Nỗi buồn bóng xế

Ông năm nay đã 75 tuổi. Tuổi ấy là tuổi chỉ mong ăn còn thấy ngon miệng, ngủ ngon giấc, để sớm sớm, tối tối vui vầy cùng cháu con. Thế nhưng ông lại đang định lấy vợ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vợ ông mất ngót chục năm nay, ba cô con gái đều đã yên bề gia thất, một mình ông thui thủi vào ra cũng cô quạnh. Với lại, ở cái tuổi này rồi, ông còn ham hố gì đâu, chỉ là gá nghĩa với người cùng cảnh ngộ để cùng làm bạn đồng hành trên con đường ngắn ngủi phía trước. Bà ấy cũng góa chồng, thua ông những 2 giáp. Có cô con gái đã lập gia đình, còn cậu út đang đi học.

Khi ông dè dặt nêu ý định “đi bước nữa”, các cô nhảy dựng lên như phải bỏng. Những cuộc họp gia đình liên tục diễn ra. Ba cô con gái thay nhau ý kiến. 

Cả ba cô đều là giáo viên, kinh tế cũng khá giả, cho rằng họ thừa sức chăm sóc ông. Rằng ông làm vậy khác nào để người ta cười vào mặt các con, “già rồi còn ham hố…”.

Với lại bà còn trẻ, chưa đến 50, mà chịu lấy ông, thì chẳng qua chỉ vì mảnh đất chứ yêu thương gì ông lão ở tuổi “thất thập cổ lai hi”. Ông không có con trai, khi chết đi, đương nhiên mảnh đất đó là của vợ - tức là bà ấy, các con phân tích với ông. 

Bao nhiêu lí do, bao nhiêu lời phân tích. Ông ngồi đó, như một tội đồ, mái tóc bạc rũ xuống. Bất giác, nhìn lên di ảnh vợ trên bàn thờ, giọt nước mắt chảy ra đọng vào khóe mắt nhăn nheo.

Ông nhớ, ngày xưa, khi bà lần lượt sinh ba cô con gái, nhìn bà yếu ớt, ông bảo thôi không sinh nữa. Bà không chịu, bảo nhà có hai anh em trai, anh trai ông đã hy sinh ở chiến trường khi chưa lập gia đình, giờ không cố sinh con trai rồi mai này ai thờ cúng tổ tiên, ai nối dòng nối dõi. 

Nhưng tính ông đã quyết là quyết không thay đổi. Ông cũng chịu nhiều áp lực từ gia đình, nhưng lại nghĩ trai gái gì nuôi chúng nên người là được. Thời ấy còn đói khổ, đông con làm sao nuôi chúng học hành. “Con gái mà có hiếu còn hơn cả con trai ấy chứ”, ông động viên bà như thế

Ông bà dù có đói khổ thì con cái ông vẫn ăn học đường hoàng, công ăn việc làm ổn định. Các cô lần lượt lấy chồng. Nhà chỉ còn hai ông bà sớm tối có nhau. 

Bà càng ngày càng yếu, chứng đau đầu hành hạ bà ngày đêm, rồi mắt mờ, chân chậm, có khi còn nôn ói vô chừng. Đến khi vào viện, mới biết bà đã bị ung thư não giai đoạn cuối.

Ba đứa con gái, chỉ tạt té thăm bà được những lúc rảnh rỗi. Chúng bảo công việc không thể nghỉ, con cái không ai chăm. Thành ra mấy tháng bà nằm viện, chỉ có ông bên cạnh.

Có lần nắm tay ông bà bảo, bà đi trước thì thương ông lắm. Bà ốm còn ông chăm sóc, mai này ông ốm thì ai chăm? Rồi bà đi, bỏ ông ở lại một mình trong căn nhà nhỏ. Sau lễ tang ít lâu, các cô con gái cũng thưa dần về.

Ông gặp người phụ nữ ấy khi đi tập thể dục chiều. Vài lần chuyện trò, đôi lần tâm sự, sẻ chia hoàn cảnh ông thấy thương. Biết các con ông dị nghị, chị cũng buồn. Chị bảo, hay ông sang ở với tôi. Ông sang đó, ai lo hương khói cho người vợ đã khuất?

Mặc các con nặng nhẹ trách móc, ông quyết “đi bước nữa”. Ông giữ lại ngôi nhà, còn mảnh vườn chia 3 phần cho 3 cô con gái. Từ ngày ông thông báo lấy vợ, cô con gái lớn cũng chuyển về xây nhà mới trên phần đất vừa được chia. Hai cô còn lại cũng định xây nhà trọ cho thuê. Còn ngôi nhà ông đang ở, họ bảo quyết không để mất vào tay người ngoài.

Ba cô con gái dạo này cũng chăm về, không phải để thăm bố, mà để nói gần nói xa chuyện ông “già rồi còn đèo bòng cho thiên hạ chê cười”. Lúc đầu ông còn nói nghĩa nói tình cho con hiểu, nhưng tiếc là không cô nào muốn hiểu. 

Họ còn gặp người phụ nữ ấy mà bảo: “Chị hơn chúng tôi có mấy tuổi, đừng có mong làm mẹ chúng tôi. Nhà còn bàn thờ mẹ tôi, chị đừng hòng về ở đó. Chị biết cha tôi già rồi chẳng sống bao nhiêu nữa nên định bụng hưởng luôn đất đai, nhà cửa này phải không?”.

Gặp ông, chị khóc. Ở cái tuổi mà con người ta đã biết được mệnh trời, trải qua bao nhiêu gian truân cuộc sống, chị thừa hiểu trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời, tiền của đất đai chẳng còn quan trọng nữa. 

Chị chỉ thương ông tuổi già cô quạnh, muốn làm bạn với ông cho ngày tháng đỡ dài mà thôi. Hai đứa con chị thì lại rất ủng hộ mẹ đi bước nữa. 

Chúng bảo phận làm con đối với mẹ không thể lơ là nhưng mẹ cần có niềm vui riêng của mẹ, với lại tuổi già cũng có những nỗi niềm riêng mà con cái không tiện chia sẻ.

Còn ông, ông đau lòng khi những cô con gái có học của ông cư xử như vậy. Càng ngày ông càng trầm mặc hơn, ông sợ tiếng xe máy của con về. Ông sợ cảm giác trống vắng trong căn nhà nhỏ, sợ cái cảnh “Một mình một mâm cơm/Ngồi bên nào cũng lệch”.

Hôm qua, cô con gái út về, bảo dạo này trông ông gầy đi, yếu đi, vậy mà vẫn còn ham đèo bòng. Dường như cô không để ý, đã lâu lắm cha cô không cười.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…