Buổi giao lưu với sự dẫn chuyện của nhà báo – nhà thơ Lê Minh Quốc, cùng hai vị khách mời là nhà văn Kao Sơn và nhà văn Bùi Quang Lâm được tổ chức tại Đường sách TPHCM (Quận 1).
Sách “Về nơi nguồn cội” dày 208 trang với các nội dung tiêu biểu: Mẹ tôi về làm dâu họ Đái huyện Quảng Xương; Tuổi thơ; Trang ấp của ông ngoại; Trở lại Huế; Ra Hà Nội; Về sống ở trường Chu Văn An; Bố Tôi; Đam mê và liều lĩnh; Mẹ tôi một đời gồng gánh…
Sách là một thiên ký sự về một dòng họ đã trải qua hơn một thế kỷ. Qua đó ghi nhận những đóng góp của các vị đức cao vọng trọng trong dòng tộc cho xã hội và cho dòng họ, cũng chính là lý do tác giả Đới Xuân Việt đặt bút viết ký sự này.
Cuốn sách còn là sự tôn vinh các bậc tiền nhân của tác giả đã có công xây dựng dòng họ, đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội.
Tại buổi giao lưu, nhà văn Đới Xuân Việt cho biết, thông qua dòng họ của mình, ông muốn cho mọi người thấy người Việt Nam ta từ xưa tới nay đều gắn bó máu thịt với quê hương, làng xóm, đều có lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Buổi giao lưu với sự dẫn chuyện của nhà báo - nhà thơ Lê Minh Quốc, cùng hai vị khách mời là nhà văn Kao Sơn và nhà văn Bùi Quang Lâm. |
Mở đầu là vẻ đẹp nên thơ của một làng quê thuần nông được tác giả mô tả với nhiều cảm xúc: “Tôi xa quê đã bảy mươi năm nhưng những gì hương vị quê hương vẫn còn thấm đẫm hồn tôi. Đó là vẻ đẹp một thời của làng quê chiều chiều khói lam xanh tỏa bay trên các mái bếp lợp rơm, rạ.”
Trong truyện, có những đoạn đời, phần đời gắn với nhiều sự kiện lớn của đất nước. Bằng giọng văn chân thật và trân trọng, những vấn đề gai góc, thường rất khó truyền tải suôn sẻ bỗng trở nên đơn giản, dễ chấp nhận.
Với tác giả Đới Xuân Việt: “Tôi chợt nghĩ đến công lao của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở rộng bờ cõi, tạo dựng nên nước Việt Nam hào hùng và tươi đẹp như ngày hôm nay. Do vậy, tôn trọng công lao của của các bậc tiền nhân là phẩm giá của lớp người kế thừa lịch sử.”
Hướng về cội nguồn là tâm tưởng của người Việt từ bao đời nay. Nó luôn nhắc nhở ta sống không quên nguồn gốc của mình, luôn khắc ghi và phát huy truyền thống yêu nước, thương nòi, sống có đạo lý, có trước, có sau.
Giá trị của cuốn sách đã vượt qua giới hạn là một cuốn gia phả, trở thành một cuốn truyện ký sự hấp dẫn.
Đới Xuân Việt, sinh năm 1945 tại Thanh Hóa. Ông là cử nhân kinh tế, cử nhân nghệ thuật điện ảnh và là hội viên của Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà văn TPHCM.
Ông là đạo diễn, tác giả kịch bản của nhiều tác phẩm điện ảnh, truyền hình như: Người đàn bà nghịch cát, Anh chỉ có mình em… và cho các bộ phim tài liệu khoa học: Môi trường Việt Nam đầu thế kỷ 21, Mùa chim di cư, Cây di sản và bản sắc văn hóa Việt Nam…
Ngoài công việc chính là đạo diễn phim, ông còn là tác giả các cuốn sách: Đi qua vừng mặt trời (2019), Anh chỉ có mình em (2020), Hoa Đỗ Quyên nở muộn (2020), Truyền thuyết Nàng Tuyệt Vời (2022)...