Nỗ lực của cô giáo trẻ ở xã đảo nghèo

GD&TĐ-Cũng vì thương các em học sinh nghèo trên đất đảo, cô giáo Trần Thị Như Thảo–Trường TH&THCS Vạn Thạnh (tỉnh Khánh Hòa) đã 6 năm chịu nhiều khó khăn để “gieo chữ”, từng bước nâng đỡ các em trên con đường học hành...

Cô giáo Trần Thị Như Thảo (thứ 3, từ trái sang, hàng trên cùng) cùng các học trò của mình.
Cô giáo Trần Thị Như Thảo (thứ 3, từ trái sang, hàng trên cùng) cùng các học trò của mình.

Cô giáo gắn bó với xã đảo nghèo

Cô Trần Thị Như Thảo (29 tuổi) – Trường TH & THCS Vạn Thạnh (tỉnh Khánh Hòa) tâm sự, ngay lúc nhỏ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hình ảnh của các thầy cô giáo đã để lại trong cho cô bé Thảo ngày ấy những ấn tượng sâu sắc. Hình ảnh của một người thầy người cô đã tận tụy dạy dỗ, uốn nắn, chỉ bảo chúng em từng con chữ, đem tình thương trao cả cho những đám học trò nhoi nhúc. “Trong lòng chúng tôi, các thầy, các cô như là thần tượng của mỗi học sinh. Cũng từ đó, tôi đã ấp ủ nỗi niềm được giống như thần tượng của mình”, cô Thảo nói.

Để hiện thực hóa ước mơ dạy trẻ, học xong lớp 12, Thảo đã đăng ký thi vào Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Rồi ra trường và về lại xã đảo nghèo của mình để làm việc. Đến nay, gần 6 năm Thảo gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” cách nơi mình sinh ra và lớn lên gần 50km.

Cô Thảo tâm sự, cô phải cố gắng nhiều hơn, phải là tấm gương sáng để các em học tập và noi theo
Cô Thảo tâm sự, cô phải cố gắng nhiều hơn, phải là tấm gương sáng để các em học tập và noi theo

Được phân công về giảng dạy tại ngôi trường thuộc vùng xã đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn của tỉnh Khánh Hòa. Là một giáo viên công tác xa nhà, trong suốt thời gian sinh sống và làm việc nơi đây, có thể nói những kỉ niệm buồn vui là không thể đếm xuể đến với cô Thảo. “Từ người dân địa phương tình làng nghĩa xóm, cho đến học trò, tất cả đều để lại trong tôi nhiều kỉ niệm khó tả mỗi khi nhắc đến”, cô Thảo chia sẻ.

Điều ấn tượng nhất đối với cô Thảo khi giảng dạy tại ngồi trường này là cách đây 6 năm. Vốn dĩ, học sinh thì các em không có gì lạ, nhưng ở đây các em đa phần đều sinh sống chủ yếu bằng nghề biển, các em bươn chải với cuộc sống biển cả, tàu bè, ngày ngày ngoài trời nắng gió, nên đặc biệt tóc của nhiều em bị cháy nắng và ngả sang màu vàng. Nên khi vừa bước vào lớp, điều đó đã khiến cô Thảo  trở nên thương cảm và không khỏi suy nghĩ.

“Nhìn các em học sinh với nước da đen sạm vì bươn chải cuộc sống khiến tôi không cầm lòng được. Những nụ cười chân chất, hồn nhiên của các em như chạm vào trái tim của tôi. Và cũng chính các em đã tiếp thêm động lực cho tôi để tiếp tục đứng lớp, kiên trì dạy học ở nơi khó khăn này”, cô Thảo bộc bạch

Trong khoảng thời gian giảng dạy, tính đến nay vỏn vẹn 6 năm công tác, có thể nói đây không phải thời gian quá dài cho tuổi nghề. Cứ mỗi năm, mỗi lứa học trò đi qua, trong lòng đều lắng đọng lại cho cô Thảo những cảm xúc khác nhau.

Cô Thảo cùng học trò trong buổi lễ tổng kết năm học 2018-2019
Cô Thảo cùng học trò trong buổi lễ tổng kết năm học 2018-2019

Cô Thảo nói: “Nhìn thấy những em học trò được tốt nghiệp, được thi đỗ vào lớp 10 theo nguyện vọng, trên khuôn mặt của các em là sự sung sướng, vui mừng không đếm nổi. Lòng mình một giáo viên chủ nhiệm lại thấy hạnh phúc hân hoan và tự hào vì các em. Chính vì vậy, bản thân tự nhủ, phải cố gắng nhiều hơn, phải là tấm gương sáng để các em học tập và noi theo”.

6 năm công tác xa nhà, chưa bao giờ cô Thảo ngừng rèn luyện bản thân. Bên cạnh đó, cô Thảo còn học hỏi rất nhiều từ đồng nghiệp, tiếp thu những góp ý của anh chị để thay đổi và cố gắng về chuyên môn.   

Mang nhiệt huyết đến tất cả học sinh

Chia sẻ về nghề giáo, cô Thảo cho rằng, đối với một “fan hâm mộ” đã theo đuổi “thần tượng” thì lúc nào cô cũng luôn nghĩ đến và theo dõi thần tượng ở mọi thời điểm. Và nếu gặp được thần tượng của mình một lần thì cảm xúc đó có thể là bật khóc vì hạnh phúc. Chính vì vậy, bản thân cô Thảo đối với nghề là một niềm tự hào.

“Trong công việc, không riêng gì với nghề “gõ đầu trẻ” mà bất kì ngành nghề nào cũng vậy, đều có những khó khăn nhất định, có những sự mệt nhọc riêng. Tất cả những khó khăn, trở ngại đó em “biến” nó thành động lực để mình vượt qua. Bởi vì, chính từ những khó khăn đó sẽ giúp em rèn giũa được bản thân, có thêm những trải nghiệm trong cuộc sống”, cô Thảo nhấn mạnh.

Niềm yêu thương học sinh đã giúp cô Thảo có thêm động lực để giảng dạy ở mảnh đất đầy gian khó này.
Niềm yêu thương học sinh đã giúp cô Thảo có thêm động lực để giảng dạy ở mảnh đất đầy gian khó này.

“Nghề nhà giáo là nghề sáng tạo” cũng là “nghề cao quý trong những nghề cao quý”, cô Thảo hy vọng qua mỗi thế hệ, từ thế hệ này đến thế hệ mai sau, cũng sẽ có những người thầy, người cô mang cả sự nhiệt huyết đến với tất cả học sinh, trao cho các em những ngọn lửa, những niềm tin để vững bước các em vào đời, trở thành những công dân có ích cho đất nước.

Là một trong những giáo viên được vinh danh trong chương trình “Thay lời tri ân”, cô Thảo đã gửi lời cảm ơn đến tất cả các thầy cô đã từng dạy dỗ mình trong suốt khoảng thời gian đèn sách, những thầy cô đã truyền lửa cho để cho cô Thảo đứng vững với nghề.

“Và lúc này, em ngồi đây, được vinh danh trong chương trình này – đều là công ơn của các thầy cô dạy bảo “nhất tự vi sư – bán tự vi sư”,xin gửi lời “tri ân” đến tất cả toàn thể các thầy cô đã miệt mài vì sự nghiệp giáo dục”, cô Thảo nói.

Những thành tích mà cô Trần Thị Như Thảo đạt được gồm:

Năm học 2020 - 2021:

+ Đạt danh hiệu Giáo viên Chủ nhiệm giỏi cấp Huyện.

+ Đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

+ Chủ tịch UNBD tỉnh Khánh Hòa tặng Bằng khen về thành tích Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

- Ngoài ra, năm 2019, được Tỉnh đoàn Khánh Hòa tặng Bằng khen về thành tích Nhà giáo trẻ tiêu biểu tại các đơn vị đặc thù, miền núi, hải đảo tỉnh Khánh Hòa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ