Trong chương trình công tác tại Ninh Thuận, sáng 17/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Thuận về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, quý I/2022 và phương hướng năm 2022; kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ.
Dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương liên quan.
Báo cáo của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tại buổi làm việc cho biết, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, nhất là đại dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, với tinh thần chủ động, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn duy trì ổn định và tăng trưởng khá. Một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực, GRDP tăng 9%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.338 tỷ đồng, đạt 139% so với dự toán Bộ Tài chính giao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,57%. Các hoạt động văn hóa, giáo dục được tập trung chỉ đạo linh hoạt, an toàn, hiệu quả.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, có chuyển biến tốt và đạt kết quả tích cực; công tác tuyên truyền và giáo dục chính trị tư tưởng được chú trọng; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới, sâu sát, quyết liệt, linh hoạt hơn. Hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội đạt kết quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Quý I/2022, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương và của địa phương, thực hiện thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022-2023; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ. Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì ổn định, có bước phục hồi, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 4,18%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3% so cùng kỳ, các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch đang phục hồi rõ nét, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khá, tăng 13,4%; khách du lịch đạt 26,9% so kế hoạch.
Đáng chú ý, sau 3 năm, Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023 đang được thực hiện hiệu quả. Trong đó, rõ nét nhất là thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Đến cuối năm 2021 đã hòa lưới 32 dự án/2.256 MW. Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng được xử lý dứt điểm và triển khai mới như: tuyến đường ven biển, dự án Hồ Tân Mỹ, thủy điện tích năng Bác Ái, cảng tổng hợp Cà Ná... Chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 115 được thực hiện, trong đó các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho người dân tại khu vực quy hoạch nhà máy Điện hạt nhân.
Từ kết quả thực hiện, các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 115 đã biến những khó khăn, thách thức của tỉnh thành tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, chiến lược; tạo sức lan tỏa trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, đột phá như: Cảng biển, du lịch, công nghiệp, hạ tầng đô thị, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế góp phần quan trọng thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.
Tại cuộc làm việc, tỉnh Ninh Thuận đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm xem xét, có cơ chế chính sách giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận, tạo tiền đề, động lực đẩy nhanh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19; đồng thời, góp phần tiếp tục phát huy hiệu quả Nghị quyết 115 của Chính phủ.
Trong đó có các đề xuất, kiến nghị liên quan phát triển năng lượng tái tạo; đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp Cà Ná; cơ chế trong đầu tư công, đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2; bổ sung một số quy hoạch của tỉnh vào quy hoạch quốc gia như: đưa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận vào Quy hoạch Khu kinh tế ven biển của cả nước, Quy hoạch Sân bay quân sự Thành Sơn thành sân bay lưỡng dụng...
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, thời gian qua, Ninh Thuận là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng Nam Trung Bộ. Để Ninh Thuận phát triển nhanh và bền vững, đề nghị tỉnh thúc đẩy công tác lập quy hoạch tỉnh với các trọng điểm kinh tế ven biển, năng lượng tái tạo, du lịch, kết cấu hạ tầng chiến lược; đẩy mạnh cải cách hành chính... Các bộ, ngành cũng cơ bản nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh; sẵn sàng phối hợp với Ninh Thuận để xử lý, giải quyết hiệu quả khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý, chỉ đạo, quyết định.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Ninh Thuận có vị trí quan trọng nằm ven biển duyên hải Nam Trung bộ, cửa ngõ vùng Đông Nam bộ; là địa phương có diện tích rộng, dân số thưa; vùng đất cách mạng, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, bản sắc; giàu tiềm năng, thế mạnh và nhiều “dư địa” phát triển, nhất là về phát triển du lịch; phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, với các sản phẩm như muối, tôm, nho, táo...; phát triển năng lượng tái tạo gồm cả điện gió và điện mặt trời do có tốc độ gió và số ngày nắng trong năm cao nhất cả nước; phát triển công nghiệp phụ trợ...
Trải qua 30 xây dựng và phát triển, Ninh Thuận đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là những thành tựu có được trong khó khăn, thách thức của năm 2021 và quý 1/2022. Tiềm lực kinh tế của tỉnh có chuyển biến tích cực, góp phần ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Cùng với đánh giá cao, biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Thuận đạt được, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, Ninh Thuận là nơi hội tụ nhiều giá trị khác biệt, nhưng chưa phát huy hết do chưa hoàn thiện được hạ tầng chiến lược; còn thiếu một số cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững; cách thức và biện pháp, phương thức huy động nguồn lực ngoài khu vực Nhà nước đã làm nhưng chưa mạnh mẽ, chưa nhiều; các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã quan tâm, hỗ trợ Ninh Thuận song chưa đầy đủ, chưa toàn diện; sự cố gắng của Ninh Thuận chưa toàn diện, tổng thể.
Trên cơ sở phân tích, nhận định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu một số định hướng, tầm nhìn, phương hướng, nhiệm vụ phát triển Ninh Thuận trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh cần bám sát thực tiễn, kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó; phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường để đi lên; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp; xây dựng hệ thống chính trị đoàn kết, thống nhất cao; bộ máy hành chính liêm chính, dân chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm; tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển của tỉnh với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, khó khăn thành động lực.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập sâu rộng; tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trước mắt là phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Về các định hướng, nhiệm vụ phát triển cụ thể, Thủ tướng gợi mở tỉnh cần tập trung phát triển các lĩnh vực trọng điểm: năng lượng tái tạo, du lịch cao cấp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, kinh tế đô thị; phát triển kinh tế biển toàn diện hơn, xử lý dứt điểm việc vi phạm thẻ vàng IUU; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ninh Thuận tiếp tục đổi mới với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để tạo ra động lực mới, không gian mới để phát triển nhanh và bền vững; phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ con người, truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần đoàn kết của Ninh Thuận; nhận thức rõ hơn về tiềm năng, cơ hội phát triển trong sự phát triển chung của khu vực, cả nước để đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp.
“Ninh Thuận không trông chờ, ỉ lại mà phải biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể; tạo ra những cơ hội mới từ trí tuệ, khoa học, đổi mới, sáng tạo để thu hút các nhà đầu tư”, Thủ tướng chỉ rõ.
Tỉnh cần huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, nhất là đất đai, con người, truyền thống văn hóa lịch sử; đẩy mạnh hợp tác công tư, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và giải ngân vốn đầu tư công, dứt khoát không đầu tư dàn trải, nhỏ lẻ; lấy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét về hạ tầng kinh tế-xã hội.
Ninh Thuận phải tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trong đó chú trọng hạ tầng giao thông, thủy lợi, cảng biển, công nghệ thông tin; tăng cường tính liên kết nội tỉnh và liên kết vùng; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phù hợp với điều kiện, yêu cầu phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số.
“Phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, đảm bảo an ninh-quốc phòng; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; công tác dân vận, tôn giáo, dân tộc; tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội.
“Ninh Thuận đã đoàn kết rồi, đoàn kết hơn nữa; đã đổi mới, sáng tạo rồi, đổi mới, sáng tạo hơn nữa; đã có thành công rồi, có nhiều thành tích hơn nữa; biến cơ hội thành động lực và nguồn lực mới để phát triển, để đời sống của nhân dân ấm no, hạnh phúc hơn, năm sau cao hơn năm trước”, Thủ tướng mong muốn.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý về mặt nguyên tắc; đề nghị tỉnh Ninh Thuận phối hợp với các bộ, ngành bàn bạc giải quyết theo thầm quyền; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, đề xuất, trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền giải quyết. Trong đó, Thủ tướng lưu ý các cơ chế, chính sách, các dự án phải đảm bảo đúng pháp luật, hài hòa lợi ích, tất cả vì người dân, vì lợi ích chung, vì quốc gia, dân tộc.