Niềm vui lần đầu tiên 100% học sinh đỗ tốt nghiệp

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển của Trường THPT Trần Hưng Đạo (Đắk Lắk).

Cô Phan Thị Như Ý (môn Ngữ văn), thành công với tuyệt chiêu “buộc” học sinh phải tự học.
Cô Phan Thị Như Ý (môn Ngữ văn), thành công với tuyệt chiêu “buộc” học sinh phải tự học.

Sau hơn 10 năm thành lập, đây là lần đầu trường có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp.

Bền gan, vững chí vì học trò

Thầy Mai Văn Thanh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: 100% học sinh lớp 12 (năm học 2022 - 2023) đã đỗ tốt nghiệp trở thành mốc son của Trường THPT Trần Hưng Đạo. “Khi nhận thông báo kết quả thi tốt nghiệp tôi nhắn ngay lên nhóm Zalo nhà trường. Không ai bảo ai, nhưng đều khẳng định, đây là thành quả cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy và trò hơn 10 năm qua”, thầy Thanh bày tỏ.

Trường THPT Trần Hưng Đạo đóng chân ở buôn Cư Đrăm, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, vùng căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ năm 2006 đến 2010, đây là điểm lẻ của trường Krông Bông. Tháng 7/2010 được tách ra thành Trường THPT Trần Hưng Đạo.

Nhà trường có nhiệm vụ dạy học, giáo dục cấp THPT cho học sinh các dân tộc thuộc 4 xã cánh Đông của Krông Bông. Ngoài ra, do nằm ở vị trí giáp ranh, nhà trường cũng thường xuyên đón học sinh ở các xã: Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), Cư San, Krông Á (huyện M’Drắk) học cùng.

Theo thầy Thanh, hầu hết học sinh nhà trường là con em người dân tộc thiểu số (chiếm từ 73 - 77%). Trong số đó, phần lớn là dân tộc Mông di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào. Điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều học sinh ở xa trường từ 10 đến 40km, giao thông chưa thuận lợi.

“Dù Sở GD&ĐT đã tạo điều kiện xây dựng khu bán trú, nhà trường cũng thường xuyên phối hợp vận động, nhưng hàng năm nhiều học sinh nghỉ học giữa chừng. Những em cố gắng đi học thì khó tập trung bởi phải lo phụ giúp gia đình tăng gia sản xuất. Vì thế, việc nâng cao chất lượng giáo dục vô cùng khó khăn”, thầy Thanh cho biết.

Là người có mặt tại ngôi trường từ ngày đầu hình thành lập điểm lẻ, thầy Dương Xuân Vỹ - Phó Hiệu trưởng không giấu được niềm tự hào với thành quả của học sinh: “Với chúng tôi, trong gần 20 năm công tác ở đây, khóa nào thầy trò cũng tự động viên, nhắc nhở nhau cố gắng trong dạy và học.

Kết quả mỗi năm một tăng nhờ sự cố gắng của cả thầy và trò, nhưng việc tất cả học sinh của một khóa học đỗ tốt nghiệp là điều kỳ diệu. Sắp tới, chúng tôi sẽ phân tích phổ điểm, đánh giá những ưu, nhược điểm từ cách thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, đội ngũ phụ trách… để làm bài học cho những năm tiếp theo”.

Cô Đỗ Thị Thanh Hoa (môn Toán) hướng dẫn ôn tập vào buổi tối cho học sinh lớp 12 ở khu bán trú.

Cô Đỗ Thị Thanh Hoa (môn Toán) hướng dẫn ôn tập vào buổi tối cho học sinh lớp 12 ở khu bán trú.

Bỏ thói quen “chờ cho kiến thức”

Theo thầy Vỹ, để tăng cơ hội đỗ tốt nghiệp THPT cho học sinh, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng chất lượng giáo dục. “Khi xây dựng kế hoạch năm học, Ban Giám hiệu đã hội ý, lựa chọn đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có kinh nghiệm để bố trí vào phụ trách khối 12. Đối với học sinh, công tác đánh giá chất lượng luôn được thực hiện công khai, vì thế việc bàn giao từ lớp dưới lên lớp trên rất thuận lợi”, thầy Vỹ nói.

Phân tích sâu về điều này, thầy Nguyễn Quang Ngọc - Phó Hiệu trưởng, giáo viên giảng dạy môn Lịch sử cho biết, nhà trường đã tiến hành phân loại học sinh theo năng lực thực tế qua kiểm tra, đánh giá. Từ đó, quá trình dạy học, giáo viên linh hoạt vận dụng phương pháp, phương tiện, kỹ thuật phù hợp với từng em, từng nhóm.

“Riêng phần ôn tập, phụ đạo, trong năm học, nhà trường thực hiện 3 đợt, tổng cộng 33 tuần và đặc biệt quan tâm đến học sinh yếu kém, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chúng tôi có chế độ miễn giảm cho những học sinh này. Vì thế, đã vận động được 100% học sinh tham gia ôn tập.

Nếu vắng học không rõ lí do, giáo viên chủ nhiệm, bộ môn liên hệ ngay với phụ huynh học sinh để nắm tình hình. Chúng tôi cũng động viên chi đoàn giáo viên phụ đạo, ôn tập ban đêm cho học sinh ở khu nội trú. Nội dung ôn tập bám sát đề minh hoạ của Bộ và Sở”, thầy Ngọc trao đổi.

“Ban đầu, khi tiếp cận lớp rất nhiều khó khăn cho cả cô và trò. Nhiều em không biết tra cứu và khai thác các nguồn tài liệu. Mọi kĩ năng nghe nói viết gần như dưới mức trung bình. Kĩ năng của học sinh yếu quá nhiều, dẫn đến việc thiếu hụt kiến thức. Một số em luôn thụ động, chờ cô thầy ‘cho’ kiến thức. Các em sẵn sàng ghi chép bất cứ lúc nào nhưng lại không sẵn sàng tự học và suy nghĩ… Điều đó dễ khiến giáo viên nản lòng và buông tay”, cô Ý cho biết.

Là 2 trong số giáo viên được tín nhiệm, phân công giảng dạy lớp 12 năm học 2022 - 2023, cô Phan Thị Như Ý (môn Ngữ văn), cô Đỗ Thị Thanh Hoa (môn Toán) chia sẻ, điều trăn trở nhất là giúp nhóm học sinh học lực yếu kém, ít động lực tìm ra niềm vui, sự tự tin trong học tập.

Để giải quyết bài toán này, cô Ý đã áp dụng nhiều chiêu của nghiệp vụ sư phạm: “Khi lên lớp, tôi tạo không khí thật thoải mái và nguồn cảm hứng với môn học. Làm sao để học sinh không đoán được hôm nay lớp học sẽ được tổ chức như thế nào. Khiến các em phải tò mò.

Mặt khác, tâm lý chung của nhóm học sinh không có động lực học tập thường ngồi im một chỗ. Vì vậy, đôi khi giáo viên phải dùng chiêu không làm gì để nhường lại hết việc học tập cho học sinh; đặt các em vào thế buộc phải cầm bút, phấn, viết, nói và thậm chí phải đứng dậy rời khỏi bàn, ghế. Lặp đi lặp lại thành thói quen, từ đó giúp các em giảm ì, chủ động vượt qua khó khăn trong học tập để tìm thấy niềm vui và nỗ lực học.

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Trường THPT Trần Hưng Đạo có 191 học sinh đăng ký dự thi. Trong đó, nữ 93 em, dân tộc thiểu số 128 em và nữ dân tộc thiểu số là 64 em. Kết quả, 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, trong đó có 1 điểm 10.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.