Ninh Bình kiểm tra đột xuất công tác chuyên môn đầu năm học

GD&TĐ - Mới đây Đoàn kiểm tra chuyên môn của Sở GD&ĐT Ninh Bình đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số trường THCS. Kết quả cho thấy hoạt động giáo dục đầu năm học còn nhiều tồn tại.

Bênh cạnh ưu điểm vẫn còn một số tồn tại trong hoạt động dạy học đầu năm học. (Ảnh minh họa)
Bênh cạnh ưu điểm vẫn còn một số tồn tại trong hoạt động dạy học đầu năm học. (Ảnh minh họa)

Lúng túng triển khai

Theo thông báo kết luận kiểm tra do ông Phan Thành Công - Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình ký: Bên cạnh một số ưu điểm, còn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục.

Cụ thể trong việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch giáo dục (KHGD) nhà trường: Một số trường chưa xây dựng KHGD cho hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp các khối 7, 8, 9; hoạt động giáo dục hướng nghiệp khối 9. Đối với môn Khoa học tự nhiên lớp 6 còn phân công 3 giáo viên dạy song song 3 phân môn. Điều này gây khó khăn cho học sinh trong việc tiếp nhận kiến thức.

Có trường phân công 1 giáo viên dạy cả 3 phân môn trong khi giáo viên không được đào tạo cả 3 phân môn, dẫn đến chưa đảm bảo nội dung, phương pháp, kết quả giảng dạy.

Các điều kiện để thực hiện KHGD như cơ cấu giáo viên bộ môn chưa đủ, các trường đều thiếu giáo viên ở một số bộ môn. Đây là một trong các lí do dẫn đến việc phân công chuyên môn chưa hợp lí, tình trạng dạy chéo môn khá phổ biến một môn học có từ 2-6 giáo viên dạy chéo, đặc biệt ở môn Thể dục.

Cá biệt có trường giáo viên phải dạy 6 môn (Toán 7, Vật lí 7, Thể dục 7, Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp 7, KHTN 6 (Vật lí, Hoá học, Sinh học), có trường giáo viên phải dạy 16 giáo án/tuần. Các phương tiện dạy học để ứng dụng CNTT còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của giáo viên và học sinh…

Cũng theo đánh giá của Đoàn kiểm tra trong việc thực hiện quy chế chuyên môn; đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh đa số giáo viên lớp 6 còn bị động về kiến thức, chuẩn bị kế hoạch bài dạy chưa chu đáo.

Có tình trạng khi lên lớp GV phụ thuộc vào sách giáo khoa; không hiểu hết các nội dung cốt lõi, mạch kiến thức của sách giáo khoa; ít tổng kết, xâu chuỗi kiến thức, hạn chế 3 mở rộng, liên hệ thực tế; thậm chí bị động về cả tên bài và các đề mục, có giáo viên còn dạy sai kiến thức cơ bản.

Giáo viên chưa vận dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; lúng túng trong tổ chức hoạt động học; thiên về truyền thụ kiến thức, giảng giải, vấn đáp một chiều.

Học sinh đa số học tập qua nhìn chép, nghe chép, trả lời nội dung trong sách giáo khoa; ít có cơ hội được trao đổi, thảo luận và trình bày quan điểm, ý kiến cá nhân. Việc ứng dụng CNTT, sử dụng phòng học bộ môn, bài giảng điện tử, thiết bị, đồ dùng dạy học chưa thường xuyên.

Ứng dụng thiết bị dạy học giúp quá trình học tập thêm hiệu quả (Ảnh minh họa)
Ứng dụng thiết bị dạy học giúp quá  trình học tập thêm hiệu quả
(Ảnh minh họa)

Đa số giáo viên lên lớp không có đồ dùng, phương tiện dạy học hỗ trợ (đặc biệt là các môn học cần giáo cụ trực quan như Hình học, Địa lí, Sinh học). Hoạt động kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong các bài học không được chú trọng, chưa đổi mới; đa số giáo viên chưa ghi nhận, đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, chủ yếu đánh giá bằng điểm số;

Các hình thức kiểm tra, đánh giá chưa phong phú, chủ yếu là hình thức kiểm tra miệng và kiểm tra viết. thậm chí có giáo viên dành 15 phút kiểm tra bài cũ 1 học sinh, nội dung kiểm tra không liên quan đến đến bài học của tiết học trước.

Khắc phục tồn tại hạn chế

Dựa trên thực tế kiểm tra đột xuất một số cơ sở giáo dục, Đoàn kiểm tra Sở GD&ĐT Ninh Bình đã yêu cầu các phòng GD&ĐT thực hiện hàng loạt nội dung khắc phục tồn tại trong thời gian tới.

Trước hết, tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn cụ thể việc điều chỉnh KHGD của các nhà trường đảm bảo cân đối, linh hoạt thời gian ôn tập nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Nội dung tiết ôn tập cần phải được xác định cụ thể không để chung chung.

Cùng đó, rà soát việc phân công chuyên môn của từng trường THCS; ưu tiên giáo viên cốt cán đúng chuyên môn giảng dạy lớp 6, hạn chế tối đa tình trạng dạy chéo môn. Tiếp tục tham mưu với UBND huyện/thành phố về việc tuyển dụng, điều động, cân đối đội ngũ giáo viên nhằm khắc phục tình trạng dạy chéo môn.

Các phòng GD&ĐT cần tăng cường tổ chức chuyên đề nghiên cứu bài học ở tất cả các môn học lớp 6 cấp trường, cụm trường và cấp phòng; đảm bảo từng giáo viên dạy lớp 6 đều được dự giờ, rút kinh nghiệm nhằm đổi mới thành công phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; hạn chế phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao chất lượng dạy học học cho đội ngũ giáo viên (Ảnh minh họa)
Tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao chất lượng dạy học học cho đội ngũ giáo viên (Ảnh minh họa)

Tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là giáo viên đang giảng dạy lớp 6 về chương trình, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh.

Đồng thời chỉ đạo các trường THCS phải tăng cường vai trò quản lí của Hiệu trưởng trong xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện KHGD của nhà trường. Tránh tình trạng Hiệu trưởng không nắm chắc các vấn đề về đổi mới và thực hiện CT GDPT 2018.

Mặt khác tiếp tục tham mưu với chính quyền địa phương về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Phòng GD&ĐT các huyện/thành phố chỉ đạo sát sao các đơn vị nhà trường; nhắc nhở, rút kinh nghiệm kịp thời tới cán bộ, giáo viên để thực hiện tốt hoạt động chuyên môn trong năm học 2021-2022.

Đặc biệt cần khẩn trương khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018...

Đoàn kiểm tra đã kiểm tra đột xuất tại 4 trường: THCS Tân Bình, THCS Đông Sơn (Thành phố Tam Điệp); THCS Ninh Phúc, THCS Quang Trung (Thành phố Ninh Bình). Nội dung kiểm tra: Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường; Thực hiện quy chế chuyên môn; đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh. Sau khi kiểm tra và đưa  ra kiến nghị, Đoàn sẽ tổ chức kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị tại các nhà trường trong thời gian sớm nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.