi lỉnh kỉnh những đồ đạc hư hỏng được gom vào đấy. 

Bàn ghế, sách báo mua về, không người sử dụng bụi bám, mạng nhện giăng đầy xếp chồng chéo lên nhau. Sách vở, tài liệu được lưu trữ vô tình bị lãng quên cùng thời gian. Cán bộ thư viện trở thành người coi kho quanh năm nhàn rỗi, làm đủ việc phụ giúp nhà trường. Có lẽ, nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước, các thư viện trường học đều “đóng băng” có mà như không. Lãng phí vô cùng!

Học sinh hờ hững với sách

15 năm buồn vui trên bục giảng, đêm ngày làm bạn với chữ nghĩa. Nhiều thế hệ học trò đã khôn lớn trưởng thành nhờ đam mê đọc sách. Cách đây hơn chục năm, cô cán bộ thư viện trong trường năm nào cũng dành cuốn sổ dày ghi danh sách học trò mượn sách về đọc. Có em tìm thầy cô để được cho mượn những cuốn sách “tủ” về tham khảo, đọc rồi ghi chép viết lách trao đổi.

Ấy vậy mà, mấy năm gần đây thư viện vắng teo, học trò chẳng mấy khi tìm đến đọc sách và mượn sách. Đáng buồn hơn, nhiều em sách vở học xong, bỏ lại gầm bàn, góc lớp chẳng thèm mang về. Việc đọc sách, đơn thuần chỉ là sách giáo khoa cũng ít dần đi. Thầy cô kiểm tra, nhắc nhở thì nay khất, mai quên. Có thể nói, văn hóa đọc của HS phổ thông hiện nay rất đáng báo động. Lười đọc, không bao giờ đọc. Thú vui nhiều em bây giờ là check in, hết trà chanh, trà sữa lại game…

Nhân loại vươn đến văn minh nhờ việc đọc sách, người ta biết làm người cũng nhờ những bài học bổ ích từ sách mà có. Một thế hệ không chịu đọc sách sẽ dự báo những hệ lụy đau lòng. Sống ẩu, sống vội, ăn chơi mất đi nền móng nhân văn có lẽ báo động từ đây.

Đâu là nguyên nhân?

Trang sách mở ra là những chân trời kiến thức. Đọc sách nâng cao kiến thức, mở rộng vốn hiểu biết là nhu cầu tất yếu trong xã hội văn minh hiện đại. Đọc sách còn là một thú tiêu khiển vốn có tự ngàn xưa. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã tác động rất lớn đến văn hóa đọc sách của HS trong các nhà trường. Thói quen bí thì gõ Google dẫn đến việc các em thờ ơ, lười đọc sách tích lũy kiến thức.

Mạng xã hội phát triển, những trò chơi giải trí phong phú nên tìm đến niềm vui trong việc đọc sách không còn được các em coi trọng. Mặt khác, nguồn sách thị trường hiện nay nhiều, tuy vậy những cuốn sách hay đáng đọc lại ít, thành thử việc tìm được sách phù hợp với học trò không dễ. Ngoài ra, phương pháp dạy học trong các trường cũng tác động không hề nhỏ đến thói quen tự đọc sách tìm hiểu kiến thức của học trò.

Nhiều em học theo kiểu ăn sẵn, thầy dạy chữ nào biết chữ đấy, đánh mất khả năng tự học. Thành thử, thú vui chuyền tay nhau những cuốn sách hay, bổ ích của các cô cậu học trò thưa dần, ngày một hiếm hoi hơn bao giờ hết.

Hồi sinh từ những người truyền lửa

Muốn giữ được lửa trước tiên cần có người truyền lửa. Trong các nhà trường, người truyền ngọn lửa đam mê đọc sách cho học trò không ai khác chính là thầy cô. Ngọn lửa ấy nếu được nhen lên dần sẽ tỏa sáng và có sức lan tỏa. Do vậy, trong quá trình công tác, giảng dạy, thầy cô hãy luôn giữ cho mình niềm đam mê với sách. Không ngừng đọc sách, mở rộng kiến thức, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Thắp sáng ngọn lửa là chuyện hệ trọng. Nâng tầm hoạt động của thư viện tại các nhà trường là việc nên làm. Tạo không gian thoáng đãng, bổ sung nhiều sách hay, luôn mở cửa thư viện, bỏ bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho HS tự chọn sách đọc trên thư viện. Hàng năm, nhà trường, Đoàn Thanh niên, Liên đội dành thời gian tổ chức ngày hội tặng sách, tổ chức các cuộc thi giới thiệu về các cuốn sách hay bổ ích mà các em đã đọc. Mỗi năm một ít, dần dần văn hóa đọc của các em nâng lên. Mỗi ngày một trang, một năm vài cuốn, cứ thế học trò sẽ tìm thấy niềm vui trong đọc sách.

“Học vấn không phải chỉ là chuyện đọc sách, đọc sách là con đường quan trọng của học vấn”. Trí tuệ con người nâng lên nhờ việc đọc; xã hội văn minh khi người ta biết đọc sách và vận dụng những bài học bổ ích vào thực tiễn, vào cuộc sống. Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, không đọc tất yếu sẽ tụt hậu. Tìm đến những quyển sách hay có giá trị bền vững là cách tốt nhất để học tập, giải trí và cũng là một nếp sống văn minh.

Mong rằng, mỗi người hãy tự thắp lên ngọn lửa đam mê với sách, khi đó người ta sẽ cảm nhận được biết bao điều lý thú, khi đó những thư viện nhà kho lâu nay sẽ được nhiều người tìm đến như một thú đam mê.

“Những cuốn sách hay, bài giảng bổ ích sẽ lôi cuốn học trò, mở đường giúp các em tìm đến những cuốn sách hay mở rộng thêm chân trời kiến thức. Việc không dễ trong thời đại công nghệ, nhưng không phải không làm được. Chúng ta hãy tin tưởng, ngọn lửa được chuyền tay sẽ cháy mãi không thôi. Nhiều hôm dạy trên trường, trống giờ, tôi lại tìm sách báo đọc cho vui, bài viết nào hay mang đọc cho học trò tham khảo. Chỉ tiếc, trong thời đại công nghệ hiện nay, thói quen đến thư viện tìm sách, đọc sách của nhiều người ngày càng ít ỏi và thưa vắng. Buồn đến nao lòng!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.