Lớp học này miễn phí cho các em thiếu nhi tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), với hy vọng các em nhỏ sẽ thêm hiểu và yêu nét đẹp nghệ thuật truyền thống đã được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ.
Từ tình yêu với sơn mài
Trước giờ “lên lớp”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát say sưa chia sẻ cùng chúng tôi về con đường sáng tạo nghệ thuật của mình: “Từ nhỏ, mình đã được theo ông nội đi vẽ tượng, đắp hoa văn ở các đền, chùa nên niềm đam mê văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức. Đặc biệt là sơn mài, loại chất liệu được coi là thuần Việt nhất. Bản thân mình cũng theo đuổi sáng tác với chất liệu sơn mài suốt hơn 20 năm qua”.
Ghé thăm không gian trưng bày các tác phẩm của Phát, người xem bị thu hút và rung động một cách kỳ lạ bởi mỗi tác phẩm lại mang một cách tạo hình khác nhau và rất giàu âm hưởng điêu khắc dân gian Việt. Vẫn là hình ảnh của cổng làng vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ, vẫn là hình ảnh của những con vật gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn như trâu, bò, lợn, gà…
Thế nhưng, với quan niệm tạo hình hiện đại và sự trung thành với phương pháp cũng như kỹ thuật truyền thống, đã làm cho những tác phẩm của Nguyễn Tấn Phát thực sự trở nên bay bổng, phóng khoáng.
Lớp học sơn mài miễn phí của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tại làng cổ Đường Lâm. |
Với Nguyễn Tấn Phát, gỗ và sơn mài không chỉ là nguyên liệu, phương tiện để tạo ra chất của riêng mình, mà nó còn khiến tác phẩm của anh “nghênh ngáo” bất chấp sự khắc nghiệt của thời gian. Quan trọng hơn cả, nó cho phép tác giả đối thoại với người thưởng lãm một cách vô cùng chân thực, từ cảm giác gai gai trên đầu ngón tay tới từng nhát đục tinh tế trên tác phẩm và cả sự mát rượi, mịn màng của những chi tiết hoa văn.
Nói về nghề, Phát quan niệm: “Người theo đuổi sơn mài không chỉ đòi hỏi cơ bắp mà cần lao tâm khổ tứ và hơn hết là niềm đam mê cháy bỏng - nhiều khi không thấy một chút ánh sáng nào phía cuối đường hầm”. Có lẽ xuất phát từ tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc đó mà từ năm 2010 tới nay, công chúng yêu nghệ thuật luôn thấy các tác phẩm của Nguyễn Tấn Phát đoạt giải cao tại các cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ và Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng trong và ngoài nước. Năm 2017 khi ở tuổi 34, Nguyễn Tấn Phát được công nhận là nghệ nhân như một chứng thực cho tình yêu của anh với nghệ thuật sơn mài.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát giới thiệu về sơn mài với du khách nước ngoài. |
Tới lớp truyền nghề miễn phí
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bộc bạch: “Tôi tin các bạn trẻ và những em học sinh đều chất chứa tình yêu đối với văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Nhưng có thể các em không được tiếp cận nhiều, thành ra đã tạm thời bỏ quên tình yêu đó. Nếu mình là người có thể kết nối cho các em thấy những vẻ đẹp văn hóa thông qua các hoạt động trực quan, thì các em sẽ biết nhiều hơn các giá trị của sản phẩm và tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Việt Nam”.
Khi kỳ nghỉ hè của năm học 2022 – 2023 chuẩn bị bắt đầu, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã bắt tay thực hiện ý tưởng mở lớp truyền nghề mỹ thuật truyền thống miễn phí cho tất cả những ai đam mê hội họa. Nói về nhóm đối tượng mà lớp học đặc biệt này hướng tới, Phát chia sẻ rằng đó có thể là những du khách ghé thăm làng cổ, những cá nhân yêu thích hội họa. Quan trọng nhất vẫn là nhóm các bạn trẻ và các em học sinh, những người sẽ đóng góp một vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển các tinh hoa của nét đẹp văn hóa truyền thống.
Tuy mới đi vào hoạt động, thế nhưng lớp học đặc biệt của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh. Tại lớp học của mình, Nguyễn Tấn Phát nhiệt thành giới thiệu cho các em về sơn mài, về các công đoạn để làm ra một tác phẩm nghệ thuật, giúp các em hình thành được tư duy về màu sắc và đường nét trong điêu khắc, hội họa. Đặc biệt, ngày càng có đông đảo du khách nước ngoài đăng ký tham gia lớp học khi lựa chọn Đường Lâm là một điểm đến trong hành trình khám phá Việt Nam của mình.
Bên cạnh đó, mỗi buổi học đều có hoạt động trải nghiệm làm tranh in khắc gỗ miễn phí. Đây là hoạt động vô cùng bổ ích không chỉ đối với riêng các em thiếu nhi, mà còn là trải nghiệm lý thú với những khách du lịch khi tìm hiểu về văn hóa và con người Việt Nam.
Chị Vũ Hà Phương, phụ huynh có con đang theo học tại lớp học đặc biệt này, chia sẻ: “Ý tưởng và cách tổ chức lớp học này thực sự mới mẻ nhất là trong giai đoạn các em học sinh đang trong kỳ nghỉ hè. Các hoạt động nghệ thuật đã giúp trẻ thể hiện ý tưởng, tư duy và cảm xúc của mình một cách sáng tạo. Đặc biệt khi tham gia vào nghệ thuật giúp trẻ có cơ hội khám phá và phát triển bản thân”.
Lần thứ 2 trở lại Đường Lâm, du khách người Anh Ed Davies bày tỏ: “Làng cổ Đường Lâm được xem là bảo tàng ngoài trời với những kiến trúc, văn hóa truyền thống cổ xưa đặc trưng của các bạn. Và sẽ thật tuyệt vời nếu như ở đây có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế liên quan tới văn hóa như lớp học của Phát, để mọi người có thể hiểu hơn về đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam”.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ: Tôi luôn có một ý niệm rằng, phải giữ văn hóa bản địa để “ra thế giới”. Cụm từ “ra thế giới” không hẳn là đưa tác phẩm chu du năm châu, mà có nghĩa trên “sân nhà”, giữa muôn trùng sản phẩm văn hóa ngoại lai đang hiện hữu, nghệ thuật truyền thống vẫn có chỗ đứng, được hiểu và được yêu. Do đó, tôi vẫn sẽ tiếp tục hành trình gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống bằng nhiều cách trong đó có cả việc duy trì lớp truyền nghề mỹ thuật truyền thống miễn phí cho các em thiếu nhi này.