Ninh Bình: Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tư thục

GD&TĐ - Để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục, UBND thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) đã yêu cầu các ban ngành chức năng triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chuyển biến tích cực

UBND thành phố Tam Điệp đã lập Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục trên địa bàn thành phố.

Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở trên địa bàn thành phố có cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp; chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; làm tốt công tác tuyên truyền, huy động trẻ ra lớp trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19;

Hồ sơ quản lý nhóm, lớp cơ bản đầy đủ, theo quy định; thực hiện nghiêm túc Chương trình Giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành; đã quan tâm đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm.

Đa số các cơ sở thực hiện hợp đồng thực phẩm với những đơn vị cung ứng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng; các bếp ăn được bố trí theo nguyên tắc một chiều.

Tuy nhiên, tại các sơ sở vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Do phải nghỉ phòng dịch kéo dài một số cơ sở còn gặp khó khăn về tài chính nên chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư cơ sở vật chất, thiếu các trang thiết bị phục vụ chăm sóc, giáo dục;

Một số giáo viên, nhân viên tại một số cơ sở chưa thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cá biệt có cơ sở còn có giáo viên, nhân viên chưa được ký hợp đồng lao động;

Chất lượng hồ sơ quản lý bán trú của một số cơ sở chưa đảm bảo; một số giáo viên trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn; việc thực hiện chương trình ở một số nhóm trẻ chưa bám sát vào điều kiện thực tế của cơ sở.

Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non
Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non

Nâng "chất" cho mầm non tư thục

Nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục trên địa bàn, UBND thành phố Tam Điệp đã yêu cầu:

Phòng GD&ĐT tăng cường quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục thực hiện nghiêm túc Chương trình Giáo dục mầm non, quy chế chuyên môn, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ trong thời gian trẻ ở nhóm, lớp.

Chỉ đạo các cơ sở mua sắm bổ sung đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị phục vụ cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định.

Tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho quản lý, giáo viên và nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục.

Chỉ đạo các Trường Mầm non trên địa bàn có cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục: Thường xuyên hỗ trợ, cung cấp các tài liệu chuyên môn và hướng dẫn, tư vấn, tập huấn các hoạt động chuyên môn cho chủ nhóm, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục trên địa bàn; hướng dẫn hệ thống hồ sơ quản lý cần thiết cho chủ nhóm…

Tham mưu cho UBND phường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục theo Thông tư số 49 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục.

Với các phòng, cơ quan chuyên môn: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Phòng GD&ĐT, UBND các phường, xã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục trên địa bàn thành phố kịp thời khắc phục, bổ sung hoàn chỉnh những hạn chế qua kiểm tra đảm bảo theo đúng quy định của chuyên môn và pháp luật.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục phải thực hiện nghiêm túc Chương trình Giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành, quy định của ngành, của địa phương.

Hoàn thiện hồ sơ quản lý cơ sở, hồ sơ quản lý chuyên môn, hồ sơ bán trú theo đúng quy định; xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp điều kiện thực tế của từng nhóm trẻ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường không để tình trạng ngộ độc và mất an toàn xảy ra.

Thực hiện nghiêm túc việc ký hợp đồng đối với người lao động, chế độ chính sách cho giáo viên, nhân viên theo quy định; tạo điều kiện cho giáo viên, nhân viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tuyển giáo viên đảm bảo trình độ chuẩn theo quy định tại Luật giáo dục năm 2019.

Thực hiện hiệu quả công tác y tế trong các cơ sở, tăng cường biện pháp đảm bảo phòng chống dịch bệnh trong cơ sở, đặc biệt là dịch Covid-19. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ; bổ sung trang thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, quảng cáo đảm bảo hiệu quả và đúng theo hướng dẫn của chuyên môn và Luật Quảng cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ