Giao xe ô tô để hưởng khuyến mãi
Trong những năm gần đây, Nghệ An luôn nằm trong top những địa phương mua sắm xe ô tô nhiều nhất cả nước. Khi số phương tiện tăng, các loại tội phạm liên quan đến lừa đảo, trộm cắp, phá hoại tài sản liên quan đến ô tô cũng gia tăng.
Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Nghệ An mới đây phá thành công 13 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu hồi tang vật 13 xe ô tô.
Theo hồ sơ vụ án, sau khi mua xe ô tô của một hãng đóng tại TP Vinh, một thời gian sau khách hàng được Trần Thị H (nhân viên kinh doanh, trú tại TP Vinh) gọi điện quảng cáo về chương trình khuyến mãi.
Cô gái này quảng cáo, khách hàng sẽ được hoàn thuế và tặng gói phụ kiện (trị giá 10% xe) với điều kiện mang xe và giấy tờ xe để nhân viên làm thủ tục. Tin tưởng vì từng được H tư vấn nên một số khách hàng giao xe ô tô cùng giấy tờ liên quan cho nữ nhân viên này.
Thế nhưng, khi người dân muốn lấy lại xe ô tô thì H đưa ra nhiều lý do để trì hoãn. Cũng khoảng thời gian này, cơ quan công an phát hiện một số cơ sở cầm đồ thực hiện việc cầm cố ô tô không đúng quy định của pháp luật.
Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An triệu tập Trần Thị H lên để làm việc. Công an xác định, từ tháng 4/2023 - 7/2024, do đầu tư tiền ảo bị thua lỗ, để có tiền trả nợ nên H nghĩ ra chiêu trò lừa đảo. Nạn nhân của cô gái này hầu hết là những khách hàng cũ từng mua xe trước đây.
Không dừng lại ở đó, H còn đến một số cửa hàng thuê ô tô tự lái, sau đó mang xe đi cầm cố để lấy tiền. Chỉ trong thời gian ngắn, cô gái này lừa đảo 13 khách hàng, chiếm đoạt 13 xe ô tô trị giá hơn 10 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, H mang đi trả nợ, tiêu xài cá nhân và đầu tư tiền ảo.
Trước đó, Công an huyện Quỳnh Lưu triệt phá đường dây thuê xe ô tô, làm giả giấy tờ để cầm cố, chiếm đoạt tài sản. Nhóm người này hoạt động tại nhiều địa bàn thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…
Cầm đầu đường dây trên là Đậu Đức Bằng (SN 1991, trú tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) và Nguyễn Ngọc Tĩnh (SN 1991, trú tại phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai).
Để tạo niềm tin cho nạn nhân, những người này đóng vai là doanh nhân trẻ thành đạt, chuyên làm các dự án lớn. Đồng thời, lên mạng tìm kiếm những công ty, cửa hàng kinh doanh chuyên cho thuê ô tô tự lái ở nhiều tỉnh, thành để thuê xe.
Sau khi thuê xe, bọn chúng đưa về Nghệ An rồi làm giả các loại giấy tờ như giấy mua bán xe, chuyển nhượng xe, giấy uỷ quyền về việc mua bán xe, sau đó bán cho Hồ Trọng Tâm (SN 1989, trú tại xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu) để lấy tiền.
Điều đáng nói, dù biết các xe của Bằng và Tĩnh đều là xe lừa đảo mà có, nhưng Tâm vẫn đồng ý mua với giá tiền từ 150 - 300 triệu đồng/xe.
Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, Công an huyện Quỳnh Lưu đồng loạt khám xét 27 địa điểm tại các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... bắt giữ các đối tượng về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; thu giữ 22 xe ô tô là tang vật chuyên án.
Ngoài các hành vi lừa đảo, kẻ gian còn lợi dụng sơ hở của người dân đậu xe ô tô ở khu vực vắng, không có người trông coi, khuất tầm nhìn để trộm cắp phụ kiện của xe như tháo lốp, bẻ gương hoặc đập bể kính xe để trộm cắp tài sản có giá trị trong xe như điện thoại, túi xách, tiền mặt…
Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo, trộm cắp
Qua vụ việc 13 chủ xe bị nữ nhân viên kinh doanh của một hãng ô tô lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Nghệ An khuyến cáo người dân không nên nhẹ dạ cả tin với những thông tin khuyến mãi mà chưa được kiểm chứng. Khi phát hiện những trường hợp cầm cố tài sản không đúng quy định thì kịp thời trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để được xử lý kịp thời.
Đối với các doanh nghiệp, cá nhân cho thuê xe ô tô tự lái cần xác minh kỹ thông tin của người thuê xe; thực hiện đầy đủ các thủ tục, biện pháp ràng buộc pháp lý đối với khách thuê xe ô tô nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc.
Trong khi đó, nguyên nhân dẫn đến việc mất trộm liên quan đến xe ô tô là do chủ sở hữu lơ là, mất cảnh giác. Nhiều người có tâm lý chủ quan để xe trước cửa nhà, nơi công cộng không có người trông giữ; xe ô tô không có hệ thống báo động, thiếu thiết bị an toàn... đã tạo điều kiện cho các đối tượng xấu thực hiện hành vi phạm tội. Mặt khác, một số người dân có thói quen coi ô tô là “ngôi nhà di động” nên thường để tài sản (túi xách, ví, điện thoại….) ở lại trong xe.
Để chủ động phòng ngừa tội phạm trộm liên quan đến xe ô tô, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nêu cao ý thức cảnh giác, có biện pháp bảo vệ, giữ gìn tài sản của mình, không để các đối tượng xấu có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội.
Khi rời khỏi phương tiện, người dân không nên để lại tài sản có giá trị trên xe; không đậu, đỗ xe nơi khuất tầm nhìn, vắng người qua lại. Trường hợp nhà riêng không có chỗ để xe mà đậu đỗ xe trước nhà thì phải lắp camera quan sát, thiết bị báo động…
Công an tỉnh Nghệ An đang triển khai dự án xây dựng hệ thống camera giám sát an ninh và xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn TP Vinh. Đây cũng được xem là giải pháp để ngăn chặn, hạn chế tình trạng trộm cắp, phá hoại tài sản liên quan đến ô tô xảy ra trong thời gian qua.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Nghệ An đứng thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và TPHCM) về số lượng ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống, được khách hàng mua và đi đăng kiểm lần đầu với 4.773 xe.