Hội thi yêu cầu dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi. Đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất, đúng quy định của chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành.
Đối tượng dự thi là giáo viên dạy nhiều môn đang giảng dạy các khối lớp 1, 2, 4, 5 tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Ninh Bình. Đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên năm học 2021–2022, trong đó các tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 (Tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ) được quy định tại Thông tư số 20 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đạt mức tốt. Có ít nhất 1 năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường trong 3 năm học...
Số lượng giáo viên dự thi: Trường tiểu học có trên 30 lớp: Cử 2 đến 4 giáo viên dạy các khối lớp khác nhau. Trường tiểu học có từ 20 đến 30 lớp cử 2 đến 3 giáo viên dạy các khối lớp khác nhau.
Nội dung thi gồm: Thực hành tiết dạy, giáo viên dự thi thực hành dạy 1 tiết dạy theo kế hoạch giảng dạy môn Tiếng Việt hoặc môn Toán thuộc các lớp 1, 2, 4, 5 tại thời điểm diễn ra Hội thi. Tiết dạy tham gia Hội thi được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp đó.
Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) tiết dạy tham gia Hội thi. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy 2 ngày trước ngày dạy. Kế hoạch bài dạy được soạn thảo đúng mẫu quy định tại phụ lục 4, Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH.
Giáo viên dự thi trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục của cá nhân tại trường nơi giáo viên đang làm việc. Biện pháp được lãnh đạo nhà trường xác nhận áp dụng hiệu quả, lần đầu được dùng để đăng ký tham dự Hội thi và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó.
Thời lượng trình bày biện pháp không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian Ban Giám khảo trao đổi (Giáo viên trình bày trong 15 phút, Ban Giám khảo trao đổi với giáo viên trong 15 phút).
Mỗi tiết dạy được được ít nhất 3 giám khảo cho điểm, đánh giá. Giám khảo cùng đơn vị với giáo viên dự thi sẽ không được cho điểm, đánh giá tiết dạy của giáo viên đó.
Sau khi giáo viên hoàn thành phần thực hành tiết dạy, giám khảo nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm về những ưu, nhược điểm của tiết dạy với giáo viên dự thi. Tiết dạy được đánh giá theo thang 20 điểm và được xếp loại giỏi, khá, trung bình, chưa đạt yêu cầu. Trong đó, xếp loại giỏi từ 18 điểm trở lên; loại khá từ 15 đến dưới 18 điểm; loại trung bình từ 12 đến dưới 15 điểm; chưa đạt yêu cầu nếu dưới 10 điểm.
Giáo viên đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố” phải đảm bảo: Phần thực hành tiết dạy được ít nhất 2/3 số giám khảo (trực tiếp tham gia đánh giá) đánh giá loại giỏi và không có giám khảo nào đánh giá loại trung bình trở xuống; phần trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy được ít nhất 2/3 số giám khảo (trực tiếp tham gia đánh giá) đánh giá mức đạt…
Hội thi nhằm mục đích phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục học sinh, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của thành phố Ninh Bình.
Tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp.
Góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện, tự học, sáng tạo, học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm trong công tác giảng dạy.