(GD&TĐ) - Được các cơ quan thông tấn giới thiệu về công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo, thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Đảng qua 2 nội dung quan trọng là thi cử đánh giá và chương trình giáo dục tôi rất mừng, mừng đến độ không ngủ được, gọi điện và email cho bạn bè gần xa về một tương lai giáo dục nước nhà sẽ không còn cơ hội để tụt hậu!
Niềm vui khai giảng (ảnh: Internet) |
Điều vui mừng trước tiên là công cuộc đổi mới được nêu ra rất căn cơ và đúng hướng do chính Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, khác với những ý kiến của các nhà khoa học, các nhà giáo phát biểu trước đây, dù rất đúng, rất tâm đắc nhưng vẫn chỉ là những ý kiến. Còn Lãnh đạo Bộ nêu ra là những chủ trương thực hiện từ cơ quan quản lý chỉ đạo và chịu trách nhiệm cao nhất về sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.
Phải đổi mới thi cử, đánh giá vì đây là khâu then chốt của quá trình đào tạo. Thi cử thế nào thì thầy, trò dạy và học như thế ấy! Điều rất quan trọng ở giáo dục phổ thông là dạy người, muốn dạy người tốt, người học phải được hướng dẫn, đánh giá trong suốt quá trình dạy học, không thể chỉ dựa vào một kỳ thi.
Xây dựng tính trung thực trong đánh giá, thi cử là một vấn đề khó, nhất là thói quen đối phó thi cử thiếu trung thực đã xuất hiện và tồn tại quá lâu trong nhiều thế hệ. Nhưng với một cơ chế quản lý hữu hiệu và những biện pháp chế tài phù hợp, chúng ta sẽ phục hồi lại tính trung thực trong nhà trường.
Sự trung thực có được không chỉ từ giáo dục mà còn phụ thuộc vào hiệu quả quản lý của nhà trường và xã hội. Tính trung thực này không chỉ có ích cho nhà trường trong lãnh vực thi cử đánh giá mà còn là những giá trị thật rất quý báu cho đồi sống xã hội; nâng cao vai trò, lương tâm, trách nhiệm của giáo viên và của phụ huynh; hình thành nhân cách tốt đẹp cho học sinh.
Về nội dung chương trình giáo dục, phải được xây dựng lại cho phù hợp với thời đại ngày nay. Tôi rất tâm đắc là phải tích hợp thành ít môn, giảm thời lượng hàn lâm để có thời gian và không gian cho học sinh học tập thực tế vì xã hội ngày nay văn minh, biến đổi không ngừng, thế hệ trẻ Việt Nam phải được phát huy tốt nhất tố chất thông minh để đáp ứng.
Chương trình nặng nề, nhiều môn vốn có đã quá lạc hậu so với thời đại ngày nay. Sự nặng nề ấy vừa làm mệt mỏi cho thầy trò trong quá trình dạy học, nhưng so với yêu cầu cuộc sống thực tế thì lại thiếu thốn quá nhiều những năng lực cần thiết cho học sinh; vừa làm triệt tiêu khả năng sáng tạo của thầy và trò vì không còn thời gian và không gian để hoạt động. Người ta thường nói chỉ số thông minh IQ và cảm xúc EQ của thanh niên Việt Nam thì tuyệt vời, nhưng chỉ số sáng tạo CQ phải báo động là vì vậy.
Khoa học kỹ thuật ngày nay phát triển như vũ bão, muốn cho tuổi trẻ Việt Nam có cơ hội đóng góp vào kho tàng văn minh của nhân loại, nhà trường phải tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận, đam mê nghiên cứu khoa học từ nhỏ, ở tuổi phổ thông. Với cách thi cử đánh giá hiện nay, với hệ thống chương trình và số môn vốn có, thật khó có điều kiện cho học sinh tiếp cận và đam mê nghiên cứu khoa học được!
Thật ra, trong hơn 25 năm qua, dài hơn thời gian kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hơn một phần tư thế kỷ, giáo dục và đào tạo chúng ta đã đổi mới rất nhiều lần, nào là đổi mới tư duy, đổi mới nội dung chương trình, đổi mới phương pháp dạy học... nhưng rồi vẫn chưa đến đâu so với yêu cầu đòi hỏi của một xã hội phát triển, hội nhập... chỉ vì chúng ta chưa có một định hướng tập trung nhất quán và tổ chức thực hiện đồng bộ, đến nơi đến chốn.
Một số ý kiến đề xuất đổi mới, một vài địa phương thực hiện sáng tạo cũng chỉ là những sự tự phát cục bộ, đơn lẻ dù có đem lại một số hiệu quả nhưng không thể tạo nên một nền tảng giáo dục chung vững chắc cho tương lai dân tộc.
Tôi rất chia sẻ là khi nêu được những ý tưởng đổi mới ấy của Lãnh đạo Bộ đã phải trải qua một quá trình trăn trở, đấu tranh, không hề đơn giản, vì công cuộc đổi mới bao giờ cũng bị những thế lực cũ trì kéo. Thế lực ấy là thói quen, sự ngại khó và có cả quyền lợi riêng tư.
Nhưng đổi mới như vậy là tất yếu, không thể khác; đổi mới là phải dấn thân, vượt khó; đổi mới phải có quy trình khoa học với những bước đi tích cực và khả thi. Đặc biệt là phải xác định mẫu người Việt Nam hiện đại làm mục tiêu xây dựng chương trình và các giải pháp giáo dục phù hợp, nâng cao tính triết lý và nhân văn.