Nở rộ ngành dạy thêm cho người già

GD&TĐ - Tình trạng dân số già nhanh chóng, đang thúc đẩy thị trường dạy thêm và cung cấp hoạt động giải trí dành cho tầng lớp trung lưu cao tuổi tại Trung Quốc.

Lớp học hát dành cho người cao tuổi tại trung tâm dạy thêm Mama Sunset, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Lớp học hát dành cho người cao tuổi tại trung tâm dạy thêm Mama Sunset, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Từ tập yoga, đánh trống hay chụp ảnh trên điện thoại thông minh, các khoá học đang phát triển nhanh chóng.

Tiềm năng tăng trưởng của ngành “dạy thêm” dành cho người cao tuổi trái ngược hẳn với sự suy giảm của ngành học thêm tư nhân do Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách giảm kép từ năm 2021.

Anh Qiu Peilin, người đứng đầu trung tâm đào tạo người cao tuổi Mama Sunset, đã mở 5 chi nhánh tại thủ đô Bắc Kinh từ tháng 4/2023. Người này nhận định các ngành giáo dục Trung Quốc đang chuyển đổi sang nền kinh tế “bạc”, tức phục vụ cho tầng lớp trung lưu lớn tuổi.

Họ có thể đã về hưu hoặc có thời gian rảnh rỗi để học thêm những kỹ năng mới mà chưa có cơ hội học khi còn trẻ. Các khoá dạy thêm rất phong phú từ nghệ thuật, âm nhạc cho đến công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Ông Cui Chunyun, 60 tuổi, học viên lớp Khiêu vũ tại Mama Sunset, chia sẻ: “Tôi muốn vận động. Nhiều người trong lớp học đã 70 tuổi nhưng họ vẫn có thể nhảy múa. Chúng tôi phải vận động để sống”.

Công ty tư vấn Frost & Sullivan kỳ vọng thị trường giáo dục người lớn tuổi của Trung Quốc sẽ tăng trưởng kép hàng năm là 34% vào năm 2027. Con số dự kiến từ 28 tỷ nhân dân tệ vào năm 2022 lên 120,9 tỷ nhân dân tệ sau 5 năm.

Sở dĩ có kỳ vọng này vì theo các chuyên gia phân tích, trong 10 năm tới, khoảng 300 triệu người Trung Quốc sẽ bước vào độ tuổi nghỉ hưu, tương đương gần như toàn bộ dân số Mỹ. Ước tính, cứ 2 người trên 65 tuổi tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ có một người sống ở Trung Quốc vào năm 2040.

Tốc độ già hoá dân số đang đe doạ nền tảng công nghệ, tài chính và nỗ lực xoá đói giảm nghèo của chính phủ. Tuy nhiên, tình trạng trên cũng mở ra những thị trường kinh doanh đầu tư đầy tiềm năng với đối tượng là người cao tuổi.

Không những đầu tư, giáo dục dành cho người lớn tuổi cũng được Chính phủ Trung Quốc quan tâm và thúc đẩy. Hồi năm 2022, Bộ Giáo dục thông báo thành lập trường đại học quốc gia dành cho người cao tuổi nhằm đối phó với tình trạng già hoá dân số và xây dựng xã hội học tập suốt đời.

Sinh viên nhà trường từ 60 tuổi trở lên. Chương trình giảng dạy đa dạng từ ngoại ngữ, kỹ năng máy tính, âm nhạc, khiêu vũ đến nhiếp ảnh, hội họa, thể thao,...

Theo quy hoạch quốc gia về già hoá dân số, Trung Quốc yêu cầu đến năm 2025, mỗi khu vực (thành phố, quận hoặc huyện) phải có ít nhất một trường đại học dành cho người già.

Ông Xiong Bingqi - Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 cho biết, người lớn tuổi đăng ký các khoá học để giải trí, tìm người bầu bạn chứ không đơn thuần là nâng cao kỹ năng hoặc tìm việc làm.

Ngoài ra, tội phạm mạng nhắm vào người cao tuổi đang gia tăng, tạo ra nhu cầu cấp thiết trong việc phổ biến kiến thức kỹ thuật số cho nhóm người này.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo lương hưu thấp, phúc lợi không đầy đủ có thể hạn chế tiềm năng của ngành “dạy thêm” dành cho người cao tuổi. Đây từng là bài toán của các nền kinh tế “bạc” khác như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo khảo sát, lương hưu trung bình hàng tháng ở thành thị dao động từ 3.000 – 6.000 nhân dân tệ. Còn ở nông thôn, người cao tuổi nhận lương hưu trung bình 100 nhân dân tệ mỗi tháng. Trong khi đó, một khoá học tại Mama Sunset có giá 50 – 60 nhân dân tệ. Một combo gồm 36 khoá học có giá gần 2.000 nhân dân tệ.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.