Đang có những nỗ lực của chính quyền mới để đoàn kết lại nước Mỹ sau những cuộc biểu tình và bạo lực liên quan đến sự thù hận người gốc Á do dịch Covid-19.
Hạ viện Mỹ hôm 18/5 đã thông qua dự luật đối phó với sự gia tăng của tội phạm thù ghét người gốc Á trong dịch Covid-19. Dự luật được thông qua với số phiếu 364/62, áp đảo trong Hạ viện. Tháng Tư vừa qua, Thượng viện cũng đã thông qua dự luật này với số phiếu 94/1.
Dự luật được Thượng nghị sĩ Mazie Hirono và Hạ nghị sĩ Grace Meng giới thiệu hồi tháng Ba. Dự luật sẽ mở đường để Bộ Tư pháp Mỹ xúc tiến việc xem xét các tội phạm do thù hận liên quan đến Covid-19 đã được báo cáo cho các cơ quan thực thi pháp luật, và giúp họ thiết lập các phương thức để báo cáo những vụ việc như vậy bằng hình thức trực tuyến.
Dự luật cũng yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp và Cơ quan Y tế và Dịch vụ Con người ban hành những hướng dẫn khả thi nhất về việc giảm thiểu những ngôn ngữ mang tính kỳ thị khi miêu tả về đại dịch Covid-19.
Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được trình lên Tổng thống Joe Biden ký ban hành. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, ông Biden “rất hài lòng” với những biện pháp đã được thông qua và “trông đợi việc ký kết dự luật quan trọng này tại Nhà Trắng vào cuối tuần này”.
Những người ủng hộ cho rằng, dự luật sẽ đề cập và giúp ngăn chặn hàng loạt vụ tấn công người Mỹ gốc Á suốt cả một năm rưỡi qua từ khi bùng phát dịch Covid-19. Người gốc Á bị chỉ trích và giơ đầu chịu báng vì dịch, họ bị đánh, bị chém, bị nhổ vào mặt, bị phóng hỏa và bị giết.
Theo số liệu của nhóm Ngừng thù ghét với người Mỹ gốc Á và gốc đảo Thái Bình Dương, đã có khoảng 4.000 vụ tấn công người gốc Á được báo cáo ở Mỹ từ khi xảy ra đại dịch. Những vụ tấn công này thậm chí còn ít được báo chí đưa tin trong suốt gần một năm.
Song nhiều người cho rằng, con số nêu trên còn thấp hơn thực tế. Thời gian gần đây đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối các vụ bạo lực nhằm vào người gốc Á, biểu tình diễn ra hầu như hàng tuần, và việc biểu tình cũng như sự thù ghét càng làm nước Mỹ chia rẽ.
Không phải chờ đến đại dịch, mà từ lâu sự đè nén với người gốc Á vẫn tồn tại trong xã hội Mỹ. Đại dịch chỉ là thêm một cái cớ nữa để sự kỳ thị đó được bộc lộ.
Năm ngoái, khi đại dịch bùng lên, chính Tổng thống Donald Trump lúc đó đã có nhiều ngôn từ làm thổi bùng cảm xúc kỳ thị đó, từ việc ông gọi virus SARS-CoV-2 là virus Vũ Hán, virus Trung Quốc, phản đối việc đeo khẩu trang như thói quen của người châu Á.
Có thể những lợi ích chính trị của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc càng khiến ông thổi phồng vấn đề lên để làm gia tăng sự thù ghét và nghi ngờ với Trung Quốc.
Sau bầu cử, Tổng thống Joe Biden đã tìm cách thay đổi sự thù ghét mà người tiền nhiệm khơi gợi. Năm nay, sau khi đắc cử, ông đã ký một mệnh lệnh hành pháp về thúc đẩy sự bình đẳng sắc tộc và một thỏa thuận chống lại sự phân biệt người châu Á.
Điều đó khiến nhiều người lạc quan hơn vào chính sách của ông Biden, họ hy vọng ông sẽ có những bước đi cụ thể để giúp các cộng đồng gốc Á, thậm chí có thể dùng các nguồn lực và chính phủ liên bang để chống lại sự kỳ thị này.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người nghi ngờ rằng một vài văn bản khó có thể giải quyết được vấn đề. Ít nhất, những gì ông Biden và Quốc hội đang làm cũng là nỗ lực để đoàn kết lại nước Mỹ và khôi phục uy tín của Mỹ trên thế giới.