Sự thật kinh hoàng về trừ tà

GD&TĐ - Theo nghiên cứu khoa học trước nay, thực tế không tồn tại ma quỷ, và "cái gọi là" những người “bị ám” hầu hết đều là bệnh nhân tâm thần. Nỗ lực “đuổi quỷ” của các pháp sư, trên thực tiễn, chỉ là những hành động dã man, tàn độc, vô đạo đức và xuẩn ngốc.

Hầu hết người “quỷ ám” đều là bệnh nhân tâm thần
Hầu hết người “quỷ ám” đều là bệnh nhân tâm thần

Trừ tà hay giết người?

Dấu hiệu của người bị tà ma ám thường là: hoàn toàn thay đổi tính cách, đánh mất lý trí, tự chủ, ghét ở chốn đông người, thích cô lập, bất chợt khỏe phi thường, hay tự hại.

Năm 1985, Daniel Kfoury (Mỹ) tin rằng bạn cùng phòng, Robert Bloom (Mỹ) bị quỷ ám. Để đuổi quỷ ra khỏi cơ thể Bloom, Kfoury phạm tội ngộ sát. Theo giải thích của tờ Washington Post, Bloom khác thường vì anh bị tổn thương não sau vụ tai nạn (bị xe tải đâm trúng). Tổn thương ấy khiến Bloom suy giảm khả năng nói, nhận thức và đi đứng. Bạn bè Bloom dần rời bỏ anh. Cô đơn, Bloom đến một nhà thờ ở Virginia, nơi anh gặp Kfoury, tìm sự cứu rỗi. Tuy nhiên, trong mắt Kfoury, Bloom chắc chắc là người bị quỷ ám. Anh cố gắng trừ tà. Sau 7 giờ “chiến đấu” đuổi “linh hồn quỷ ám” ra khỏi cơ thể Bloom, Kfoury khiến Bloom mất mạng. Tòa án xử Kfoury 10 năm tù.

Từ lâu, mê tín đã xem bệnh tâm thần như một kiểu bị ma ám. Sự rối loạn tâm trí khiến bệnh nhân rơi vào ảo giác, trở nên kích động, thường có những hành động bất thường, không thể đoán trước. Suốt thời kỳ Trung cổ, người mắc bệnh tâm thần bị cho là quỷ ám. Phải sang Thời kỳ Khai sáng, khi hiểu biết y học ngày càng nâng cao, tâm thần mới được xem là một loại bệnh. Tuy nhiên, không phải tất cả đều được “khai sáng”.

Năm 2005, sau khi sơ Maricica Cornici cho hay cô bắt đầu nghe được “lời thì thầm của ma quỷ” thì được đưa tới một bệnh viện tâm thần. Sau khi nhận thuốc chữa bệnh tâm thần phân liệt, Cornici đến thăm một tu viện ở Rumani. Tại đây, cô gặp Giáo sĩ Daniel Corogeanu. Corogeanu tuyên bố Cornici đang bị quỷ ám. Lúc đầu, ông hết lời khuyên nhủ Cornici hãy uống nước thánh để đuổi quỷ. Cornici từ chối. Không thể thuyết phục bằng lời nói, Corogeanu cùng 4 nữ tu sĩ khác trói nghiến Cornici lên cây thánh giá, nhét giẻ vào miệng, bỏ đói suốt 3 ngày. Cornici chết vì mất nước. Trong khi Cornici mất mạng oan ức, Corogeanu tự hào đã tự tay thực hiện một phép màu. Tòa án Rumani kết án Corogeanu 7 năm tù giam.

Án tử với người đồng tính

Tính đến cuối thế kỷ XIX, đồng giới vẫn chỉ bị xem là một dạng bệnh lý. Tuy nhiên, những năm 1950-1960, một số nhà trị liệu lại cho rằng đồng tính luyến ái cũng là do tà ma ám. Họ chữa trị bằng cách trưng ảnh khỏa thân trước người đồng tính trong khi sốc điện hoặc chụp ma túy họ, khiến họ nôn mửa dữ dội.

Dù hiện tại đang có khá nhiều quốc gia cho phép kết hôn đồng giới, người đồng tính, đặc biệt là trong các cộng đồng tôn giáo, vẫn gặp không ít sự khắc nghiệt. Tại Chechnya, một nước thuộc Liên bang Nga, người đồng tính, nếu dám tự nhận, sẽ bị đuổi khỏi quốc gia. Gần đây, Đài BBC cho biết về một trường hợp đồng tính nữ người Chechnya giấu tên, tạm gọi là “Marko”. Gia đình Marko, như đông đảo dân chúng Chechnya, theo đạo Hồi. Họ gửi cho Marko một tối hậu thư: hoặc chịu phép trừ tà, hoặc bị giết hay sống hết đời trong bệnh viện tâm thần.

Marko lựa chọn chịu phép trừ tà. Một nữ pháp sư tiến hành nghi lễ. Bà ôm đầu Marko, đọc Kinh Koran liên tục suốt 2h. Marko giả vờ như “con quỷ đồng tính” đã bị đuổi ra khỏi cơ thể cô, diễn trọn vai cho đến khi rời khỏi Nga.

Cảnh trong phim "Split" có đề tài về quỷ ám và trừ tà
Cảnh trong phim "Split" có đề tài về quỷ ám và trừ tà

Các hình thức trừ tà tàn độc

Năm 2017, Vilma Trujillo, một cư dân Nicaragua (quốc gia ở Trung Mỹ) đột nhiên bị ảo giác, thường tự nói chuyện và khóc lóc thảm thiết. Dì của Trujillo nhớ lại, “Trujillo nói với em gái rằng cô sẽ không sinh ra một em bé mà sẽ sinh ra một con rắn”. Bệnh viện gần nhà Trujillo nhất cũng cách một ngày đường. Gia đình cô bèn gọi cho Mục sư Juan Rocha.

Rocha khẳng định Trujillo bị quỷ Satan ám. Cùng với 4 giáo đồ khác, mục sư lôi Trujillo đến một căn nhà trống, trói và bỏ đói cô. Rocha cũng nói với thân nhân của Trujillo không cần phải cảm thấy thương xót vì Trujillo không còn là chính cô nữa mà chỉ là cái xác bị ma quỷ lợi dụng. Trujillo còn tuyên bố chính Đức Chúa Trời đã chỉ thị cho mình dùng lửa để chiến đấu với Satan. Trujillo vì thế bị trói trên cây, dưới chân là giàn hỏa thiêu, thiêu cháy trong suốt 5h và thiệt mạng. Rocha lĩnh án 30 năm tù giam.

Năm 2015, tại Khách sạn InterContinental ở Frankfurt (Đức), một nhóm bao gồm các thân nhân từ 16-44 tuổi của một gia đình người Hàn Quốc đăng ký thuê phòng. Họ nói tới khách sạn ở vì sợ rằng ngôi nhà cho thuê của họ ở Sulzbach đang bị ma ám. Sự nghi ngại bắt đầu khi một nữ thành viên trong gia đình, 41 tuổi, trở nên khác thường, hay cáu gắt và ưa tự hại. Tin rằng người phụ nữ này bị ma ám, tại căn phòng mới thuê ở Khách sạn InterContinental, 5 người nhà ghìm cô xuống sàn, nhét giẻ vào miệng, đánh đập suốt 2h. Sau khi phát hiện người phụ nữ bị bạo hành đến chết trong phòng khách sạn, cảnh sát cũng tìm thấy em gái của cô tại nhà, trong tình trạng hạ thân nhiệt nặng.

Gia đình người Hàn này theo đạo Cơ đốc, tin thuyết quỷ ám. Mỗi lần người phụ nữ tỏ ra bất thường, họ lại đánh đập cô để... đuổi quỷ. Tòa án kết tội 4 người trong số họ, người nhận bản án cao nhất là 6 năm tù. Thành viên còn lại thụ án treo.

Trong một buổi phỏng vấn của tờ Người Bảo hộ (The Guardian) năm 2018, linh mục kiêm pháp sư Cesar Truqui (Mexico) tuyên bố Chúa Jesus là người trừ tà đầu tiên và người nào tiếp nối “công việc” này của Chúa cũng là người cống hiến cho Chúa. Ông cũng tự hào đã học được hơn 100.000 phép trừ tà.

Năm 2012, Hernández Sahagún, pháp sư của Thành phố Valladolid, Tây Ban Nha, người tự tin có khả năng thực hiện hơn 200 phép trừ tà, tiến hành nghi lễ trừ tà nhằm cứu một nữ thiếu niên biếng ăn. Dù các bác sĩ khẳng định cô bé chỉ bị biếng ăn, cha mẹ cô bé lại tin con gái bị ma quỷ ám. Sahagún dè bỉu đơn thuốc của bác sĩ, tự tay thực hiện 13 phép trừ tà khác nhau. Một trong những phép trừ tà của Sahagún là trói chặt cô gái, treo cây thánh giá trên đầu cô. Thay vì được chữa lành bệnh, cô bé bị tổn thương tinh thần đến mức tự vẫn. Trước tòa, Sahagún đổ tội cho “ma quỷ” đã xui khiến, khiến ông làm điều sai trái. Nhưng “ma quỷ” không phải đối tượng có trong pháp luật. Năm 2015, Sahagún bị tống vào tù vì tội bạo lực gây thương tích và ngược đãi trẻ vị thành niên.

Trẻ em Châu Phi là nạn nhân của mê tín trừ tà
Trẻ em Châu Phi là nạn nhân của mê tín trừ tà

Lợi dụng danh nghĩa trừ tà

Trên truyền hình, sân khấu, trực tuyến, Mục sư Thomas Euteneuer (Mỹ) cuốn hút mọi người nhờ vào vẻ mặt thánh thiện và những lời hoa mỹ. Anh thậm chí còn ủng hộ việc thực hiện phép trừ tà tại các phòng khám thai, hết sức cảm thông cho “tội lỗi” của các thiếu niên trót dại. Tuy nhiên, năm 2012, tờ Washington Post lại tiết lộ Euteneuer lợi dụng danh nghĩa trừ tà để lạm tình một thiếu nữ trong suốt một thời gian dài.

Nạn nhân của Euteneuer là Jane Doe, người hết sức tôn kính, ngưỡng mộ Euteneuer. Mối “quan hệ” giữa cô và Euteneuer bắt đầu từ năm 2008, vì Euteneuer nói rằng cô bị quỷ ám. Muốn xua đuổi linh hồn quỷ dữ ra khỏi Doe, Euteneuer phải dùng toàn bộ sự dũng cảm để... vuốt ve cơ thể cô, “thổi” Đức Thánh Linh vào trong người Doe bằng cách hôn cô cuồng nhiệt. Anh cũng hứa sẽ cầu nguyện cho Doe nhưng đổi lại, cô phải ngoan ngoãn nghe lời.

Sau 2 năm, Doe tố cáo hành động của Euteneuer với các linh mục khác trong nhà thờ. Euteneuer rút lui khỏi Human Life International, nhóm ủng hộ phi lợi nhuận mà anh đứng đầu trong 10 năm. Không chỉ thế, Euteneuer còn miệng lưỡi biến tội lỗi của mình thành một kiểu “chăm sóc về mặt tinh thần” trước tòa, thoát khỏi vai bị cáo và trắng án.

Cũng trong năm 2012, tờ The Telegraph báo cáo trường hợp bác sĩ Thomas O’Brien, làm việc tại một trung tâm y tế cộng đồng, vốn là một tín hữu Kito giáo, đã cố ý khủng bố tinh thần một bệnh nhân (tạm gọi “bệnh nhân A”) vì cô là người không tôn giáo.

Bệnh nhân A đến bệnh viện, gặp O’Brien, xin được trợ giúp y tế. Sau khi xem hồ sơ của bệnh nhân, phát hiện A là người không tôn giáo, O’Brien đã luôn miệng quở trách cô. A đã phải trải qua phẫu thuật cắt bỏ ruột và rất đau đớn. O’Brien, thay vì lo thuốc men cho cô, lại vẽ ra một thế giới mà ở đó không tồn tại nỗi đau. Để đến được thế giới đó, theo lời khuyên của O’Brien, A phải bỏ uống thuốc, tự nguyện hiến thân cho Chúa. Ông thường xuyên gọi điện thoại, trích dẫn kinh thánh, nói về ma quỷ, truyền đạt lời răn của Chúa, cảnh cáo cô nếu dám báo với chính quyền thì sẽ bị... nguyền rủa. Không thể chịu đựng nổi, A cuối cùng lên tiếng. Năm 2015, O’Brien bị sa thải.

Đau đớn nhất trong mê tín trừ tà có lẽ là tại Nigeria (Châu Phi). Chỉ trong năm 2009, 1.000 trẻ em Nigeria tử vong do bị cha mẹ ép uống axit như một phương thức trừ tà, vì nghi ngờ chúng là phù thủy. Trước đó 1 năm, 2008, theo ước tính của UNICEF, có đến 20.000 nữ thiếu niên tại Kinshasa, thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Congo bị cho là phù thủy. Bỏ đói, đánh đập, thiêu cháy bằng sáp nóng... mọi đứa trẻ Châu Phi bị ngờ là phù thủy đều phải trải qua những kinh nghiệm khủng khiếp này.

Theo Grunge.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ