Niềm vui nhân đôi của cô giáo nghỉ hưu

GD&TĐ - 35 năm gắn bó với sự nghiệp bảng đen, phấn trắng cũng là chừng ấy năm dự lễ khai giảng nhưng cô Bùi Thị Thu, giáo viên Trường Tiểu học Thanh Trù, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc vẫn không giấu được niềm xúc động và hạnh phúc khi gặp lại những học trò cũ, đưa con đến gửi gắm cô dạy dỗ.

Cô trò đều xinh đẹp trong ngày hội lớn
Cô trò đều xinh đẹp trong ngày hội lớn

Buồn nếu không được dạy học

Trong tà áo dài duyên dáng, nét mặt rạng ngời không ai nghĩ cô Bùi Thị Thu đã ở tuổi 56. Dù đã có quyết định nghỉ hưu được 1 năm nhưng trường thiếu giáo viên nên cô xin được dạy hợp đồng. Được tiếp tục sự nghiệp ươm mầm xanh ngay chính quê hương mình khiến cô rất hạnh phúc: “Mình yêu trường lớp, yêu học sinh nên sẽ rất buồn nếu không được dạy học! Mình muốn được gắn bó với nghề đến khi nào không còn đủ sức khỏe nữa thì thôi!”, cô Thu chia sẻ.

“Hạnh phúc lắm khi hai thế hệ đều là học trò của mình!”, cô Thu chia sẻ

“Hạnh phúc lắm khi hai thế hệ đều là học trò của mình!”, cô Thu chia sẻ

35 năm dạy học thì có đến 20 năm cô gắn bó với học sinh lớp 1. Cô tâm sự, dạy học sinh lớp 1 đòi hỏi giáo viên phải nhẹ nhàng, kiên trì vì đây là lứa tuổi chuyển từ chơi sang học, phải uốn nắn các em từ những điều nhỏ nhất. Vào đầu năm là thời gian vất vả nhất đối với những cô giáo nhận lớp 1. Học sinh buồn vì “phải viết mỏi tay”, khóc vì đến lớp “toàn người lạ”, “vì cô không cho mẹ vào ngồi cùng”, thấy chán vì “phải ngồi lâu, xếp hàng lâu”… rất nhiều những tình huống không có trong giáo án như vậy đòi hỏi cô phải nhẹ nhàng và mềm mỏng. Nếu thầy cô nóng tính học sinh sẽ sợ và không muốn đi học ngay!

Những học trò đặc biệt trong ngày khai giảng

Cô Thu cùng các em học sinh lớp 1 trong ngày khai giảng

Cô Thu cùng các em học sinh lớp 1 trong ngày khai giảng

Cô Thu rưng rưng nước mắt khi gặp lại hai trong số nhiều học trò cũ mà mình đã dạy cách đây mấy chục năm giờ trong vai phụ huynh cùng đưa con đến dự khai giảng. Thật trùng hợp là con của hai người học trò cũ cùng học lớp của cô Thu. “Tôi cảm động lắm, nước mắt cứ trào ra khi các em nắm lấy tay mình tin tưởng nhờ cô dìu dắt cho các con. Hai thế hệ, bốn học trò đang đứng trước mặt mình đây! Hạnh phúc của người thầy không phải cái gì đó to tát chỉ giản dị vậy thôi!”, cô chia sẻ.

Cuộc hội ngộ trong ngày khai giảng thật xúc động. Cô trò nắm tay nhau tíu tít kể chuyện. Nhớ về kỷ niệm cách đây gần 30 năm - ngày khai giảng năm đó, trường, lớp còn sơ sài, dột nát. Để chuẩn bị cho lễ khai giảng, các cô trò và phụ huynh phải gom từng viên gạch, xỉ than làm lối đi vì sân trường lầy lội, trơn trượt sau trận mưa lớn. Cô không có áo dài, trò thì áo vá, quần sắn tới gối… vậy mà giờ các em đều đã trưởng thành cả, mỗi người mỗi việc. Không ít người thành đạt và cũng có rất nhiều người ở lại xây dựng quê hương nhưng mỗi khi có dịp họ đều ghé qua thăm trường, thăm cô.

“Trường tôi dạy nằm trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên nhưng lại là xã khó khăn, phần đông các gia đình đều làm nông. Nhiều năm nay, trường luôn thiếu giáo viên nên tôi muốn tiếp tục cống hiến khi điều kiện còn cho phép”, cô chia sẻ.

 
“Tôi yêu trường lớp, yêu học sinh nên sẽ rất buồn nếu không được dạy học! Tôi muốn được gắn bó với nghề đến khi nào không còn đủ sức khỏe nữa thì thôi!”. Cô Bùi Thị Thu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.