Nỗ lực phát triển hệ thống trường mầm non ngoài công lập

GD&TĐ - Năm học 2017 - 2018, Sở GD&ĐT Nghệ An xây dựng Đề án phát triển hệ thống mầm non ngoài công lập với mục đích giảm tải cho trường công, đồng thời đáp ứng nhu cầu ra lớp của trẻ vẫn đang trên đà tăng trưởng nóng. Tuy nhiên, thực tế triển khai mở rộng quy mô các trường dân lập, tư thục lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nỗ lực phát triển hệ thống trường mầm non ngoài công lập

Vướng quy trình, thủ tục

Những năm gần đây, huyện Diễn Châu là địa phương đang gặp quá tải ở bậc học mầm non do học sinh tăng nhưng trường lớp không tăng trong khithiếu gia.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó phòng Giáo dục huyện Diễn Châu cho biết: Hiện có nhiều doanh nghiệp cũng muốn đầu tư vào lĩnh vực này nhưng gặp vướng mắc về việc cấp phép phê duyệt xây dựng. Đơn cử như tại xã Diễn Ngọc, một doanh nghiệp đang muốn thành lập trường mầm non tư thục trên đất riêng của gia đình sở hữu.

Tuy nhiên, khi đi làm thủ tục các cơ quan chức năng lại yêu cầu đất xây dựng trường phải được phê duyệt nằm trong quy hoạch giáo dục tổng thể. Vấp phải quy hoạch, nên cơ sở này đang phải chấp nhận quy mô nhóm, lớp độc lập, dù có tới hơn 100 cháu đang theo học. Và để hợp thức hóa, đúng theo quy định mỗi nhóm lớp chỉ dưới 50 cháu, chủ đầu tư đành phải chia cơ sở của mình thành 2 để đăng ký hoạt động, dù trên thực tế cùng 1 chủ đầu tư, cùng một địa điểm.

Là một người mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực thành lập trường mầm non dân lập, ông Đặng Minh Chưởng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi thơ cũng bày tỏ khó khăn về thủ tục cấp phép: “Thời gian qua chúng tôi xúc tiến mở rộng hệ thống trường từ TP Vinh sang một số địa phương khác như thị xã Thái Hòa, huyện Nam Đàn….

Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những ngôi trường hội nhập, góp phần đặt viên gạch đầu tiên cho quá trình giáo dục các em thành công dân toàn cầu. Dù là một doanh nghiệp, nhưng đối tượng hướng tới của chúng tôi là các cháu. Cung cấp dịch vụ giáo dục, nhưng một số cơ quan quản lý lại xem như chúng tôi đi làm kinh doanh bất động sản. Nếu thay đổi lãnh đạo là chúng tôi lại phải đi làm lại quy trình. Có dự án ba năm vẫn đang treo. Nếu cứ kéo dài như vậy không chỉ gây khó khăn cho nhà đầu tư, mà bản thân các cháu và phụ huynh thiệt thòi, chi phí khó giảm được”.

Hiện nay, qua thống kê, tỷ lệ huy động trẻ của cả nhà trẻ, mẫu giáo còn thấp so với mục tiêu đều ra, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong đó, đến năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh mới huy động được 20,9% trẻ nhà trẻ và 89,2% trẻ mẫu giáo ra lớp, thậm chí ở thành phố Vinh và các khu vực lân cận có nơi tỷ lệ chỉ mới đạt 13 - 14% (cả nước là 27,7% (nhà trẻ) và 91% (mẫu giáo).

Cần “mở cửa cơ chế” cho mầm non ngoài công lập

Từ thực tế đó, tại Hội thảo về phát triển mạng lưới giáo dục ngoài công lập, do Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức cuối tháng 9/2017, nhiều ý kiến cho rằng: Khi chủ đầu tư đã mạnh dạn và quyết tâm xây dựng trường, chính quyền các địa phương cũng cần có chính sách ưu tiên trong thuê đất, thuế, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị đồ dùng học tập và hỗ trợ học phí đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo. Tránh gây sự chênh lệch quá lớn giữa cơ chế của địa phương dành cho trường công và trường tư.

Đầu năm 2017, một số trường mầm non dân lập trên địa bàn thành phố Vinh thắc mắc tại sao tiền ăn của trẻ do phụ huynh đóng góp lại được cơ quan thuế tính vào doanh thu của trường để “đánh thuế”.

Cô Ngô Thị Cẩm Tâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non dân lập Hoa Thủy tiên (phường Hà Huy Tập, TP Vinh) chia sẻ: “Trong một đợt về kiểm tra tại trường của cơ quan thuế TP Vinh có yêu cầu trường đưa tiền ăn của trẻ vào doanh thu, sau đó chúng tôi chưa nhận văn bản cụ thể nào về vấn đề này nên hiện vẫn chưa phải nộp. Nhưng quả thật nếu có quy định đó thì gây khó khăn cho nhà trường. Bởi theo nguyên tắc, thu tiền ăn của trẻ bao nhiêu thì phải chi hết bấy nhiêu. Nếu tính thuế, chúng tôi buộc phải bớt khẩu phần ăn của trẻ, như vậy không đảm bảo dinh dưỡng; hoặc tăng học phí lên để dành tiền bù vào thì chắc chắn sẽ gây không đồng tình trong phụ huynh”.

Một trong những lý do khiến cho việc phát triển các trường mầm non ngoài công lập gặp khó là tâm lý dựa vào hệ thống giáo dục công lập của phụ huynh. Ví dụ như tại thị xã Hoàng Mai, trường dân lập được thành lập nhưng học phí cao, bên cạnh đó, về chương trình dạy học nhiều phụ huynh cho rằng ở trường công sẽ bài bản và chuẩn hơn nên trường tư không được quan tâm mặn mà. Còn tại huyện Quỳ Hợp, bà Trần Thị Đào, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Mặc dù mức sống của người dân vùng thị trấn Quỳ Hợp khá cao nhưng nếu phải lựa chọn thì phụ huynh vẫn muốn cho con học công lập. Vì thế, các nhà đầu tư cũng ngại ngần, hiện chỉ mới có 1 Trường Mầm non Mặt trời ở xã Minh Hợp với quy mô khoảng 6 lớp.

Ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Về phía ngành Giáo dục, chúng tôi đã có đề án phát triển mạng lưới giáo dục mầm non ngoài công lập. Trong đó, công tác dự báo về nhu cầu trẻ mầm non là có thể tính toán được và cần phải làm ngay. Cụ thể, đối với vùng thành thị, phát triển hệ thống trường dân lập, riêng TP Vinh rà soát quy mô trường lớp hiện có và dự báo mức tăng dân số cơ học để cung cấp thông tin có tính dự báo cho nhà đầu tư; Đối với các khu công nghiệp phát triển loại hình nhóm, lớp độc lập tư thục quy mô khoảng 50 trẻ/cơ sở; Đối với khu vực nông thôn khuyến khích phát triển loại hình nhóm trẻ nhỏ”.

Cũng theo ông Trần Thế Sơn, khi đề án đưa ra, cần có sự vào cuộc, phối hợp của nhiều ngành chức năng và các địa phương, để không gây cản trở cho những người muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời, tránh để việc thành lập các trường mầm non ngoài công lập giống như việc thành lập các trường THPT dân lập, tư thục trước đây. Sau một thời gian “nóng”, tuyển sinh thuận lợi do nhu cầu cao thì đến nay đã thoái trào, nhiều trường phải giải tán, ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ