“Không con tội chết, có con tội sống”

Ông lấy vợ sớm đâm ra vất vả sớm, vừa nhàn được tí thì vợ ông qua đời. Ba đứa con sợ bố lấy vợ mới mảnh đất cùng căn nhà bị chiếm mất, nên họp nhau lại đòi chia làm bốn, ông ở riêng một phần. Chúng đã tính, sau này bố chết, chỗ ấy sẽ bán đi để lo ma chay, giỗ chạp.

“Không con tội chết, có con tội sống”

Bà vốn làm trong quân đội, cũng kén chọn mãi đâm lỡ thì, kề tuổi bốn mươi ai đó nhắc bà hay “kiếm” đứa con mà nuôi, cho đỡ cô quạnh tuổi già, nhưng cái mác đảng viên không cho bà làm điều tai tiếng ấy. 50 tuổi, qua giới thiệu bà lấy ông, khi ấy đã có cháu nội, ngoại.

Không con cái gì, anh em ai cũng có, nên bà tích cóp bấy lâu cũng được kha khá. Bà có cái nhà cơ quan cấp cho, đem bán được tiền tỉ, liền cất ba trăm triệu gửi tiết kiệm, số còn lại để xây nhà mới cho ông và chia cho mỗi đứa con chồng một ít. Của nả bà mang về khiến lũ con chồng cười híp mắt, tíu tít tay bắt mặt mừng chào đón mẹ mới.

Sau đó bà còn dốc tất công sức cho con cái nhà chồng, từ giữ cháu đến trông nom nhà cho chúng. Chẳng đẻ được nữa thôi thì tập trung vào mà lo cho con chồng, tấm lòng của mình ắt chúng sẽ hiểu. Mà bà cũng có phải nhờ vả gì chúng đâu, toàn cho thêm ấy. 

Lương hưu của bà thậm chí còn cao hơn lương chúng nó vật vã đi làm cả ngày, có hai ông bà ăn sao hết, mỗi khi có việc chúng tỉ tê bà lại cho.

Những tháng ngày còn khỏe, còn chiều được nhau thì chẳng nói làm gì, trôi nhanh như làn gió. Thoắt cái tuổi già cận kề, và bà bất ngờ khi nhận được kết quả mình bị ung thư. Giai đoạn nằm viện, cũng chỉ có cháu, con anh trai bà đến chăm cho, hoặc bà phải tự thuê người, lũ kia đến cho có rồi lướt đi ngay. 

Những ngày cuối đời khi bệnh viện trả về, lũ con ông thì thào, gợi ý hay để bà về nhà em trai hay em gái bà cho tiện. Ở đây chúng nó đi suốt, ông thì vụng về chẳng biết làm gì. Bị họ hàng nói quá, bọn chúng mới thôi không làm cái việc thất đức ấy.

Ngày bà mất, bạn bè, đồng nghiệp đến đưa tiễn, ai nấy đều nức nở, rơi nước mắt thương cho phận bà, sao mà dại quá, “ki cóp cho cọp nó xơi”. Khi biết lũ kia được “hưởng lợi trực tiếp” mà vẫn dửng dưng như không, đưa cặp mắt rắn ráo ra nhìn khắp nơi. Có đứa chỉ đến “điểm danh” rồi lại vụt đi đâu mất. 

Dù chúng không phải lo liệu hay tốn một đồng nào việc ma chay, vì theo chế độ bà được nhà nước đài thọ, tổ chức toàn bộ lễ truy điệu, an táng. 

Bọn chúng chỉ chăm chăm thu tiền mọi người phúng viếng là nhanh. Chúng không cảm giác như bị mất một người thân, mà chỉ thấy bị mất một osin không công, mất đi nguồn thu đáng kể.

Tiền tuất của bà ông được hưởng, vì không có thu nhập, nên hàng tháng ông còn được trợ cấp một khoản lương. Con cái không cần phải lo cho bố, và chúng chả thèm nhòm ngó, tị nạnh nhau mấy đồng trợ cấp còm ấy, bởi nghĩ sau này ông bị ốm đau bệnh tật nằm một chỗ, phải trông nom phục dịch với thuốc thang có mà quá tội.

Ông mặc cảm thấy từ ngày bà mất chúng đối xử với mình lạnh nhạt hẳn, ít sang thăm nom vì ông có gì cho chúng đâu, con chúng lớn cả rồi chẳng cần trông hộ. Bọn ích kỷ ấy, ngay bố đẻ chúng còn thờ ơ thì trông mong gì thương cảm người dưng.

Ông lẩm nhẩm, không con thì chỉ tội lúc chết thôi, bởi khi ấy nào có ai ruột thịt, ở bên tiễn biệt mình. Còn như ông thì sẽ tội suốt quãng thời gian này, sống ngày nào là còn khổ ngày ấy.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.