Nỗ lực cải thiện môi trường học tập cho học sinh vùng khó Mường Ảng

GD&TĐ - Do đặc thù huyện vùng cao, việc đầu tư xây dựng, kiên cố hóa trường, lớp tại Mường Ảng (Điện Biên) gặp không ít trở ngại, nhất là các điểm trường khó khăn.

Điểm trường Mánh Đanh được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa. Ảnh: NVCC
Điểm trường Mánh Đanh được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa. Ảnh: NVCC

Bằng việc đẩy mạnh xã hội hóa, địa phương này đã huy động được nhiều nguồn lực cùng chung tay cải thiện môi trường học tập cho học sinh.

Những lớp học khang trang

Nằm nổi bật giữa bản vùng cao Mánh Đanh, xã Ẳng Cang là điểm trường mầm non được xây dựng kiên cố, sạch sẽ. Lớp học mới màu vàng, xanh theo mô hình trường học thân thiện.

Cô giáo Đỗ Thị Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hua Ngống - tâm sự: “Trước đây phòng học ở điểm này đơn giản lắm, chỉ là những miếng gỗ ghép lại. Tháng 5/2021 vừa qua, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các mạnh thường quân, lớp học khang trang này mới được dựng lên trong sự vui mừng, phấn khởi của cả cô và trò”.

Không riêng tại điểm Mánh Đanh, cô Nguyệt cho biết, tháng 10 vừa qua nhà trường tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm 1 điểm trường tại bản Pú Khớ. Điểm này cách trường trung tâm khoảng 20 cây số.

“Từ khi có lớp học mới, học sinh thích đi học hơn, còn phụ huynh thì cũng phấn khởi lây. Trẻ đến trường an toàn, việc dạy và học của cô, trò cũng được đảm bảo. Nhờ đó mà phụ huynh đều hiểu được tầm quan trọng trong việc học của con, em mình”, cô Nguyệt chia sẻ.

Cũng theo cô Nguyệt, sau khi 2 điểm này đưa vào sử đụng, Trường Hua Ngống đã không còn lớp bằng gỗ nữa. Tất cả phòng học đều được xây dựng kiên cố, bán kiên cố. Nhà trường có tiền đề tốt để hướng đến Mô hình Trường học mới.

Tại bản Pá Khôm, xã Nặm Lịch, trước đây cũng có một điểm trường Mầm non - Tiểu học. Song do xây dựng bằng tôn bao xung quanh nên mùa hè nóng bức, còn mùa đông lại không ngăn được gió rét. Cô Trịnh Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nặm Lịch - cho biết, đặc biệt là thời điểm có gió Lào, trẻ đi học dễ bị đổ máu cam, nên phụ huynh thường cho con nghỉ học.

Tháng 5/2021, nhờ kinh phí từ nguồn xã hội hóa, Trường Mầm non Nặm Lịch đã được đầu tư xây dựng điểm trường Pá Khôm mới, với nhiều hạng mục: 2 phòng học, 1 phòng công vụ, nhà vệ sinh, bếp, téc nước, khuôn viên sân trường… Công trình hình thành, đưa vào sử dụng trong năm học 2021 – 2022.

“Bây giờ có lớp mới, trẻ đi học đều và đầy đủ hơn. Vì thế, việc vận động và duy trì sĩ số học sinh đối với các cô giáo cũng đỡ vất vả. Trò có lớp mới, cô an tâm giảng dạy, còn phụ huynh thì phấn khởi khi con đến trường”, cô Hậu nói.

Điểm bản Pú Khớ khi đang được xây dựng. Ảnh: NVCC
Điểm bản Pú Khớ khi đang được xây dựng. Ảnh: NVCC

Kết nối các nguồn lực

Mới chỉ hơn 1 năm trước, ai từng đặt chân đến các điểm trường mầm non ở huyện Mường Ảng, như: Thổ Lộ (xã Ẳng Tơ), Pú Khớ và Mánh Đanh (xã Ẳng Căng), Pá Khôm (xã Nặm Lịch) có lẽ đều phải “cảm thán”. Lớp học đa phần tạm bợ, dựng bằng gỗ, tôn… Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học nhiều khó khăn. Nhưng năm học này, các điểm trường trên đều như được khoác “áo mới”.

Ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng, cho biết, có được kết quả đó là nhờ huyện đã làm tốt công tác xã hội hóa, kết nối các nguồn lực để tập trung cải thiện môi trường giáo dục tại các điểm trường.

Trong năm 2021, bám sát chỉ đạo của UBND huyện, ngành GD-ĐT địa phương đã chủ động, tích cực kêu gọi, kết nối nhiều nguồn kinh phí, tài trợ. Hơn 3 tỷ đồng nhận từ các mạnh thường quân đã được sử dụng hợp lý, thông qua nhiều hoạt động: Hỗ trợ học bổng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và điều kiện đồ dùng học tập, hỗ trợ ăn trưa...

Đơn cử như “Tổ chức Trẻ em Rồng xanh” đã ủng hộ hơn 180 triệu đồng để hỗ trợ cho một số cơ sở giáo dục trên địa bàn mua máy lọc nước; tổ chức vận động học sinh ra lớp, phòng chống mua bán người và lao động trẻ em…

Gia đình ông Phạm Nhật Vũ cùng Giáo hội Phật giáo tỉnh Điện Biên, Quỹ trò nghèo vùng cao tài trợ hơn 2 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa phòng học, nhà vệ sinh tại các điểm trường: Mầm non Thổ Lộ (xã Ẳng Tơ), Pú Khớ và Mánh Đanh (xã Ẳng Căng), Pá Khôm (xã Nặm Lịch); Tiểu học Nặm Lịch; Pú Súa (Tiểu học Ẳng Cang).

Không chỉ đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, thông qua sự kết nối và các nguồn tài trợ, nhiều học sinh đã nhận học bổng, đồ dùng học tập, cặp sách, xe đạp… phục vụ việc học, với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng. Gần 360 triệu đồng hỗ trợ chi phí ăn trưa cho học sinh; phục vụ các trường vùng khó mua bếp gas, bình gas...

 “Việc học tập trong những cơ sở không đảm bảo ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục. Nhưng với nguồn lực của địa phương vùng khó thì không thể đảm bảo được hết. Chính vì vậy, nhờ các nguồn xã hội hóa mà cơ sở vật chất của nhiều nhà trường đã được cải thiện đáng kể. Qua đó giảm bớt nhiều khó khăn cho cô, trò tại các cơ sở trường học và toàn ngành”, ông Quang cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ