Nhà báo Lưu Đình Triều: 'Đời, có yêu tôi?'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - “Đời, có yêu tôi?” của tác giả Lưu Đình Triều ra mắt, hướng tới kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2024).

Tác phẩm “Đời, có yêu tôi?” của tác giả Lưu Đình Triều.
Tác phẩm “Đời, có yêu tôi?” của tác giả Lưu Đình Triều.

Tác phẩm do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành, gồm 18 chương, dày 440 trang là tự truyện về cuộc đời đầy chông chênh của cậu bé Lưu Đình Triều, nay nhìn lại đời mình với cặp mắt từng trải của một nhà báo 70 tuổi.

“Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé mồ côi đứng trước sông Đồng Nai tự vấn: “Ông trời ơi có thương con không?”. Ngày nảy ngày nay, câu tự vấn được sửa lại, trở thành tựa sách Đời, có yêu tôi? vừa xuất bản. Đọc để tìm thấy câu trả lời: Có, có! Không, không!” - nhà báo Lưu Đình Triều giới thiệu về tác phẩm tự truyện của ông.

Chân dung tác giả, nhà báo Lưu Đình Triều.

Chân dung tác giả, nhà báo Lưu Đình Triều.

21 năm mới được gọi tiếng Ba

Vừa mới sinh ra, đời Lưu Đình Triều gắn liền với sự kiện: Hiệp định Đình chiến Triều Tiên được ký kết. Cái tên Lưu Đình Triều cũng từ đó mà thành.

Đất nước chia làm hai miền từ 1954 đến 1975, cũng là 21 năm gia đình ông bị chia cách. Thế nên ông đặt tựa chương 1 tự truyện là: “21 năm mới được gọi tiếng ba”.

Hoàn cảnh gia đình theo vận mệnh đất nước, lúc Lưu Đình Triều hơn 1 tuổi (cuối tháng 9/1954), cha ông là nhà báo cách mạng Lưu Quý Kỳ cùng mẹ ông là bà Bùi Thị Lựu (một đảng viên lai Pháp) nhận lệnh khẩn phải rời khu 9 ra Bắc tập kết.

Nhận nhiệm vụ mà không thể mang theo hai con, bà ngoại tức tốc xuống Cà Mau đón hai đứa nhỏ về Biên Hòa nuôi nấng. “Từ lúc từ biệt ba má, ngoại chỉ dặn tới dặn lui: Ai có hỏi tới thì trả lời ba má chết hết rồi. Hai đứa là con mồ côi được ngoại mang về”, ông Triều nói.

Từ nhỏ, cuộc đời đặt Lưu Đình Triều vào cảnh thiệt thòi, ngang trái. Cậu bé ấy nghĩ thầm, đời có buồn có cực khổ mấy cũng lạc quan sống, duy nhất chỉ có lúc những đứa trẻ trong xóm trêu đùa thân phận” thằng mồ côi” là buồn chịu không thấu.

Triều dẫu đã nghe quen và chai sạn nhưng có lúc vẫn tủi hờn mặc cảm trong im lặng, không khỏi thút thít, buồn tủi, chịu không nổi thì vừa chạy vừa khóc. Biệt danh “thằng Tây lai mít ướt” ra đời từ đó. Thuở 7,8 tuổi, Triều đã lê la đầu đường xó chợ. 13 tuổi đã bỏ bộ bài sau lưng, đi kiếm tiền.

Chiến tranh không những đưa gia đình vào hoàn cảnh chia cách mà còn khiến hai cha con đứng hai bên chiến tuyến.

Khi chiến trường sục sôi, các trường Đại học phải tạm đóng cửa do lệnh tổng động viên, Lưu Đình Triều gác lại chuyện học hành, ra chiến trường khi vừa lên năm thứ hai đại học Luật.

Như lời bà ngoại kể đầy xót xa “Ông trời sao quái ác, đẩy thằng Triều vào cảnh cầm súng chống lại cha mẹ mình”.

Phóng viên Margie Mason (hãng thông tấn Mỹ Associated Press - AP) trong một bài phỏng vấn, cô viết về tâm trạng của Lưu Đình Triều trong ngày 30/04/1975: “Khi Quân Giải phóng đến, Triều được khuyên rời bỏ đất nước. Nhưng anh không muốn chạy trốn. Anh muốn được đoàn tụ với gia đình, điều mà anh khao khát từ thuở ấu thơ. Anh nói: “Tôi sẵn sàng chịu đựng bất cứ điều gì để có thể gặp lại ba má mình”.

Chờ đằng đẵng hơn 21 năm mới được gọi tiếng Ba, lần đầu cha con trùng phùng cũng là lúc ông Lưu Quý Kỳ biết tin con trai từng là sĩ quan Việt Nam cộng hòa. Gặp cha mừng mừng tủi tủi nhưng “khối đá” lý lịch đè nặng trong lòng.

Nhận được sự động viên từ ba “Thôi, thương ba, thương má, từ nay về sau con ra sức học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức lối sống, chuộc lại lỗi lầm”. Kể từ ngày đó, cậu thanh niên mang theo ý chí rèn luyện làm lại cuộc đời, đi theo con đường ba má đã đi.

Đến năm 23 tuổi, Lưu Đình Triều mới được gặp mẹ. Ông nói, lần đầu được nắm lấy bàn tay mẹ, trong lúng túng mà lòng nghẹn ngào. Có những cuộc đoàn tụ mất hết mấy chục năm, chỉ cần được thốt lên hai từ “ba ơi, má ơi” như được bù đắp tất cả.

Một cuộc đời nhà báo

Sau ngày đất nước thống nhất, vừa đi học tập cải tạo về, một người bạn học cũ tìm đến, bảo lãnh xóa quản chế - tạo bước ngoặt quan trọng để Lưu Đình Triều sớm hòa nhập cuộc sống mới.

“Đời chỉ cho cô, chú tìm thấy Triều đúng lúc, ngăn mình trở thành một tên du thủ, du thực để bắt đầu học hành đàng hoàng. Đời lại còn cho Triều sự may mắn, khi bị đẩy ra trận, chỉ dăm ba lần trúng thương mà “nhẹ hều”, ông nói.

"Đời, có yêu tôi?", Lưu Đình Triều luôn hiểu rõ. Dù đời lúc này lúc khác, yêu hoặc không yêu, thì chính mình vẫn cần phải làm chủ đường đi lối rẽ của mình.

GS.TS. Huỳnh Như Phương, nhà phê bình văn học chia sẻ, hoàn cảnh gia đình cùng những vướng víu và nỗ lực cá nhân của Lưu Đình Triều cho thấy bản thân anh cũng là một “nhân vật” tiêu biểu của thế hệ đôi mươi khi đất nước chuyển sang bước ngoặt lịch sử vào năm 1975.

Nghề báo bắt đầu với Lưu Đình Triều khi ông đăng ký thi và trúng tuyển lớp đại học báo chí khóa 3, Trường Tuyên huấn Trung ương I, sau đó ra Hà Nội học vào năm 1979.

Từ năm 1984, ông Lưu Đình Triều chính thức trở thành phóng viên Báo Tuổi Trẻ, lần lượt trải qua các vị trí: phóng viên, trưởng ban, thư ký tòa soạn, tổng thư ký tòa soạn, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, trợ lý Tổng biên tập và về hưu năm 2014.

“Tôi đã đặt được bước chân đầu tiên của mình lên dấu chân mà ba má tôi đã đi. Rồi dù trắc trở, gập ghềnh, tôi cũng vào được trường báo, rồi trở thành nhà báo. Đúng là tôi đã thực sự đổi đời. Cũng trên hành trình làm báo đó, dần dà tôi lại được "gần" hơn với ba tôi. Nhìn lại số phận gập ghềnh của mình, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì cuối cùng tôi cũng đi được vào con đường làm báo như ba tôi. Nói một cách văn chương thì tôi đã được đoàn tụ phần hồn với ông” - Lưu Đình Triều bộc bạch.

Trong đời riêng, với số phận éo le của anh và người cha là nhà báo lừng danh Lưu Quý Kỳ đã trở thành nhân vật điển hình trong một giai đoạn lịch sử điển hình của đất nước: cha và con đứng hai chiến tuyến. Do đó, khi đọc tự truyện này cũng là lúc chúng ta cảm nhận được sự “lột xác” kỳ thú, nghị lực “đổi đời” của một số phận tiêu biểu trong dòng chảy của thời cuộc, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ về ông Triều.

Tác giả Lưu Đình Triều, sinh năm 1953, nguyên Tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Hiện là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Các tác phẩm riêng đã xuất bản: Bật một que diêm (2009), Tổ quốc không có nơi xa (2011), Tung tăng tung tẩy... trời Tây (2021), Đời, có yêu tôi? (2024).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mơ thấy chồng ngoại tình tốt hay xấu?

Mơ thấy chồng ngoại tình tốt hay xấu?

GD&TĐ - Theo chuyên gia tâm lý, mơ thấy ngoại tình có thể là lời cảnh tỉnh về những vấn đề tiềm ẩn trong mối quan hệ hoặc lo lắng, bất an về chính bản thân.
Huỳnh Như giữ lời hứa với Lank FC

Huỳnh Như giữ lời hứa với Lank FC

GD&TĐ - Hầu hết các đồng đội đã khăn gói ra đi sau khi Lank FC khủng hoảng tài chính nhưng Huỳnh Như vẫn giữ lời hứa với đội bóng Bồ Đào Nha.