Nỗi ám ảnh quay lại

GD&TĐ - Theo sau đại dịch Covid-19, những đợt bùng phát lớn của cúm gia cầm làm dấy lên nỗi ám ảnh về một căn bệnh khác lây truyền từ động vật sang người.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tính đến tháng 2, dịch cúm H5N1 đã giết chết hơn 58 triệu gia cầm ở Mỹ. Theo sau đại dịch Covid-19, những đợt bùng phát lớn của cúm gia cầm làm dấy lên nỗi ám ảnh về một căn bệnh khác lây truyền từ động vật sang người.

Theo các chuyên gia, đại dịch tiềm ẩn tiếp theo có thể sẽ bắt nguồn từ động vật. Do đó, điều quan trọng là phải hiểu cách thức và lý do xảy ra sự lây lan, cũng như biện pháp để ngăn chặn nó.

Xác suất xảy ra sự lây lan phụ thuộc vào nhiều yếu tố sinh học và xã hội. Trong đó, bao gồm tỷ lệ cũng như mức độ nghiêm trọng của việc động vật bị nhiễm bệnh, áp lực môi trường khiến bệnh tiến triển, mức độ tiếp xúc gần giữa động vật và người.

Không phải tất cả các loại virus từ động vật hoặc mầm bệnh khác đều có khả năng lây sang người. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, 3/4 bệnh truyền nhiễm mới ở người có nguồn gốc từ động vật. Do đó, nhiều người lo sợ rằng, đại dịch tiếp theo sẽ phát sinh từ động vật.

Hầu hết các nghiên cứu về vấn đề này ngày nay đều tập trung vào việc tìm hiểu và ngăn chặn virus, bao gồm cả SARS-CoV-2 và một số dòng virus cúm gia cầm. Những virus này biến đổi rất nhanh. Những thay đổi ngẫu nhiên trong mã di truyền cuối cùng có thể cho phép chúng lây nhiễm sang người.

Hiện tượng này có thể khó hoặc dễ dàng phát hiện mà không dẫn đến các đợt bùng phát lớn hơn. Đôi khi, một loại virus truyền từ động vật sang người không gây rủi ro, nếu virus không thích nghi tốt với cơ chế sinh học của chúng ta.

Các nhà dịch tễ học dự đoán, nguy cơ mầm bệnh lây lan từ động vật hoang dã sang con người sẽ tăng lên trong những năm tới. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tàn phá thiên nhiên và xâm lấn của con người vào những nơi hoang dã trước đây.

Do mất môi trường sống, biến đổi khí hậu và thay đổi trong sử dụng đất, nhân loại đang cùng nhau tranh giành “chiếc bàn” chứa một cốc nước. Với sự kém ổn định hơn, khả năng lây lan sẽ ngày càng cao khi động vật bị căng thẳng, đông đúc và tìm cách di chuyển.

Khi sự phát triển mở rộng sang các môi trường sống mới, động vật hoang dã tiếp xúc gần hơn với con người và quan trọng là nguồn cung cấp thực phẩm. Sự pha trộn giữa động vật hoang dã và động vật trang trại làm tăng đáng kể nguy cơ dịch bệnh lây lan giữa các loài. Tình trạng này có thể lây lan như cháy rừng giữa các động vật trang trại.

Gia cầm trên khắp nước Mỹ đang trải qua tình trạng này. Các chuyên gia cho rằng, tình trạng lây lan cúm gia cầm ở nhiều trang trại gà chủ yếu là do vịt di cư.

Virus cúm gia cầm mới là hậu duệ của chủng H5N1 ban đầu. Các chuyên gia y tế phát hiện, những trường hợp nhiễm virus cúm mới này lây từ chim sang động vật có vú khác như cáo, chồn hôi và gấu.

Vào ngày 23/2, các hãng tin đã đăng tải về một số ca nhiễm được xác nhận ở người dân Campuchia. Trong đó, một bé gái 11 tuổi đã tử vong do bệnh. Song tới nay, các nhà khoa học cho biết, chủng cúm gia cầm mới này có thể lây nhiễm sang người trong một số trường hợp, nhưng khả năng này không cao.

Lý do là vì nó không thể liên kết với các tế bào trong đường hô hấp của con người một cách hiệu quả. Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho rằng, có ít rủi ro đối với công chúng.

Trong tương lai, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách có thể thực hiện nhiều bước để ngăn chặn tình trạng động vật lây bệnh sang người, bằng cách bảo tồn thiên nhiên, giữ cho động vật hoang dã tách biệt khỏi vật nuôi. Đồng thời, cải thiện khả năng phát hiện sớm các bệnh nhiễm trùng mới ở người và động vật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ