Bạo hành người học
Điều đầu tiên Burhani (15 tuổi) nhìn thấy khi đến trường giáo dưỡng Hồi giáo là những thanh thiếu niên ngồi xếp hàng trên sân, cơ thể chảy máu và bị xiềng xích. Burhani cho biết, cha cậu quyết định gửi cậu tới ngôi trường này để được dạy về việc không nên thực hiện những hành vi xấu, vì cậu từng đánh nhau và ăn trộm.
Hồi tháng 10, cảnh sát Nigeria đã đột kích vào trường học này ở thị trấn Daura. Đây chỉ là một trong 8 cuộc tấn công vào những trường Hồi giáo trong vòng 6 tuần qua, khi chính quyền địa phương báo cáo đã phát hiện nhà trường có hành vi lạm dụng khủng khiếp. Gần 1.500 trẻ em và thanh niên như Burhani đã được trả tự do sau các cuộc đột kích, trong đó có 259 người tại thành phố Ibadan hôm 4/11.
Tuy nhiên, cha của Burhani - ông Yahaya khẳng định, thầy hiệu trưởng Bello Abdullahi - người bị bắt và phải đối mặt với các cáo buộc bao gồm bạo hành trẻ em, “là một người tốt và không biết đến hành vi tồi tệ của đội ngũ giáo viên”.
Trong một cuộc phỏng vấn các HS, cựu HS, phụ huynh và nhà lãnh đạo cộng đồng, nhiều người đổ lỗi cho chính phủ khi không cung cấp nền GD chính thống và các dịch vụ những người trẻ tại khu vực nghèo khó này cần. Các chuyên gia và những người ủng hộ trẻ em cho biết, nhà nước không thể đáp ứng nhu cầu GD cũng như phúc lợi xã hội của người dân do nguồn lực hạn chế. Theo thống kê, từ năm 2015, chỉ có chưa tới 1/2 số trẻ em trong khu vực theo học tại các trường tiểu học công lập.
Trong khi đó, các trường Hồi giáo, được biết đến với tên địa phương là các trường “almajiri”, tuyển sinh khoảng 10 triệu HS/năm. “Nếu chúng ta quyết định đóng cửa hết các trường “almajiri”, chắc chắn cuộc khủng hoảng GD sẽ xảy ra”, ông Mohammed Sabo Keana thuộc tổ chức phi lợi nhuận Almajiri có trụ sở tại Abuja, nhận định.
Trước những bê bối này, các nhà chức trách Nigeria không đưa ra bất cứ bình luận nào. Trước đó, ngày 19/10, Tổng thống Muhammadu Buhari tuyên bố sẽ không dung thứ cho các hành động ngược đãi đối với thanh thiếu niên.
Một số trường giáo dưỡng Hồi giáo thậm chí còn đề nghị điều trị các vấn đề về hành vi bao gồm nghiện ma túy và phạm pháp, giúp thu hút SV từ khắp Tây Phi.
Các bậc phụ huynh sẽ phải trả ít nhất 500 naira (1,38 USD/tháng) để con em học tại trường “almajiri”. Tuy nhiên, không ít gia đình sẵn sàng đóng thêm số tiền gấp nhiều lần để nhà trường chữa trị những hành vi của con họ mà họ coi là không thể chấp nhận được.
Một bậc phụ huynh chia sẻ, ông đã trả 50.000 naira (163 USD) phí đăng ký cùng với 10.000 naira/tháng để đưa con trai đến trường Daura cai nghiện ma túy. Đây được coi là một khoản tiền đáng kể tại quốc gia nơi mức lương trung bình hàng tháng là 163 USD. Người này cũng khẳng định sẽ tiếp tục gửi con tới những ngôi trường như vậy nếu các cơ sở GD này chưa bị đóng cửa.
Những vết sẹo theo suốt cuộc đời
Một số người ủng hộ trẻ em cho biết, các trường học giáo dưỡng Hồi giáo hầu như rất ít khi được chính phủ Nigeria để mắt tới. Nhiều nguồn tin khẳng định, người đứng đầu Ủy ban Cố vấn của Tổng thống về xóa bỏ lạm dụng ma túy, ông Mohammed Buba Marwa, đã đến thăm 3 trường học trong khoảng thời gian trước khi các tổ chức này bị đột kích.
Trong nhiều bức ảnh được đăng tải lên Facebook, ông Buba Marwa cũng được nhìn thấy xuất hiện cùng với các thành viên trong trường. Tuy nhiên, ông Marwa không trả lời các câu hỏi về vấn đề này.
Bà Huraira Alasan, một người bán bánh 50 tuổi cho biết, gia đình bà đã nộp 160.000 naira (521 USD) để đăng ký cho một cháu trai tới trường Katsina điều trị ma túy. Tại đây, bà Alasan được cho biết, cháu trai bà sẽ được chữa trị nhờ cầu nguyện. Trên thực tế, ngày bà Alasan tới thăm cháu, nam thanh niên này đang bị xiềng xích và cầu xin được thả ra.
Nam thiếu niên 15 tuổi Burhani cho biết, khi còn học tại trường Daura, cậu thường thức dậy lúc 3 giờ sáng do không thể ngủ được vì quá nóng. Không những vậy, có tới 40 - 50 người đàn ông phải ở chung trong một căn phòng lẽ ra chỉ dành cho 8 người.
Mỗi ngày vào lúc 6 giờ sáng, những học viên này sẽ được gọi ra ngoài sân - nơi họ phải cởi bỏ quần áo và bị đánh đập dã man. Nam thanh niên 25 tuổi Suleiman Surajo chia sẻ, trong suốt hơn một năm ở trường, anh không hề được gặp gia đình và bạn bè.
Theo Burhani, họ tiếp tục bị đánh đập trong lúc phải đi khắp sân cùng dây xích quấn ở chân, để lấy những tấm gỗ ghi kinh Koran mà họ được hướng dẫn để đọc.
Sau thời gian học tại ngôi trường này, cả Burhani và Surajo đều có nhiều vết sẹo ở lưng và mắt cá chân. Các học viên tại trường cũng chỉ được ăn tinh bột ngô hoặc gạo nghiền vào buổi chiều cũng như bữa tối. “Một số giáo viên đã quan hệ tình dục với các cậu bé; Tôi thường xuyên được nghe về chuyện này”, Surajo nói.
Ông Masuda Rafindadi, người điều hành một trường Hồi giáo ở Katsina, đã theo học tại trường Daura từ hai thập kỷ trước, nhưng cơ thể vẫn còn chằng chịt những vết sẹo do bị đánh đập khi đó. Tuy nhiên, ông này khẳng định, đòn roi là điều vô cùng cần thiết để điều chỉnh những hành vi xấu.
Hiện tại, ông Rafindadi cũng thường áp dụng phương pháp đánh đập, nhưng không xiềng xích người học. Nói về giáo viên của mình tại ngôi trường Hồi giáo từng theo học lúc nhỏ, ông cho biết: “Trong suốt khoảng thời gian ở trường, chúng tôi không nhận được gì khác ngoài tình yêu”.