Sắp ban hành tiêu chí chọn SGK
Thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về Hướng dẫn việc chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Ninh Bình đã xây dựng dự thảo Quyết định quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong CTGDPT 2018 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định.
Theo đó, SGK được chọn sẽ có 2 tiêu chí chính:
Trước hết đó là sự phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể: Ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp, gần gũi với văn hóa, lịch sử, địa lý của tỉnh; Cấu trúc, nội dung SGK có tính mở tạo cơ hội để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên (GV) bổ sung, điều chỉnh những nội dung và hoạt động giáo dục thích hợp, sát với thực tế của địa phương.
Các chủ đề/bài học trong SGK khi triển khai phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học hiện tại của cơ sở giáo dục; SGK có giá hợp lí, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương.
Tiêu chí thứ 2 là: SGK phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học tại cơ sở giáo dục. Cụ thể phải phù hợp với điều kiện tổ chức học tập của HS; Các chủ đề/bài học trong SGK với các hoạt động học tập được chỉ dẫn rõ ràng giúp HS xác định được mục tiêu học tập, đáp ứng các yêu cầu cần đạt.
Mặt khác, sự phù hợp còn thể hiện ở nội dung các bài học/chủ đề trong SGK đảm bảo tính khoa học, gần gũi với HS, có những hoạt động học tập thiết thực, giúp HS rèn luyện khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức, bồi dưỡng năng lực phẩm chất, vận dụng kiến thức thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi bài học.
Đặc biệt, cấu trúc SGK tạo cơ hội học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn kỹ năng hợp tác, phát huy tiềm năng và khả năng tư duy độc lập của HS; Các nhiệm vụ học tập trong mỗi bài học hướng đến việc phát triển kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng tư duy, rèn khả năng tích hợp, vận dụng kiến thức mới cho HS...
Covid-19 làm ảnh hưởng tiến độ chọn SGK
Trao đổi cùng báo GD&TĐ về thực tế công tác chọn SGK mới tại tỉnh Ninh Bình, ông Đỗ Văn Thông – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết: Sở GD&ĐT đã triển khai Thông tư số 01 của Bộ GDĐT; phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng tiêu chí trong đó có lấy ý kiến các đơn vị trong và ngoài ngành, làm thủ tục trình UBND tỉnh ban hành theo quy định.
Cùng đó, Sở phối hợp với các NXB gửi bản mẫu SGK tới các Phòng GD&ĐT, các trường tiểu học để CBQL, GV nghiên cứu. Sở cũng chỉ đạo các Phòng GD&ĐT chỉ đạo Hiệu trưởng các trường tổ chức cho CBQL, GV, NV và cha mẹ HS nghiên cứu các bộ sách SGK bản mẫu, bản điện tử và các tiết dạy minh họa. Đến nay, cơ bản CBQL, GV, cha mẹ HS đã đánh giá được những điểm cơ bản nhất về các bộ SGK. Điều này sẽ đảm bảo lựa chọn được những bộ sách phù hợp.
Cũng theo ông Đỗ Văn Thông, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tới tiến độ chọn SGK bởi ngành GD&ĐT không tổ chức dạy được các tiết demo. Mặt khác, việc tập trung tổ, nhóm chuyên môn để đánh giá, trao đổi sách không được nhiều. Tuy nhiên các cấp ngành, CBQL, GV đang cố gắng hết mình để chọn ra bộ SGK phù hợp nhất.
Trao đổi thêm về giá SGK mới tăng hơn nhiều lần so với SGK hiện hành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình bảy tỏ: Giá sách mà các NXB đã công bố so với mặt bằng chung của cha mẹ HS tỉnh Ninh Bình cơ bản đáp ứng được. Tuy nhiên một số xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang… do thu nhập còn nhiều khó khăn, việc mua đủ sách cho HS là rất khó.
Tuy nhiên, với HS có hoàn cảnh khó khăn, thuộc gia đình chính sách xã hội, Sở sẽ chỉ đạo các phòng GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường rà soát, lập danh sách để hỗ trợ sách cho các em mượn từ thư viện nhà trường, đảm bảo đủ SGK cho HS.
Năm học 2020-2021, Ninh Bình dự kiến có 19357 HS lớp 1 với 607 lớp, 1066 giáo viên dạy (chưa kể GV dạy môn Tiếng Anh). 153 trường (trong đó có 147 trường tiểu học công lập, 01 trường tư thục; 5 trường tiểu học và THCS).