Bệnh nhân nằm tại khoa cấp cứu BV Việt Đức.
Ám ảnh những ca tai nạn giao thông nghiêm trọng
Có mặt tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), chúng tôi mới cảm nhận hết nỗi đau như xé lòng, sự gấp gáp của thời gian, niềm tin và cả những tia hy vọng trong chốc lát rồi bỗng dưng vụt tắt.
6h30, tua trực của một đêm đang hoàn tất thủ tục cuối cùng để chuyển cho tua trực khác. Cuốn sổ ghi danh sách bệnh nhân nhập viện trong ngày và đêm hôm trước chủ yếu là bệnh nhân bị tai nạn, trong đó có tới 2/3 trường hợp tai nạn xe máy.
Một điều dưỡng tâm sự, tua trực của một đêm bình thường, không phải ngày lễ tết, nhưng số bệnh nhân vào viện do tai nạn giao thông vẫn còn rất nhiều. Vừa tiễn một bệnh nhân bị chết não, mất cả tai do tai nạn giao thông, gia đình xin về, anh thở dài “chắc cố cũng chỉ về đến nhà là qua đời”.
Có bệnh nhân 24 tuổi, chưa có gia đình, đi làm ca đêm sau bữa liên hoan có uống bia. Do sợ đi làm muộn nên anh này phóng nhanh, gặp đoạn đường đang thi công đã không làm chủ được tốc độ dẫn đến bị thương nặng. Bệnh viện tỉnh đã chụp CT và cho biết đã chết não. Nhưng gia đình vẫn hi vọng còn nước còn tát, vội vàng đưa lên đến bệnh viện Việt Đức. Nhưng đến nơi, bác sĩ chỉ nhìn phim chụp CT đã thấy không cứu được. Người vợ trẻ khóc lóc không tin vào sự thật, người cha mắt đờ đẫn hỏi có còn biện pháp nào không?
Mỗi ngày bệnh viện Việt Đức cấp cứu từ 150 đến 180 bệnh nhân, trong đó có tới 2/3 là bệnh nhân do tai nạn giao thông và có nhiều bệnh nhân uống rượu, bia.
Hầu như ranh giới sự sống – cái chết vẫn rất mong manh ở những khoa cấp cứu các bệnh viện lớn. Nỗi nuối tiếc lớn nhất của các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây là đa số những người bệnh xin về đều rất trẻ.
Khó chẩn đoán chính xác vì uống bia rượu
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Gia Anh – Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức cho biết, những ngày bình thường các bác sĩ của khoa Cấp cứu vốn bận rộn nhưng đến ban đêm tua trực lại vất vả bộn phần vì chủ yếu là cấp cứu tai nạn giao thông. Đặc điểm của các trường hợp cấp cứu này là đa số các bệnh nhân bị về đêm, sau khi ăn nhậu xong, một phần do tuyến dưới chuyển đến. Hầu như ngày nào bệnh viện cũng có bệnh nhân nặng quá xin về.
Cái khó của các bác sĩ khi cấp cứu tai nạn giao thông đó là bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu cao dẫn đến việc chẩn đoán khó hơn. Nhiều trường hợp, bác sĩ không biết đó là hôn mê do cồn hay hôn mê do chấn thương.
Khi vào cấp cứu, các bác sĩ phải sờ, nhìn vào hiện trạng và hỏi bệnh nhân. Nhưng với bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông có uống bia rượu, các cách này đều không thực hiện được. Có bệnh nhân chỉ chạm vào thôi họ đã phản ứng không đồng ý, có bệnh nhân hỏi thì họ chửi vì muốn được yên. Vì thế, các bác sĩ phải có kinh nghiệm mới có thể đưa ra hướng chẩn đoán chính xác được.
Ngoài ra, với các nhân viên y tế ở đây, cái khổ khi tiếp nhận những bệnh nhân say rượu bị tai nạn giao thông, các bác sĩ, điều dưỡng đôi khi còn bị chửi. Họ cảm thấy khó chịu khi bác sĩ hỏi, có người thì rơi vào tình trạng lim dim hỏi gì không nói, tên tuổi cũng chẳng đúng, có người lại rơi vào tình trạng kích động đập phá.
Có những tua trực, các bác sĩ đã bận rộn vẫn phải thường xuyên vào động viên bệnh nhân để họ không đập phá, ảnh hưởng đến bệnh nhân khác cũng như quá trình điều trị.
Với những bệnh nhân say rượu mà bị tai nạn giao thông, nếu các bác sĩ, người nhà không chú ý khi bệnh nhân nôn mửa ho sặc có thể dẫn đến các thức ăn vào khí quản ảnh hưởng tới đường thở có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Hiểu được điều đó, mỗi bệnh nhân vào viện, các bác sĩ đều hỏi người đi cùng có uống rượu hay không. Ngày trước, bảo hiểm y tế chưa chi trả cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông có uống rượu họ còn chối cho rằng không uống.
Bác sĩ Gia Anh cho biết bệnh nhân uống rượu, uống bia khi cần cấp cứu phải mổ bác sĩ vẫn mổ nhưng tổn thương sau mổ cũng khó hơn, gây mê cũng khó hơn. Nạn nhân tai nạn giao thông phần lớn là đa chấn thương, nặng nhất là chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng và tổn thương các chi. Chính vì thế, sau chẩn đoán ban đầu, các bệnh nhân được đưa ngay vào các khoa phẫu thuật thần kinh, sọ não, cơ xương khớp.