Tuy nhiên, một số trường đã quyết định đưa môn nghệ thuật vào chương trình để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
Đáp ứng nguyện vọng của học sinh
Trường THPT Chu Văn An là một trong số ít trường công lập tại Hà Nội thực hiện dạy các môn Mỹ thuật, Âm nhạc lớp 10 ngay trong năm học này. Trước đó, nhà trường đã xây dựng nhiều tổ hợp cho học sinh lựa chọn theo các định hướng khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và năng khiếu.
Cô Trần Thị Tuyến - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Chu Văn An - cho biết: Năm nay, nhà trường đã xây dựng nhiều tổ hợp cho học sinh lựa chọn trong đó có 2 lớp định hướng năng khiếu với 41 học sinh đăng ký. Tại các lớp này, học sinh được lựa chọn các môn Âm nhạc, Mỹ thuật bên cạnh Địa lý, Vật lý hoặc Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Hóa học.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm - giáo viên tiếng Anh, chủ nhiệm lớp 10I2, một trong 2 lớp sẽ triển khai học nghệ thuật trong năm học này - bày tỏ: Năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ còn nhiều bỡ ngỡ nhưng rất mừng là học sinh đã được học các môn nghệ thuật. Môn học sẽ giúp các em vui hơn sau mỗi giờ học căng thẳng, cũng là định hướng cho các em lựa chọn nghề nghiệp sau này.
Cũng tại Hà Nội, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều sẽ triển khai các môn Mỹ thuật, Âm nhạc lớp 10 ngay từ năm học đầu tiên. Thầy Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, mục tiêu của nhà trường là cố gắng đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập của học sinh. Bởi vậy, nhà trường xây dựng 6 nhóm môn học lựa chọn, trong đó có cả nhóm nghệ thuật.
Tại Hải Phòng, Trường THPT Ngô Quyền cũng là đơn vị duy nhất của thành phố sẽ triển khai chương trình môn Mỹ thuật, Âm nhạc lớp 10 ngay từ năm học đầu tiên. Cô Cao Tố Nga - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Do truyền thống của nhà trường là cái nôi của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cả nước nên nhiều học sinh có nguyện vọng được học các môn nghệ thuật.
Căn cứ điều kiện cơ sở vật chất, nhà trường đã xây dựng 6 tổ hợp lựa chọn gồm 4 lớp tự nhiên và 2 lớp xã hội, trong đó có 3 lớp được học các môn nghệ thuật. Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, bố trí giáo viên, lựa chọn sách giáo khoa để triển khai dạy chương trình ngay từ năm học đầu tiên trên tinh thần đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập của học sinh.
Cô Trần Thị Kim Vân - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Khuyến (Đà Nẵng) - cho biết: So với các trường THPT khác trên địa bàn, nhà trường thuận lợi hơn đối với việc triển khai chương trình mới lớp 10 đối với các môn tự chọn Âm nhạc và Mỹ thuật vì đã có giáo viên cũng như cơ sở vật chất. Nhà trường đã xây dựng tổ hợp cho học sinh lựa chọn, rất nhiều em đã hào hứng đăng ký học ngay từ năm đầu tiên.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội). |
Sẵn sàng triển khai
Dù đã xây dựng tổ hợp cho học sinh lựa chọn, gồm cả các môn nghệ thuật nhưng Trường THPT Đan Phượng (Hà Nội) lại chưa thể triển khai trong năm học này do quá ít học sinh đăng ký. Cô Hoàng Thị Hồng Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Năm nay, nhà trường đã xây dựng kế hoạch có 2 lớp được học các môn lựa chọn là Âm nhạc và Mỹ thuật.
Cụ thể, sẽ có một lớp được học các môn lựa chọn gồm Vật lý, Hóa học, Địa lý, Âm nhạc; một lớp sẽ được học các môn Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Công nghệ, Âm nhạc. Căn cứ vào năng lực, sở thích, định hướng nghề nghiệp, học sinh được lựa chọn các môn học. Nhà trường cũng đã chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí giáo viên để sẵn sàng triển khai giảng dạy môn nghệ thuật ngay trong năm đầu tiên.
Tuy nhiên, đến thời điểm cuối cùng trước khi xếp lớp, có rất ít học sinh lựa chọn học các môn nghệ thuật nên nhà trường không thể tổ chức dạy trong năm học này và phải lùi sang năm học tới. Trong năm học tới, nhà trường sẽ tuyên truyền đến các em về lợi ích khi học các môn nghệ thuật và hy vọng sẽ có nhiều em lựa chọn các môn học này.
Trong khi đó, dù có thể đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, giáo viên và chắc chắn sẽ có nhiều học sinh lựa chọn học các môn nghệ thuật nhưng hầu hết các trường tốp đầu của Hà Nội như THPT Việt Đức, Trần Phú, Phan Đình Phùng, Kim Liên, Yên Hòa... đều thận trọng triển khai trong năm học đầu tiên.
Theo cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, đối với các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, khó khăn lớn nhất là nhà trường chưa có giáo viên trong biên chế. Bởi vậy trong năm học tới, nhà trường mong thành phố sẽ cho ký hợp đồng với giáo viên dạy môn nghệ thuật. Cùng với đó, nhà trường sẽ tư vấn để các em học sinh lựa chọn môn học phù hợp với khả năng, sở thích của mình, trong đó có các môn nghệ thuật.
Thầy Trần Văn Thành - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nam) - thông tin: Nhà trường hiện có 1 giáo viên dạy môn Mỹ thuật, 2 giáo viên dạy môn Âm nhạc cấp THCS. Cả 3 giáo viên đều có đủ trình độ và điều kiện dạy học môn nghệ thuật cấp THPT. Bên cạnh đó, nhà trường có 1 phòng học mỹ thuật, 2 phòng học âm nhạc được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, nhạc cụ phục vụ việc dạy và học.
Tuy vậy, cái khó ở đây chính là làm thế nào có thể xây dựng được phương án về tổ hợp môn tự chọn cho học sinh. Việc bố trí giáo viên dạy các môn tự chọn sẽ gặp khó khăn hơn khi có tổ hợp nhiều học sinh đăng ký, có tổ hợp ít học sinh đăng ký. Do đó, nhà trường hy vọng sẽ có nhiều học sinh lựa chọn các môn nghệ thuật hơn và sẵn sàng triển khai trong năm học tới.
Các phòng chức năng của nhóm môn nghệ thuật đã được hoàn thiện, đảm bảo yêu cầu, phương án ký hợp đồng với giáo viên cũng đã sẵn sàng. Trong quá trình tư vấn, hướng dẫn học sinh đăng ký chọn môn học, nhà trường không chỉ quan tâm đến nguyện vọng, mà còn lưu ý học sinh về định hướng nghề nghiệp, khuyến khích các em lựa chọn môn học theo sở thích của mình. - Thầy Lê Trung Kiên