Ninh Thuận cách ly, điều trị người mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ tại nhà

GD&TĐ - Để giảm tải cho các cơ sở điều trị người mắc Covid-19, tỉnh Ninh Thuận tập trung các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho việc cách ly, điều trị F0 có triệu chứng nhẹ tự chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tính từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến sáng 18/11, Ninh Thuận có 3.178 ca mắc Covid-19, trong đó 2.240 người đã khỏi bệnh, 42 trường hợp tử vong. Hiện còn 896 ca đang được điều trị.

Về tình hình dịch Covid-19, tỉnh Ninh Thuận đang ở cấp độ 2.

Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đang nhân rộng mô hình quản lý cách ly, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ tại nhà, tính đến ngày 17/11, toàn tỉnh có 542 ca mắc Covid-19 đang được điều trị tại nhà. 

Trong giai đoạn 1, tỉnh Ninh Thuận thí điểm cách ly, điều trị tại nhà trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Phước đối với bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng ở mức độ nhẹ. Đồng thời, người bệnh đáp ứng thêm các tiêu chí như đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 qua 14 ngày hoặc trẻ em trên 1 tuổi, người lớn dưới 50 tuổi, không có bệnh nền và không đang mang thai.

Bệnh nhân và gia đình phải cam kết thực hiện nghiêm các quy định trong thời gian cách ly y tế điều trị tại nhà. Ngoài ra, cơ sở vật chất gia đình cũng phải đảm bảo các tiêu chí như nhà ở riêng lẻ, có phòng cách ly, điều trị riêng, trước cửa nhà F0 phải có dán biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “Địa điểm điều trị người bệnh Covid-19”.

Đồng thời, người bệnh đảm bảo điều kiện về khả năng tự chăm sóc bản thân hoặc phải có người thân chăm sóc.

Để điều trị F0 tại nhà, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương phân công nhân viên của Tổ chăm sóc y tế, Trạm Y tế lưu động hướng dẫn bệnh nhân cách theo dõi sức khỏe hàng ngày như đo thân nhiệt, đo chỉ số SP02, cách sử dụng gói thuốc điều trị Covid-19 tại nhà, cách xử lý rác thải, các quy định mà người cách ly phải thực hiện, tổ chức thăm, khám, sàng lọc cho người bệnh ít nhất 2 lần/ngày.

Ngành y tế và chính quyền địa phương giám sát và theo dõi sức khỏe các F0 tại nhà, khi có triệu chứng nặng phải chuyển lên tuyến trên cách ly, điều trị theo quy định.

Trong trường hợp người mắc Covid-19 điều trị tại nhà không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch sẽ được lực lượng chức năng cưỡng chế, đưa đi cách ly tập trung; nếu để lây lan dịch bệnh do vi phạm, sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Bà Rịa-Vũng Tàu tăng thêm 1.000 giường bệnh, dự kiến điều trị các ca F0 tại nhà

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chiều 17/11, Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh An thông tin, trong hơn 2 tuần qua, tính từ ngày 3/11 đến nay, số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh tăng nhanh.

Cụ thể, từ ngày 3- 16/11, toàn tỉnh tỉnh ghi nhận 2.264 ca mắc mới, tăng 1.808 so với 2 tuần trước đó (20/10 đến 2/11). Trong đó, đỉnh điểm là từ 12h ngày 16/11 đến 12h ngày 17/11, toàn tỉnh ghi nhận tới 428 ca mắc mới, trong đó có 347 ca cộng đồng. 

Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có đông lao động và tạo ra các chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng. Vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên trên diện rộng ở mức rất đáng báo động nhưng nằm trong dự tính của tỉnh. Các ca F0 chủ yếu ở thể nhẹ hoặc không triệu chứng.

Theo ông Phạm Minh An, sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 thời gian gần đây đã làm cho nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành y tế và các địa phương chịu nhiều áp lực. Tỉnh có khoảng 4.000 giường bệnh điều trị cho bệnh nhân Covid, nhưng đã sử dụng khoảng 1.900 giường.

Tại cuộc họp, đại diện các địa phương bày tỏ lo ngại khi phần lớn các ca nhiễm gần đây xuất phát từ các công ty, xí nghiệp tại các khu công nghiệp nên dễ lây lan. Nguyên nhân phần lớn là do các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho rằng, trung bình mỗi ngày có khoảng 20.000 người bên ngoài vào tỉnh (chủ yếu là người lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN), nhưng việc thực hiện khai báo y tế chưa triệt để.

Qua test sàng lọc, mỗi ngày tỉnh phát hiện từ 15 đến 20 ca F0. Điều đó cho thấy nguồn lây nhiễm bệnh từ cộng đồng còn nhiều, chưa kiểm soát hết.

Bên cạnh đó, mặc dù các cấp chính quyền đã nỗ lực phòng, chống dịch nhưng vẫn còn bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm 5K. Vì thế, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch.

Các doanh nghiệp vừa phải có trách nhiệm phòng, chống dịch vừa sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, bám sát thực tế dịch bệnh, an toàn tới đâu, mở cửa tới đó, tránh tình trạng vừa mở cửa đã phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Để tăng cường nguồn lực phòng chống dịch, ông Phạm Viết Thanh yêu cầu UBND tỉnh rà soát cơ sở vật chất, tăng thêm 1.000 giường bệnh để đưa vào sử dụng từ ngày 21/11, khi đó toàn tỉnh sẽ có 5.000 gường bệnh, đáp ứng việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn. 

Tại cuộc họp, nêu ý kiến về việc tổ chức cho cách ly, điều trị F0 tại nhà, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng đây là giải pháp phù hợp, cần thực hiện sớm. Nếu chậm trễ, các cơ sở điều trị sẽ quá tải.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh đã đồng ý phương án từ ngày 25/11, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tổ chức quản lý, điều trị trường hợp F0 tại nhà nhằm giảm tải cho các cơ sở điều trị. Để làm tốt công tác này, các địa phương cần chuẩn bị chu đáo về nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc men và tuyên truyền, hướng dẫn thật tốt về cách thức điều trị để người dân yên tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.