Nỗi ám ảnh Bắc Cực

GD&TĐ - Từ Arthur Conan Doyle đến Charles Dickens, hầu hết các tác giả lớn phương Tây trong Thế kỷ XIX đều không thoát khỏi sự quyến rũ từ Bắc cực. Dù thực tế thám hiểm chỉ ra không có gì ngoài băng, giá rét và cái chết chực chờ tại cực bắc của Trái đất, vì lý do gì, nỗi khao khát khám phá Bắc cực không hề giảm?

Cực từ bắc là một điểm có thật tại Đảo Bathurst, Canada, cách 1600 km so với cực bắc địa lý, có tọa độ là 82.7°B 114.4°T
Cực từ bắc là một điểm có thật tại Đảo Bathurst, Canada, cách 1600 km so với cực bắc địa lý, có tọa độ là 82.7°B 114.4°T

Cơn đói vô hạn

Tháng 2/1880, tàu đánh cá Hope rời biển Hy Lạp, từ bắc Peterhead, Scotland đến Bắc cực. Trên tàu bao gồm thuyền trưởng lão luyện, phu nhân thuyền trưởng, người phóng lao móc, thủy thủ đoàn và một thủy thủ đặc biệt: Arthur Conan Doyle, tác giả Sherlock Holmes nổi danh. Conan Doyle lúc này mới 20 tuổi. Một thời gian ngắn sau khi trở về, rất lâu trước khi trở thành tác giả nổi tiếng, ông viết hai truyện ngắn về Bắc cực, một viễn tưởng, một hiện thực.

Captain of the Pole-Star, xuất bản năm 1883, đồng thời là một trong những truyện ngắn đầu tay của Conan Doyle. Nó kể về sinh viên y khoa trẻ làm bác sĩ phẫu thuật trên tàu săn cá voi. Nhân vật này đi từ hoài nghi đến sợ hãi, cuối cùng phát điên. Thuyền trưởng của tàu, như bị ma ám, một mình lết bộ trên băng cho tới khi gục ngã vĩnh viễn.

 Arthur Conan Doyle, nhà văn đầu tiên thám hiểm Bắc Cực

Ngoài vai trò là tác phẩm ra mắt cho sự nghiệp văn chương của Conan Doyle, Captain of the Pole-Star còn đóng vai trò quan trọng trong mảng văn học viết về Bắc cực.

Trước đó, tiểu loại bất thường này được khởi động bằng tác phẩm của Samuel Taylor Coleridge (Anh), Rime of the Ancient Mariner (1798). “Băng ở đây, băng ở kia/ Băng tồn tại khắp nơi”, Coleridge viết.

Sau Conan Doyle, một loạt các nhà văn danh tiếng lẫy lừng khác tiếp nối, trong đó có Mary Shelley (Anh), Edgar Allan Poe (Mỹ), Jules Verne (Pháp), Wilkie Collins (Anh), Charles Dickens (Anh). Tất cả đều cùng một lối nghĩ, xem Bắc cực là nơi tàn nhẫn nhấn chìm con người vào cảm giác điên loạn, bạo lực, giết họ một cách thảm khốc.

Cũng trong năm 1883, Conan Doyle phát biểu tại Hiệp hội Văn – Khoa học Portsmouth, Anh về chủ đề thăm dò Bắc cực. Ông gọi cuộc thám hiểm này là “thách thức với những kẻ táo bạo”, chỉ những đàn ông “táo tợn, dũng mãnh và tuyệt vời nhất” mới dám làm. Bắc cực, như đánh giá của Conan Doyle, là “môi trường tạo nên người đàn ông đích thực”.

Conan Doyle không phải người duy nhất cuồng si Bắc cực. Từ thời cổ đại, nhân loại đã bị ám ảnh bởi việc khám phá hai đầu Trái đất. Bắc cực trong Thế kỷ XIX là nỗi khát khao, tham vọng mãnh liệt của phương Tây. Trong suốt hàng trăm năm, các tàu chiến từ các quốc gia phía bắc, đặc biệt là Anh quốc, kiên gan hướng tới cánh đồng băng. Ai nấy đều cố “tiến xa nhất về phía bắc”.

Dù hầu hết câu chuyện được kể bởi người sống sót trở về đều nặng nề, đau đớn, sự thèm khát với Bắc cực không hề vơi. Như Henry Morley nhận xét, bất kể nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, “Tất cả đều quan tâm đến Bắc cực”. Chỉ khi Thế chiến I, II tàn phá khắp nơi, cơn đói này mới tạm chuyển hướng.

Người cổ đại tin rằng sâu trong Bắc cực là thiên đường, nơi tận cùng Trái đất

Người cổ đại tin rằng sâu trong Bắc cực là thiên đường, nơi tận cùng Trái đất

Thiên đường Hyperborea

Khoảng năm 330 trước Công nguyên, nhà thám hiểm địa lý Hy Lạp tên Pytheas rời Thành phố Marseilles, Pháp, khởi hành chuyến đi Viễn Bắc. Không ai biết chính xác Pytheas đã đi đến đâu, song, theo mô tả của Pytheas, đó là một đại dương đóng băng, nơi con người không thể “đi thuyền buồm hay đi bộ”.

Ông gọi vùng đất này là Thule, mang ý nghĩa vùng đất đặc biệt nhất trong các vùng đất đặc biệt. Thule trở thành một trong ba cái tên người Hy Lạp cổ gọi Bắc cực. Hai tên còn lại là Arctic và Hyperborea. Arctic bắt nguồn từ Arktikos (gấu lớn) nhưng ý chỉ chòm sao lớn nhất ở bầu trời phía bắc. Hyperborea là thiên đường ước mơ. Người Hy Lạp cổ tin tận cùng Bắc cực là vùng đất bình yên, màu mỡ, không có chiến tranh, khổ đau.

Khoảng Thế kỷ II trước Công nguyên đến Thế kỷ XI sau Công nguyên, các bộ lạc từ phía bắc tràn xuống phía nam cướp bóc, hãm hiếp, giết chóc, Bắc cực mới bị gắn mác địa ngục. Người Goths, Vikings, Vandals hoành hành khắp ngả.

Năm 1360, một người Anh trở về từ Bắc cực báo cáo nhìn thấy dòng xoáy khổng lồ ở vùng biển xa nhất. Thế kỷ XVI, Gerardus Mercator, người vẽ bản đồ thế giới thậm chí phác họa cả một núi sắt khổng lồ trong vùng Bắc cực.

Núi sắt này có từ trường mạnh đến mức có thể hút bật đinh đóng ván tàu, khiến la bàn trở nên vô dụng. Tuy nhiên, Mercator vẫn tin sâu trong Bắc cực là Hyperborea duyên dáng. Giữa Thế kỷ XIX, huyền thoại cổ đại về Bắc cực mới chuyển thành giả thuyết khoa học nghiêm túc: Biển Cực Mở. Dẫu vậy, nhân loại vẫn không thôi mơ tưởng, vượt ra khỏi vĩ tuyến thứ 80 là thiên đường nhiệt đới hoàn hảo thay vì biển băng.

Hợp lý hóa ăn thịt đồng loại

Người ủng hộ thuyết Biển Cực Mở lập luận, ở vĩ tuyến thứ 80, nhiệt độ nước đạt tới điểm thấp nhất, đủ lạnh để đóng băng toàn bộ Bắc Băng Dương. Để chứng minh thuyết này, họ trích dẫn các mô hình chim di trú, hướng dòng chảy dưới biển, ánh mặt trời vĩnh cửu tại Bắc cực trong mùa hè, tảng băng trôi,…

Lý thuyết Biển Cực Mở khiến cuộc thám hiểm Hành lang Tây Bắc trở nên đáng tin cậy. Nhờ nó, Anh quốc nâng cao năng lực chiến đấu của hải quân, mở rộng lãnh thổ, xâm chiếm thuộc địa. Trước đó, sau Trận chiến Trafalgar (trận thủy chiến giữa Hải quân Hoàng gia Anh và đội tàu hỗn hợp của Hải quân Pháp và Hải quân Tây Ban Nha trong các cuộc chiến tranh của Napoléon từ 1803-1815), dù chiến thắng, hải quân Anh thấy mình ngơ ngác giữa bốn bề biển cả.

Họ phải đối mặt với tình trạng không xác định được hải phận, nơi treo cờ, thậm chí có khả năng trở thành “trò cười cho cả thế giới”, như đánh giá của chính khách Anh John Barrow năm 1804.

Suốt Thế kỷ XIX, người Anh không ngừng hát các bài hát với chủ đề Bắc cực, mở tiệc tùng theo cảm hứng Bắc cực, tái lập các cuộc thám hiểm. Như quan sát của Henry Morley, họ ngấu nghiến các câu chuyện liên quan đến Bắc cực.

Năm 1821, Thuyền trưởng William Parry, chỉ huy cuộc thám hiểm Bắc cực lần thứ hai của thời kỳ hiện đại, xuất bản cuốn sách bán chạy nhất. Các thám hiểm gia đua nhau viết hồi ký. Năm 1856, Arctic Explorations của nhà thám hiểm người Mỹ Elisha Kent Kane bán được 200.000 bản. Đám tang của Kane cũng được tổ chức rầm rộ, chỉ đứng sau tang lễ của Lincoln, tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ.

 Dù thất bại, cái chết của John Franklin là biểu tượng cho danh dự thám hiểm gia

Trong các nhà thám hiểm Thế kỷ XIX, John Franklin (1786 – 1847) là thám hiểm gia nổi bật nhất. Năm 1845, Franklin bắt tay vào cuộc thám hiểm Bắc cực lần thứ 4. Với 24 sĩ quan, 110 thủy thủ, 2 tàu (Terror và Erebus), ông tiến vào vùng Bắc cực của Canada.

Phải mất 11 năm, Anh quốc mới tìm được Terror và Erebus, cả hai đều bị mắc kẹt trong băng. Franklin chết trên tàu. Thủy thủ đoàn của ông cố rời khỏi Bắc cực bằng xe lăn nhưng, vì đói khát, thân nhiệt hạ, không một ai sống sót.

Năm 1854, nhà thám hiểm người Scotland, John Rae, tìm được bằng chứng cho thấy toàn bộ thủ thủ đoàn Franklin đã chết. “Từ tình trạng khủng khiếp của nhiều thi thể và bên trong những ấm nước” Rae viết, “rõ ràng, những người đàn ông khốn khổ của chúng ta đã bị đẩy đến đường cùng”. Họ buộc phải ăn thịt lẫn nhau.

Dù vậy, ngay lập tức, những cánh tay ngưỡng mộ ở Anh giơ cao. Đàn ông có thể chết ở Bắc cực nhưng danh tiếng vẻ vang của họ sẽ trường tồn. Trong mắt Henry Morley, cái chết của họ “sáng trong như tuyết Bắc cực”, là biểu tượng của chí anh hùng.

Trái lại, trong White Horizons, xuất bản năm 2008, Jen Hill cho rằng, bất kể tô son vẽ phấn thế nào, ăn thịt đồng loại là hành động “dã man” nhất. Trước đó, Charles Dickens, dù cảm thông, cũng không đồng tình. Trong cuộc tranh luận với Rae, ông khẳng định có tuyệt vọng đến mức nào cũng tuyệt đối không được sử dụng đồng đội như thức ăn.

Khác với sự si mê cuồng loạn của công chúng, các nhà văn nhìn thấy một sự thật khác. Thay vì ca ngợi công chinh phục, họ hình dung các thảm họa. Thay vì những ý tưởng khoa học, họ gọi ảo tưởng trở về. Thay vì chủ nghĩa anh hùng, họ vẽ lên câu chuyện kinh dị.

Kết thúc bằng cái chết

Sáu thập kỷ trước khi Arthur Conan Doyle đặt dấu chấm hết cho cuộc đời thuyền trưởng điên cuồng Pole-Star trong Captain of the Pole-Star, Mary Shelley, nữ nhà văn Anh, mơ ước về một Hyperborean trong thực tế. Frankenstein của bà kể lại câu chuyện Thuyền trưởng Robert Walton lạc giữa Bắc cực, cuối cùng được cứu bởi Victor Frankenstein.

Suốt 990 năm kể từ khi Frankenstein được xuất bản (1818), độc giả phương Tây không ngừng đọc và mơ ước. Walton đến Bắc Cực để thực hiện ước mơ thám hiểm từ thời thơ ấu còn bác sĩ Frankenstein đến đó để đuổi bắt con quái vật do chính ông tạo ra.

Câu chuyện được kể dưới hình thức những lá thư gửi cho em gái của Walton. Vì thuật lại lời kể của bác sĩ, Walton ít nhiều bị ảnh hưởng bởi Frankenstein. Ông không ngừng tự hào rằng hành động của mình là sự hy sinh cho nhân loại.

Sau 9 tháng bị mê mẩn bởi vùng đất chỉ toàn tuyết và băng đóng, Walton mới nhìn thấy thực tế “Trời quá lạnh. Nhiều đồng đội bất hạnh của anh được tìm thấy trong những ngôi mộ giữa cảnh hoang tàn”.

Khi viết Frankenstein, Shelley mới chỉ 19 tuổi. Từ thơ ấu đến thiếu niên, Shelley không ngừng bị cuốn hút bởi những câu chuyện về Bắc cực. Frankenstein là một tác phẩm hay, dù phần cuối có bị ảnh hưởng bởi John Barrow mà gióng trống khua chiêng cổ vũ cho việc tìm kiếm Hành lang Tây Bắc.

Cùng năm 1818, John Ross trở về từ chuyến thám hiểm Bắc cực đầu tiên. Cuốn sách của Shelley chứng thực với độc giả thế giới trong Frankenstein là có thật. Rất nhanh, nó truyền cảm hứng cho các tác phẩm tiếp theo, giữ vững vị trí của Bắc cực trong làng văn Châu Âu.

Tác giả thứ hai làm sống dậy huyền thoại Hyperborean là Edgar Allan Poe. Với The Narrative of Arthur Gordon Pym of Nantucket, ông thuyết phục độc giả cống hiến cuộc đời cho khám phá Bắc cực là đúng đắn.

Song, với độc giả ngày nay, câu chuyện nổi loạn, đói khát, thảm sát, ăn thịt người của Allan Poe khá cực đoan. Kết thúc của The Narrative of Arthur Gordon Pym of Nantucket cũng rất mơ hồ. Không đồng ý với điều đó, Jules Verne viết An Antarctic Mystery, giải cứu Pym, nhân vật chính của The Narrative of Arthur Gordon Pym of Nantucket khỏi biển nước sôi.

Tuy nhiên, Verne lại giết Pym bằng núi nam châm. Tương tự, trong 20.000 Lig Under the Sea, Verne cũng khai tử Thuyền trưởng Nemo. Ở The Adventures of Captain Hatteras của ông, tuy nhân vật chính không phải chết nhưng cũng hóa điên.

Gần như mọi kết thúc trong tiểu thuyết về Bắc cực đều hướng tới cái chết, do cả nguyên nhân tự nhiên lẫn phi tự nhiên. Chỉ đến kịch của Charles Dickens và Wilkie Collins, sự cực đoan mới giảm nhẹ đôi chút. Sự ám ảnh với Bắc cực lớn đến nỗi lan cả sang các tiểu thuyết không liên quan.

Trong Persuasion của Jane Austen, vợ Đô đốc Croft than phiền phải “chinh phụ chờ chồng” đi khám phá vùng Viễn Bắc. Charlotte Bronte cũng không quên lướt qua vùng Bắc cực trong tuyệt phẩm Jane Eyre của bà.

Viễn Bắc không có gì ngoài băng giá

Viễn Bắc không có gì ngoài băng giá

 Thực tế khắc nghiệt

Conan Doyle ca ngợi cuộc phiêu lưu Bắc cực là chuyến đi tuyệt vời. Ông mô tả Bắc cực như địa điểm du lịch huyền bí, kỳ thú. Thật ra, Bắc cực không có gì cả. Ngoài di chuyển, người thám hiểm không có việc gì để làm. Bản thân Conan Doyle hiểu rõ điều đó.

Nhật ký của ông chật đầy nỗi đau, sự tàn phá, đơn điệu, nhàm chán. Conan Doyle cũng suýt chết vì bị sụt băng, chìm trong nước lạnh. Nỗi sợ hãi lớn nhất của ông tàu bị mắc kẹt trong băng.

Năm 1830, nhiều tàu thuyền bị băng giữ lại trong Vịnh Melville, Greenland. Gần 1000 người chỉ biết cầu nguyện chờ băng tan để đi tiếp. Cuối cùng, chỉ ba người sống sót và được giải cứu. Chuyến đi thám hiểm Bắc cực không có gì ngoài nỗi thống khổ, tuyệt vọng, chết chóc.

Thực tế cho thấy, giống như tưởng tượng của các nhà văn, người thám hiểm không chết vì công việc thám hiểm. Họ chết vì sự ngốc nghếch của mình. Vì sĩ diện sắc tộc, hầu hết các thám hiểm gia Anh quốc từ chối học hỏi cách di chuyển, săn bắt, ăn uống và giữ ấm của người Eskimo bản địa.

Trong đế quốc Anh, ảo tưởng anh hùng dẫn đến cái chết của vô số trai tráng. Tại Bắc cực, ảo tưởng anh hùng của họ lần nữa giết chết thêm nhiều người tham luyến hư vinh.

Trái với sự ca ngợi, vinh danh của Anh, hầu hết các nhà thám hiểm của Thế kỷ XIX chết vô ích. Hành lang Tây Bắc tuy là một phát hiện vĩ đại, nó không mang lại lợi ích gì, ngay cả lợi ích thương mại cũng không.

Ngày 20/4/1968, nhà thám hiểm Ralph Plaisted, Mỹ thành công vượt qua Bắc cực. Không có thiên đường nhiệt đới nào ở tận cùng Trái đất. Tứ phía chỉ có băng và băng. Thứ duy nhất Bắc Cực có thể đem đến là thảm họa băng tan do nóng lên toàn cầu. Trong khi người cổ đại mơ ước một Hyperborea ấm áp giữa vùng băng giá, chúng ta ngày nay chỉ có duy nhất một ước ao: Bắc cực đừng bao giờ tan băng.

Trái với mơ ước của người cổ đại, chúng ta hy vọng Bắc Cực đừng bao giờ tan băng

Trái với mơ ước của người cổ đại, chúng ta hy vọng Bắc Cực đừng bao giờ tan băng

Theo Newyorker.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.