Nhiều kết quả đổi mới hệ thống đánh giá người học
Quán triệt tinh thần NQ29, hệ thống đánh giá người học nước ta đã đổi mới căn bản hình thức và phương pháp đánh giá kết quả GD-ĐT, bảo đảm trung thực, khách quan. Vận dụng tiêu chuẩn SABER nói trên, Bộ GD&ĐT đã tổ chức đánh giá chất lượng hệ thống đánh giá người học nước ta sau 5 năm thực hiện NQ29.
Cụ thể, cấp tiểu học, chú trọng đánh giá sự tiến bộ của HS bằng cách động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập và rèn luyện; tạo cơ hội để HS phát huy khả năng của bản thân; kết hợp đánh giá bằng nhận xét và bằng điểm số, kết hợp đánh giá của giáo viên, HS và cha mẹ HS. Cấp THCS, THPT chú trọng đánh giá cách học, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; sử dụng kết quả đánh giá vào quá trình dạy học để động viên, tạo hứng thú học tập cho HS. Triển khai đánh giá các chỉ số trí tuệ trong tuyển sinh trường THPT chuyên, trường chất lượng cao ở những nơi có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng…
Hầu hết các trường ĐH đã xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ và thực hiện chuyển đổi từ quy trình đào tạo theo niên chế sang học chế tín chỉ. Thực hiện đánh giá kết quả học tập theo niên chế kết hợp với học phần; đa dạng các phương pháp đánh giá bảo đảm đánh giá chính xác năng lực người học; hồ sơ quản lý kết quả học tập của người học được lưu giữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu bằng máy tính một cách an toàn và giao quyền truy cập cho người sử dụng. Việc đánh giá thạc sĩ, tiến sĩ được thực hiện theo phương thức kết hợp cả đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết; coi trọng xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng tiểu luận tổng quan, các chuyên đề tiến sĩ và luận văn, luận án.
Đối với các kỳ thi, từ năm 2015 đến nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ, ĐH được đổi mới mạnh mẽ, cơ bản làm giảm áp lực, đỡ tốn kém cho xã hội; khách quan, công bằng và minh bạch hơn cho thí sinh; tránh tình trạng học lệch, học tủ ở nhà trường phổ thông; tạo cơ sở để trường ĐH, CĐ lựa chọn được thí sinh có khả năng phù hợp với ngành, nghề đào tạo, tăng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho thí sinh.
Các kỳ thi HS giỏi quốc gia và Olympic quốc tế nhằm được tiếp tục tổ chức, đánh giá các năng lực đa dạng của học sinh về các môn văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học, kỹ thuật, giải Toán bằng máy tính bỏ túi... Tại sân chơi quốc tế, HS Việt Nam luôn đoạt nhiều huy chương vàng, bạc, đồng.
Chúng ta cũng tiếp tục tổ chức định kỳ đánh giá diện rộng quốc gia về kết quả học tập lớp 5, lớp 9 và lớp 11, tham gia một số chương trình đánh giá quốc tế. Kết quả cho thấy chất lượng giáo dục phổ thông từng bước được cải thiện, nâng cao. HS lứa tuổi 15 nước ta vượt mức trung bình của HS khối OECD (đứng vị trí thứ 8 về khoa học, 22 về toán học và 32 về đọc hiểu so với 72 nước tham gia PISA 2015) và Việt Nam luôn thuộc tốp đầu về thành tích Olympic quốc tế. Kiểm định chất lượng giáo dục cũng đạt nhiều kết quả đáng chú ý.
Những nỗ lực trên đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng đào tạo: Số trường ĐH có tên trong bảng xếp hạng tốp 400 của khu vực châu Á tăng lên; các cơ sở giáo dục ĐH nỗ lực vượt bậc để được xếp hạng quốc tế (ĐHQG Hà Nội xếp hạng 139, ĐHQG TPHCM tăng từ vị trí 147 năm 2016 lên 142, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tăng từ nhóm 301 - 350 năm 2016 lên nhóm 291 - 300, Trường ĐH Cần Thơ thuộc nhóm 301 - 350 và ĐH Huế thuộc nhóm 351 - 400).
Để đổi mới đánh giá đáp ứng được vai trò “đột phá”
Nói về hạn chế, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Phương cho rằng, việc đổi mới đánh giá, thi ở các cấp học và trình độ đào tạo giai đoạn vừa qua vẫn chưa thực sự căn cơ, chưa đáp ứng được vai trò đột phá cho công cuộc đổi mới GD-ĐT. Hoạt động kiểm tra, đánh giá, thi chưa được đổi mới một cách đồng bộ: Cấp tiểu học thực hiện quy chế đánh giá năng lực người học, còn cấp THCS và THPT vẫn thực hiện quy chế đánh giá kết quả học tập; chương trình học tập là các môn học riêng nhưng lại tổ chức các bài thi tổng hợp; giáo dục phổ thông chuyển sang định hướng đánh giá năng lực, trong khi giáo dục ĐH vẫn đánh giá kết quả học tập theo niên chế kết hợp học phần.
SABER gồm 10 chương trình khác nhau là: Đánh giá HS, Phát triển mầm non, Tài chính trường học, Giáo dục công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin, Trách nhiệm và giải trình của trường học, Y tế nhà trường, Chính sách giáo viên, Giáo dục ĐH, Phát triển đội ngũ. Trong đó, SABER - Đánh giá HS tập trung vào chính sách và hệ thống đánh giá kết quả giáo dục ở các nước trên thế giới.
Chất lượng hệ thống đánh giá người học của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn SABER. Cụ thể: Chính sách thi chưa ổn định, đang trong tiến trình hoàn thiện, quan điểm, chỉ đạo thi thực chất chưa được thực hiện tiên quyết ở một số địa phương; nguồn tài chính dành cho đánh giá hạn hẹp và không ổn định; nguồn nhân lực chuyên trách công tác đánh giá, thi ở địa phương vừa thiếu, vừa yếu chuyên môn, còn có những vi phạm quy chế coi thi, chấm thi; hoạt động đánh giá, thi vẫn thiên về kết quả học tập các môn học hơn là sự tiến bộ, sự phát triển năng lực (như giải quyết vấn đề, sáng tạo, ngôn ngữ, tính toán…) của người học; phương pháp và công cụ đánh giá tương đối đơn điệu, chủ yếu vẫn là viết (đề kiểm tra/ thi, vấn đáp (kiểm tra miệng), đề thi giữa các năm không tương đương về độ khó, độ tin cậy và độ giá trị, không giúp dự đoán được khả năng thành công ở giáo dục ĐH; kết quả đánh giá, thi chưa được sử dụng hiệu quả để điều chỉnh hoạt động dạy, hoạt động học và cải tiến chương trình, chính sách giáo dục.
Chất lượng GD-ĐT còn thấp so với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững; nhìn chung lao động qua đào tạo nước ta vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với khu vực và trên thế giới; ngành Giáo dục chưa thực sự góp phần xây dựng và gìn giữ những phẩm chất tốt dẹp của người Việt Nam, vẫn còn có tình trạng đạo đức, lối sống xuống cấp ở một số nơi. Một số trường ĐH, sau thời gian hoạt động vẫn chưa đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng theo đề án thành lập trường; đổi mới việc tổ chức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ tại một số cơ sở giáo dục ĐH còn nhiều trở ngại cho cả người học và người dạy. Chưa thực hiện được đào tạo liên thông.
Đưa ra nhiệm vụ và giải pháp cho những năm tiếp theo, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Phương nhấn mạnh đầu tiên đến việc xây dựng khung đánh giá, chuẩn đánh giá năng lực học sinh dựa theo các mô hình, quy trình tiên tiến của giáo dục thế giới. Nghiên cứu cơ sở khoa học và xây dựng Thông tư đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học, THCS, THPT phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đồng thời, tăng cường nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất phương thức đánh giá, phương án tổ chức thi nhằm đánh giá các năng lực cần thiết của học sinh, sinh viên quy định tại Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 và Chương trình giáo dục. Tăng cường thu thập minh chứng để điều chỉnh, cải thiện chương trình, chính sách giáo dục.
Nghiên cứu, xây dựng quy chế cân bằng kết quả đánh giá năng lực người học giữa các giáo viên, các trường và các địa phương bằng cách thực hiện đánh giá diện rộng cấp quốc gia và cấp địa phương; xây dựng hệ thống giám sát hoạt động đánh giá và thi từ Trung ương đến địa phương.
Xây dựng và ban hành cơ chế, biện pháp đủ mạnh để loại trừ tham nhũng, hối lộ, bao che, dung túng và thiên vị. Tăng cường phân cấp quản lý thi theo hướng gắn tự chủ với tự chịu trách nhiệm của sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ. Nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý và tổ chức đánh giá, thi của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ chuyên trách Trung ương, địa phương và giáo viên.
Cuối cùng, cần phát triển ngân hàng câu hỏi thi đáp ứng tốt mục đích, yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia; hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật; tổ chức chấm thi theo cụm và tăng cường chức năng quản lý Nhà nước, giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ GD&ĐT và trách nhiệm đối với các hội đồng thi.