Cảnh báo về sự thất bại của GD đạo đức
Các nhà truyền giáo Kitô giáo là những người thành lập các trường học đầu tiên ở Nigeria; ước tính vào những năm 1940 có tới hơn 90% HS được GD trong nước đã theo học các trường truyền giáo. Cho đến năm 1970, phần lớn các HS theo đạo Kitô - tập trung ở phía Nam và phía Đông của đất nước - vẫn tham dự các trường học tôn giáo.
Sau chiến tranh Nội chiến Biafran 1967 - 1970, chính phủ quân sự đã quốc hữu hóa hệ thống trường học, giữa bối cảnh phần phía Đông Nam của đất nước cố gắng ly khai. Chính phủ quân đội theo tư tưởng Hồi giáo cho biết quốc hữu hóa là để chống lại chủ nghĩa bộ lạc trong nước, đồng thời cải thiện sự đoàn kết dân tộc, nhưng điều này vấp phải sự phản đối dữ dội của các giáo sĩ Kitô.
Akubueze, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, cho biết khi các trường công giáo vẫn còn được cung cấp dịch vụ GD (hoàn toàn miễn phí), họ đã dạy những đứa trẻ có hành vi đạo đức gương mẫu. Giám mục Peter Odetoyinbo của Abeokuta, Chủ tịch Ủy ban GD của các giám mục, cũng đổ lỗi cho chính phủ về sự sụp đổ về đạo đức của đất nước.
“Nếu sự thật phải được nói, sự thất bại của GD đạo đức ở Nigeria đã bắt đầu với sự xâm nhập bởi các trường truyền giáo của nhà nước” - ông nói - “Điều đó đã cướp đi đôi cánh của Giáo hội và gây ra phiền toái đối với các trường học của chúng tôi, với số HS tốt nghiệp sụt giảm”.
Hội nghị Giáo dục Công giáo quốc gia lần thứ 3 mang chủ đề: “Giáo dục Công giáo ở Nigeria: Những thách thức về bảo vệ trẻ em và lạm dụng tình dục”. Tại đây, các giám mục lên tiếng phản đối mạnh mẽ các trường hợp lạm dụng tình dục gây ra bởi chính một số thành viên giáo hội, cho rằng điều đó làm hại thanh danh của tôn giáo.
“Trong đức tin của chúng ta và của cả nhân loại, tội lỗi và tội ác lạm dụng tình dục trẻ em không còn bị giữ kín trong vòng bí mật với sự xấu hổ của nạn nhân nữa. Chúng tôi, các giám mục, tất cả các linh mục, những người đàn ông và phụ nữ hiến dâng và tất cả những người làm việc trong các cơ sở Công giáo ở Nigeria phải đảm bảo rằng có một môi trường an toàn cho mọi trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương” - ông Akubueze nói.
Trẻ em cần phải được bảo vệ
Các giám mục Nigeria cho biết bảo vệ và GD trẻ em là nhiệm vụ của Giáo hội và của mọi người, bởi vì “trẻ em là một món quà đặc biệt từ Thượng Đế”.
Odetoyinbo cho rằng trinh khiết là một cách chắc chắn để bảo vệ trẻ em chống lại những kẻ ấu dâm trong giáo sĩ, nhấn mạnh rằng sự trinh tiết là “năng lực tâm linh đó có khả năng bảo vệ tình yêu khỏi những nguy hiểm của sự ích kỷ và hung hăng, vượt qua suy nghĩ của mọi kẻ ngược đãi trẻ em và kẻ ấu dâm”.
Ông kêu gọi khôi phục lại truyền thống cả cộng đồng chung tay chăm sóc trẻ em và coi trọng trẻ em, GD đầy đủ về đạo đức cho chúng. “Ngay cả khi cha mẹ không được tiếp xúc và không dạy trẻ em về tình dục, xã hội đã chăm sóc điều đó vì sự tôn trọng và tôn trọng cao đối với các giá trị tôn giáo và xã hội.
Hôm nay, sự thoái hóa trong toàn bộ hệ thống đã cướp đi nền tảng đạo đức tốt đẹp của những đứa trẻ, chúng không được thông tin, không được hướng dẫn và không thể cung cấp bất kỳ giải pháp nào cho những vấn đề này (đối phó với sự lạm dụng)”, Odetoyinbo nói, đồng thời nhấn mạnh Giáo hội phải là lực lượng GD trong xã hội Nigeria và là giải pháp lựa chọn cho các bậc cha mẹ, cần phải tạo ra một môi trường mà trẻ em có thể phát triển và được an toàn.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh GD Công giáo, TS Obiora Okonkwo, cho biết sự suy thoái về đạo đức ở Nigeria là kết quả không chỉ của sự thất bại từ hệ thống GD mà còn từ việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội.
“Không thể tưởng tượng được, một tỷ lệ lớn phần trăm GD giới tính mà giới trẻ được tiếp thu, lại không phải ở nhà cũng như ở trường học, mà là thông qua truyền thông xã hội. Điều đó có đúng đắn hay không, các em có học được gì hay không, đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta”, TS Okonkwo nhấn mạnh.
Ông cũng nói rằng để đưa nền tảng đạo đức của các thế hệ được khôi phục trong nước, trách nhiệm của các trường công giáo phải ngày càng lớn hơn, được phát triển mạnh mẽ hơn, ít nhất là như nó đã từng có vị thế và vai trò đối với xã hội Nigeria như trước đây. Theo Okonkwo, đó là một trong những bước đầu tiên cần thiết để “tái tạo xã hội và xây dựng những thế hệ mà chúng ta có thể tự hào”.
“Xây dựng một nền tảng đạo đức cho thế hệ trẻ sẽ là một chặng đường dài, trong đó chúng ta phải giải quyết các hiện tượng suy đồi đạo đức đã dẫn đến một tỷ lệ cao của tội phạm, bao gồm cả ăn cắp và tham ô của các quỹ công cộng trong xã hội của chúng ta” - ông nói.