Chúng tôi ngược đường về xã Bình Hộ (Phù Ninh, Phú Thọ) trong những ngày cuối cùng của năm, gió thốc lên từ con sông Lô lạnh buốt xuyên qua kẽ áo thấu ruột gan. Nhớ lại hơn 5 năm về trước, tại xã này 4 người đã chết thảm dưới lưỡi dao oan nghiệt của người hàng xóm. Nghe thật tái tê…
Nhắc lại “buổi trưa hè kinh hoàng”
Sự việc bắt đầu từ khi, Nguyễn Công Dụng (tức Nguyễn Tiến Công, sinh năm 1965, trú tại khu 10, xã Bình Hộ) cùng với Nguyễn Công Chính (SN 1965) người cùng thôn ăn trộm được tài sản của một chuyên gia Thụy Điển ở thị trấn Phong Châu.
Tuy nhiên, do hai người này ăn chia với nhau không sòng phẳng, dẫn đến dồn nén trong lòng, buộc Nguyễn Công Dụng tìm cách trả thủ. Lúc này, Chính phải đi tù lần hai. Vợ của Chính là Hán Thị Chi (SN 1968) ở nhà.
Vốn là chỗ quen biết, nên Dụng và vợ của Chính thường xuyên qua lại với nhau, ngoài ra họ còn thề non hẹn biển rằng Chi sẽ ly hôn chồng sau đó về ở với Dụng. Nhưng, khi Chính đi tù về thì chị Chi không dứt khoát chuyện trước đây mà hai người đã nói với nhau. Dụng bắt đầu tỏ vẻ cay cú.
Căn nhà của gia đình chị Liên và bị cáo Nguyễn Công Dụng trước vành móng ngựa. |
Đến ngày 23/6/2010, biết trước được Chi đi chợ An Đạo nên Dụng gọi điện cho Chi mua hộ gói thuốc lào. Đi chợ về chị Chi đi sang đưa thuốc lào thì Dụng thấy trên xe của chị này có nhiều đồ lỉnh khỉnh.
Dụng hỏi mua cho ai, chị Chi nói rằng mua hộ hàng xóm. Nghi ngờ, Chi nói dối nên Dụng đã đi theo và thấy chị đi vào đưa hàng cho gia đình ông Cổn (bố chồng chị Chi). Đợi đến khi Chi đi ra ngoài đường thì Dụng lớn tiếng chửi: “Vì sao hôm trước nói như vậy mà hôm nay vẫn quan hệ?”.
Nói xong, Dụng bỏ về nhà sau đó gọi điện cho Chi xuống nhà nói chuyện nhưng bất thành. Bực tức, Dụng đe: “Không xuống là không ổn đâu” rồi đập vỡ điện thoại của mình.
Ngay sau đó, Dụng mượn xe máy đi ra chợ mua một con dao nhọn và đến nhà anh Chính. Thấy vợ chồng anh Chính đang ăn cơm, Dụng vào hỏi vài câu rồi bỏ đi. Sau khi trả xe máy xong, khoảng 10h cùng ngày (23/6), Dụng lấy áo khoác quấn con dao và lại đến nhà anh Chính.
Hút xong một điếu thuốc lào, Dụng bất ngờ cầm dao lao đến cắt một nhát vào cổ anh Chính. Bị cứa cổ bất ngờ nên Chính không kịp phản ứng, chỉ kịp dùng tay ôm vết thương bỏ chạy lên đến mặt đê sông Lô thì ngã chết.
Cũng trong lúc đó, nhìn thấy chồng bị cứa cổ, chị Chi vùng dậy kêu lên thì bị Dụng đâm nhiều nhát vào người. Dù bị đâm nhưng chị cố gắng chạy sang nhà ông Nguyễn Công Đàm (SN 1965) ở gần nhà kêu cứu rồi bảo “Công đâm chồng tôi” và tử vong sau đó.
Sau khi giết chết hai người, Dụng nghĩ đã giết hai người rồi, đằng nào cũng chết nên cầm dao đi lấy mạng người hàng xóm Cao Thị Thơm (SN 1974) vì mấy hôm trước chị Thơm thuê xe đổ đất san đường làm đổ tường rào của nhà Dụng.
Sau đó, Dụng mò vào nhà chị Thơm sát hại chị này khi nạn nhân đang sắp mâm cơm cho các con. Cháu Ngô Văn Thịnh (SN 1996) cố gắng bỏ chạy nhưng cũng không thoát khỏi bàn tay của con quỷ khát máu.
Gây án xong, Dụng còn quay lại đốt căn nhà ba gian của vợ chồng anh Chính cùng toàn bộ tài sản bên trong. Lên mặt đê thấy ông Cao Đăng Phú (SN 1962) đang ngồi trên xe máy, Dụng nói dối bảo mượn xe đi có việc gấp. Trên đường bỏ trốn, Dụng đã kịp ném chiếc áo và con dao gây án xuống ao bèo để phi tang.
Trên đường bỏ trốn đến ngã ba Tam Đa (Sơn Dương, Tuyên Quang), Dụng mở cốp xe ra kiểm tra bình xăng và phát hiện trong cốp có hai ví đựng tiền chứa hơn 2 triệu đồng, thẻ ATM, các giấy tờ tùy thân và vật dụng khác...
Sau đó, Dụng tiêu hết hơn 1 triệu đồng để mua điện thoại, thuốc lá, xăng... Số còn lại Dụng cất vào túi mình. Tiếp đó, Dụng đi xe đến nhà anh Dương Tiến Sáu (SN 1985) là anh em họ ở xã Hòa Phú huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) và gửi chiếc xe máy của ông Phú tại đây.
Sau khi bỏ xe máy lại, Dụng ra đường vẫy xe ô tô đi nhờ về trung tâm huyện Sơn Dương. Trên đường đi lang thang, Dụng ăn trộm được chiếc xe đạp rồi đạp suốt đêm về nhà bà Khổng Thị Dần (SN 1963) là người có họ hàng với Dụng ở xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến khoảng 21h cùng ngày, Dụng bị cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ.
TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên mức án tử hình đối với Nguyễn Công Dụng với 3 tội danh “Giết người”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.
“Cuộc đời tôi đầy rẫy những bất hạnh”
Tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Liên (vợ anh Dụng - PV) ở thôn 10, xã Bình Hộ - căn nhà của chị mọc rêu khắp tường, ẩm thấp.
Nhắc đến chuyện cũ, chị Liên ngồi trầm ngâm suy tư một hồi và bảo: “Mới đầu, tôi không tin được vào tai mình khi nghe công an báo tin chồng đã ra tay giết người. Lúc đó, tôi không tin và cho rằng các anh đã báo tin nhầm. Đến tận chiều, tôi tận mắt chứng kiến bốn thi thể đẫm máu thì lúc này tôi mới bật khóc. Tôi run sợ! Tôi biết rằng cuộc sống đã khép lại với chồng”.
Chị Liên bảo: “Cuộc đời tôi đầy rẫy những bất hạnh” |
Chị Liên kể lại: “Mỗi ngày chờ đợi phiên tòa xét xử chồng, với chị nó dài như cả thập kỷ. Ngày anh bị tuyên án “tử hình”, chị dường như suy sụp hoàn toàn. Cho dù, chị biết trước được kết cục sẽ là như vậy thì anh cũng không thể đền hết được tội lỗi.
Những ngày anh Dụng ở trong tù để chờ ngày thi hành án, mỗi lần đến thăm, chị cũng hết lời động viên. Trước mặt anh, chị vẫn phải tỏ ra cứng rắn không dám để rơi một giọt lệ vì sợ anh sẽ buồn. Chị muốn anh được thanh thản trước lúc ra đi. Nước mắt của chị chỉ rơi hàng đêm.
Ngày đợi chờ thi hành án cũng đến, anh vào phòng tử hình để trả giá cho những lỗi lầm của mình. Thời gian dường như là liều thuốc tốt nhất giúp con người có thể quên đi tất cả. Xóm làng đã không còn lời bàn tán, người thân bên phía nạn nhân cũng cảm thông chia sẻ, chính quyền tạo mọi điều kiện để giúp đỡ mẹ con chị Liên.
Nhưng trong lòng chị chưa một phút giây nào nguôi ngoai. Chị Liên bảo: “Bây giờ, tôi thật sự rất khó nghĩ, biết rằng họ (gia đình nạn nhân – PV) phần nào tha thứ cho nhà tôi. Trong lòng tôi vô cùng áy náy, mỗi lần đi ngang qua cổng nhà họ, tôi không dám ngẩng mặt lên nhìn. Vẫn có cái rào cản vô hình, khiến tôi không thể làm ngơ. Tôi lúc nào cũng day dứt”.
Được biết, hằng ngày, chị đi làm văn thư cho một trường học gần nhà. Còn thời gian rảnh rỗi, chị lại làm việc đồng áng và chăn nuôi. Hai người con công việc vẫn chưa ổn định nên không giúp đỡ nhiều. Chị vừa phải nai lưng ra bươn chải cuộc sống gia đình, vừa lo tiền để trả nợ. “Phía gia đình bị hại rất tốt với gia đình. Họ nhiệt tình giúp đỡ nếu không tôi đã khụy ngã”.
Điều mà chị lo lắng nhiều hơn cả đó chính là thế hệ con cháu sau này. Liệu rằng lớp trẻ có vượt qua được sự ám ảnh đó hay không? Lớp trẻ sau này của hai gia đình có thực sự chấm dứt ở đây không? Đó là những câu hỏi mà chị luôn canh cánh trong lòng.
Chị chưa từng khóc, chưa từng thổ lộ với ai, bởi chị nghĩ rằng tội lỗi của chồng mình quá lớn. Phần việc nhỏ bé của chị có thể làm thay cho tội ác của chồng không đủ để làm lương tâm của chị thanh thản. Gạt những dòng lệ, chị nghẹn ngào: “Cuộc đời tôi đầy rẫy những bất hạnh”.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Dậu – Trưởng khu 10 (xã Bình Bộ) cho biết, sự việc xảy ra được một thời gian khá lâu. Người dân trong khu không ai muốn nhắc lại, bởi nỗi ám ảnh quá lớn với họ. Chuyện này người dân đã đi vào quên lãng, để làm vơi đi nỗi đau cho những người thân của hai bên gia đình. Chính quyền địa phương và người dân trong khu đều tạo điều kiện thuận lợi để hàn gắn lại những mỗi quan hệ giữa hai gia đình.