Theo hướng dẫn này, Sở yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nơi đặt các điểm thi liên hệ với chính quyền, công an địa phương để đảm bảo an ninh, trật tự của khu vực thi, không để hiện tượng người dân, học sinh tụ tập quanh điểm thi khi các buổi thi đang diễn ra. Đặc biệt thời điểm ngay trước và sau mỗi buổi thi.
Để chuẩn bị thi THPT quốc gia, Sở GD&ĐT Ninh Bình có nhiệm vụ chỉ đạo và kiểm tra việc hoàn thành kế hoạch dạy học, đánh giá xếp loại học sinh ở các trường phổ thông. Chỉ đạo các trường phổ thông tổ chức ôn tập cho học sinh, rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh. Tạo điều kiện tốt nhất để học sinh thi đạt kết quả cao nhất.
Chú ý kiểm tra kỹ điều kiện dự thi của thí sinh. Nghiêm cấm việc dễ dãi, buông lỏng công tác kiểm tra để học sinh không đủ điều kiện dự thi được dự thi…
Đồng thời, phối hợp cùng với các ngành, các cấp trong việc tuyên truyền, chuẩn bị mọi mặt, đặc biệt là các điều kiện an toàn để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia.
Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công việc của kỳ thi; chủ trì, phối hợp với Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp tại cụm thi Sở GD&ĐT Ninh Bình đảm bảo đúng quy chế thi và lịch trình của Bộ GD&ĐT;
Phối hợp với Trường ĐH Hồng Đức trong việc chỉ đạo, tổ chức kỳ thi tại Hội đồng thi do Trường ĐH Hồng Đức chủ trì;
Thành lập Hội đồng thi và các ban để thực hiện các công việc của kỳ thi; tổ chức việc giao đề thi đến các điểm thi đảm bảo an toàn, đúng lịch; tổ chức thu nhận và chuyển danh sách thí sinh đề nghị phúc khảo đến cụm thi số 24 Trường ĐH Hồng Đức; nhận Giấy chứng nhận kết quả thi từ trường này và tổ chức bàn giao cho các trường phổ thông;
Xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp THPT cho thí sinh đăng ký tại tỉnh; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện kỳ thi…
Các trường phổ thông được yêu cầu hoàn thành kế hoạch năm học, tổ chức ôn tập cho học sinh, rèn luyện kỹ năng làm bài thi, chú ý quy trình làm bài thi trắc nghiệm, tổ chức kiểm tra trình độ kiến thức văn hóa, xếp loại học lực cho những người tự học đúng quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Ninh Bình.
Trường phổ thông nơi đặt điểm thi chủ trì báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, thành phố, thị xã về phương án tổ chức kỳ thi; phối hợp với các cơ quan chức năng; các ban, ngành, đoàn thể đóng trên địa bàn để thống nhất kế hoạch tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế thi;
Tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, giáo viên và học sinh có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về kỳ thi THPT quốc gia, thực hiện nghiêm túc Quy chế thi;
Thủ trưởng đơn vị có người học đăng ký dự thi phải chịu trách nhiệm về việc công nhận cho các thí sinh đủ điều kiện dự thi, không đủ điều kiện dự thi, quản lý hồ sơ của thí sinh.
Các trường tại Ninh Bình cũng được yêu cầu tổ chức họp cha mẹ học sinh lớp 12 để quán triệt các yêu cầu tổ chức thi, thống nhất việc quản lý, đưa đón học sinh đi thi và trở về đảm bảo an toàn, đúng thời gian quy định.
Tăng cường quản lý và động viên học sinh quan tâm đến sức khỏe, tích cực ôn tập, không chủ quan trong việc ôn tập cũng như làm bài thi; tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin để học sinh thi đạt kết quả tốt nhất…
Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, các điều kiện, trang thiết bị phục vụ cho kỳ thi. Đặc biệt chú ý các điều kiện làm việc, điều kiện an toàn của kỳ thi kể cả đối với điểm thi dự phòng.
Đối với đơn vị là nơi đặt điểm thi, nhà trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, bao gồm: Cơ sở vật chất; điều kiện an toàn; văn phòng phẩm (nhật ký coi thi, biểu mẫu, các loại túi đựng bài thi, hồ sơ thi, ... theo quy định); các trang thiết bị cần thiết khác và liên hệ với các trường có học sinh đăng ký dự thi để chọn nơi đặt điểm thi dự phòng đúng quy định.