Ninh Thuận quy hoạch 6 đô thị ven biển

GD&TĐ - Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển và hình thành 6 đô thị ven biển.

Ninh Thuận quy hoạch 6 đô thị ven biển

Tại kỳ họp thứ 12 của HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo về tờ trình Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch, Ninh Thuận định hướng phát triển và hình thành 6 đô thị ven biển gồm Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải và Cà Ná.

Từ đó, hình thành dải ven biển phát triển theo cấu trúc không gian đan xen hỗn hợp đô thị du lịch về phía Bắc và phía Nam của tỉnh.

Đến năm 2025, Ninh Thuận có 9 đô thị. Đến năm 2030, con số này sẽ lên tới 12 đô thị. Trong đó, một đô thị loại 2 là TP Phan Rang - Tháp Chàm cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh.

Theo tờ trình, tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ phát triển mạng lưới đô thị gắn với phát triển khu kinh tế ven biển, khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và các khu chức năng tạo mạng lưới liên kết chặt chẽ trong tỉnh và liên kết với các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung Bộ.

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận được xây dựng dựa trên tư tưởng phát triển mới, với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo dư địa cho tăng trưởng.

Mục tiêu đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; là tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; hình thành khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh và hệ thống đô thị ven biển…

Ninh Thuận xác định phát triển và hình thành 6 đô thị ven biển gồm Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải và Cà Ná. (Ảnh minh họa)

Ninh Thuận xác định phát triển và hình thành 6 đô thị ven biển gồm Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải và Cà Ná. (Ảnh minh họa)

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10,84%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 270-280 nghìn tỉ đồng. Kinh tế số đến năm 2030 đạt khoảng 30% GRDP.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Ninh Thuận đã xác định hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, trọng tâm phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông.

Tỉnh Ninh Thuận đưa ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển năng động và đa dạng, là một trong những trung tâm của cả nước về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo; là tỉnh có thu nhập trung bình cao của vùng và cả nước.

Tầm nhìn đến năm 2050, trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước; một tỉnh xanh và có môi trường sống tốt, phát triển bền vững.

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: Năng lượng và năng lượng tái tạo; Du lịch đẳng cấp cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng và kinh doanh bất động sản và 2 động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị.

Năm 2020, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận xác định phát triển một số đô thị mới như Vĩnh Hy, Thanh Hải thuộc huyện Ninh Hải; Phước Nam, Cà Ná thuộc huyện Thuận Nam.

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có điều chỉnh hệ thống đô thị để Thủ tướng xem xét, phê duyệt theo quy định.

Theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, các địa phương như TP Phan Rang - Tháp Chàm, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn), thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), xã Phước Đại (Bác Ái) và xã Lợi Hải (Thuận Bắc) đang tiếp tục huy động nguồn lực để phát triển đô thị theo Chương trình được phê duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ