Niềm vui giữa đại ngàn

Niềm vui giữa đại ngàn

Niềm vui từ chương trình nhân văn

Thực hiện chương trình do Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phát động, Đồn Biên phòng Cà Ròong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã giúp đỡ nhiều học sinh nghèo dân tộc thiểu số ở vùng biên vươn lên thực hiện ước mơ trong học tập. Việc làm ý nghĩa này đã khẳng định và phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, tình quân dân càng thêm gắn bó keo sơn.

Em Đinh Văn (sinh năm 2009) dân tộc Bru – Vân Kiều, ở bản 51, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, học lớp 5, Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, nhà lại nghèo nên việc đến trường của em giống như một giấc mơ khi được bộ đội biên phòng Cà Ròong giúp đỡ, hỗ trợ.

Mẹ Đinh Văn tâm sự: Hàng ngày đi rẫy chỉ mong có được miếng cơm cho mình, cho con để qua ngày là hạnh phúc lắm rồi. Đinh Văn cũng thương mẹ, tuy còn nhỏ nhưng biết đỡ đần gia đình nhiều việc trong cuộc sống.

Đinh Văn chăm học nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên việc đến lớp cứ lên xuống theo những buổi lang thang kiếm sống giữa rừng. Thương con nhưng chẳng biết phải làm gì, may nhờ các chú bộ đội biên phòng động viên, giúp đỡ nên Đinh Văn đã có thể yên tâm học hành. Mẹ con tôi biết ơn bộ đội biên phòng nhiều lắm.

Hay như em Đinh Mắn (sinh năm 2012) dân tộc Bru – Vân Kiều, ở bản 61, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch cũng có hoàn cảnh tương tự. Nhưng may mắn hơn Đinh Văn, Đinh Mắn có cả bố và mẹ. Cuộc sống ở giữa đại ngàn đầy rẫy những khó khăn, nhiều lần em có ý định bỏ học vì sợ làm khổ gia đình nhưng được sự tiếp sức của bộ đội biên phòng, Đinh Mắn ở lại trường tiếp tục theo đuổi giấc mơ…

Trung uý Trần Hữu Vương – Đội trưởng vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cà Ròong cho biết: “Ban đầu gia đình, người thân của hai em Văn và Mắn không đồng ý cho con về ở trong đơn vị để cán bộ chiến sĩ chăm sóc cho ăn học, vì họ nhớ con. Và hai cháu lúc đầu cũng rụt rè không muốn đi. Nhưng sau khi được chúng tôi tuyên truyền, vận động thì gia đình các cháu cũng đồng ý và động viên nên hai cháu ở lại đơn vị, hiện tại rất ngoan và học giỏi…”.

Những đứa con của người lính

Sống tại đồn biên phòng, Đinh Văn và Đinh Mắn được những người lính chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ và chuyên học hành, thậm chí sinh hoạt như người lính biên phòng thực thụ.

Đinh Văn chia sẻ: Từ khi lên ở đồn biên phòng, cháu nhớ nhà lắm, cũng muốn về với gia đình để làm việc giúp mẹ. Nhưng được các chú, các bác động viên, cháu cố gắng ở lại và phấn đấu học thật giỏi để sau này đi làm kiếm tiền, có thể nuôi mẹ tốt hơn.

Để giúp đỡ các cháu, những người lính biên phòng Đồn Cà Roòng cắt cử cán bộ chiến sĩ kèm cặp việc học, hướng dẫn từ lời ăn tiếng nói và đi lại cũng như tập cho cháu thói quen sinh hoạt trong quân ngũ. Chỉ mấy tháng thôi nhưng Đinh Văn và Đinh Mắn đã quen với cuộc sống, môi trường mới và nụ cười rạng ngời đã nở trên khuôn mặt các em thay cho hình ảnh buồn bã, ủ dột vì nhớ nhà như trước đây.

Không chỉ nhận trường hợp khó khăn làm con nuôi, từ năm 2015 đến nay, Đồn Biên phòng Cà Ròong còn nhận đỡ đầu 5 trường hợp (trong đó có 3 em là người Lào, ở Noọng Ma, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn), gia đình đặc biệt khó khăn có nguy cơ phải bỏ học, với mức hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng.

Cùng với việc hỗ trợ bằng tiền mặt để các em mua sắm sách vở, giấy bút và đồ dùng sinh hoạt, Đồn Biên phòng Cà Ròong còn cử các đoàn viên thường xuyên đến trường cùng giáo viên kèm cặp các em học tập; Đồng thời cử cán bộ chiến sĩ đến từng gia đình giúp đỡ, động viên để các em yên tâm học tập. Nhờ chương trình “Nâng bước em tới trường” hàng năm, các em xóa được mặc cảm về hoàn cảnh để hòa đồng cùng bạn bè đồng trang lứa, đi học chuyên cần và luôn đạt kết quả cao trong học tập.

Trung uý Trần Hữu Vương – Đội trưởng vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cà Ròong cho biết: “Chúng tôi nhận thức đây là một việc làm ý nghĩa thiết thực, giúp đỡ đồng bào bớt đi khó khăn để con em đến trường học tập thật tốt. Chương trình được bà con, cấp ủy chính quyền ghi nhận đánh giá cao. Trong thời gian tới mong muốn chương trình tiếp tục được mở rộng nhằm giúp thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn, để các em được đến trường…”.

Cùng với việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, chương trình “Nâng bước em đến trường” của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng Quảng Bình thực sự ý nghĩa, chắp cánh ước mơ cho các em học sinh nghèo dân tộc thiểu số được đến trường. Việc làm ý nghĩa này càng thắt chặt tình quân dân nơi địa đầu của Tổ quốc và khẳng định truyền thống tốt đẹp của “anh bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ