Tọa đàm có sự tham dự của Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia – nhà quản lý, nhà kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản, du lịch lớn, phóng viên các cơ quan báo chí – truyền hình.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, bất động sản du lịch hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế, tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh các bộ, ngành và địa phương đang tích cực thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong trung và dài hạn, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là khu vực ven biển sẽ vẫn là điểm sáng của thị trường.
Đồng quan điểm, chia sẻ tại Tọa đàm, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, thị trường bất động sản du lịch Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng và triển vọng khả quan, do lợi ích của loại hình này đã được ghi nhận trên thế giới; do sự mở cửa và phát triển kinh tế; do nhiều lợi thế điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch; do dân số Việt Nam ngày càng tăng về quy mô, cải thiện về thu nhập và nhu cầu nâng cao chất lượng sống và đặc biệt là sự bùng nổ lượng khách du lịch quốc tế và trong nước; sự thay đổi nhu cầu trải nghiệm hưởng thụ cuộc sống và sự phát triển của hàng không giá rẻ…
Quang cảnh Tọa đàm |
Hiện nay, một số chủ đầu tư đã tiên phong nhập cuộc và sẵn sàng kiến tạo các loại hình sản phẩm mới, kết hợp các xu hướng mới vào dự án trong tương lai, hướng tới đa trải nghiệm cho khách hàng và tạo ra “dấu ấn riêng” cho dự án. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư vào các thị trường mới đang lan rộng với sự dẫn dắt của các nhà phát triển du lịch, các doanh nghiệp lớn tiên phong.
Thay vì lướt sóng, nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm cơ hội dài hạn tại những tổ hợp bất động sản du lịch lớn, sở hữu hệ sinh thái tiện ích hoàn thiện, có lợi thế phát triển kinh tế vùng theo hướng bền vững, nhằm đảm bảo cho khoản đầu tư gia tăng giá trị trong tương lai. Có một nguyên tắc là, chỉ khi dự án vận hành tốt, tỷ lệ lấp đầy phòng cao, các nhà đầu tư mới có cơ sở kỳ vọng về dòng lợi nhuận thu về.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nửa cuối năm 2018 cho đến nay, thị trường bất động sản du lịch đã xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp tập trung phát triển các dự án bất động sản du lịch theo mô hình phức hợp, gắn đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú, mua sắm, thể thao, giải trí trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu một điểm đến cho tất cả (All - in - one) của du khách.
Trong đó, có các dự án bất động sản du lịch tích hợp “tất cả trong một” theo mô hình đầu tư ApartHotel tạo ra những điểm đến mới hấp dẫn du khách. ApartHotel kết hợp giữa dịch vụ, tiện ích của khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 5 sao và tiện nghi của một căn hộ cao cấp. Với mô hình này, du khách không chỉ tới các điểm đến để ăn, ngủ, ngắm cảnh mà còn được trải nghiệm những hoạt động giải trí, thể thao mới lạ…
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Hữu Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Crystal Bay cho biết: Mô hình “All - in - one” đã rất thành công trên thế giới, qua những dự án thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm như: Sentosa – Singapore, Genting – Malaysia, The Plam Atlantic of DuBai - UAE… Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Các dự án All in one được đầu tư để cạnh tranh, thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, giúp du khách thỏa mãn các nhu cầu nghỉ dưỡng – trải nghiệm – khám phá – giải trí, từ đó du khách sẽ lưu trú nhiều ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn và sẽ trở lại lần 2, thậm chí nhiều lần hơn.
Đây là hướng đi tất yếu của chiến lược phát triển du lịch, định hình nên cách phát triển bất động sản du lịch. Việt Nam đứng trước cơ hội to lớn để trở thành điểm đến mới của châu Á và thế giới. Nhưng đâu đó vẫn còn điểm cần kiện toàn để hoàn chỉnh hệ sinh thái du lịch quốc gia. Chúng tôi đang theo đuổi và đầu tư vào phân khúc du lịch, bất động sản du lịch cao cấp tích hợp tiện ích dịch vụ quy mô lớn để lấp vào khoảng trống của thị trường du lịch Việt Nam… Trong tương lai không xa, tour du lịch giá rẻ “tour 0 đồng” sẽ dần mất thị phần. Thay thế vào đó là các tour du lịch cao cấp, kết hợp nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá, giải trí.
Tham luận tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng cho rằng, trong xu thế hội nhập, các doanh nghiệp bất động sản trong nước đã tìm ra nhiều giải pháp giải quyết những tồn tại của thị trường và chính sách vĩ mô. Đơn cử như mô hình tổ hợp giải trí du lịch, nghỉ dưỡng với căn hộ du lịch (theo tiêu chuẩn xây dựng khách sạn 5 sao quốc tế và được bán, kinh doanh theo Luật Kinh doanh bất động sản) dù mới xuất hiện nhưng đã tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường nhờ những tiện ích vượt trội. Sản phẩm căn hộ theo mô hình này được luật pháp cho phép. Khi đầu tư căn hộ này, nhà đầu tư được cấp sổ hồng, sổ đỏ theo quy định của Luật Đất đai. Tại Việt Nam, mô hình này xuất hiện chưa nhiều nhưng đã khẳng định những ưu việt của nó. Các dự án theo mô hình này thu hút nhà đầu tư vì giải quyết được vướng mắc về quyền sở hữu cho nhà đầu tư.
Về xu hướng ủy thác quản lý bất động sản du lịch ở Việt Nam, các chuyên gia đánh giá rất có triển vọng, không chỉ bởi sự cộng hưởng lợi ích, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế chia sẻ trên thế giới, mà còn nhận được xung lực tích cực mới bởi những quan điểm, mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế chia sẻ do Chính phủ.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã tập trung bàn thảo và làm rõ một số khía cạnh như: Bức tranh tổng quan về thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, tiềm năng và những cơ hội của thị trường hiện tại và tương lai; những xu hướng mới của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, trong đó, nhấn mạnh và phân tích các mô hình hệ sinh thái đã và đang triển khai trên thực tế tạo đột phá cho bất động sản du lịch, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm vươn tầm thế giới; những kinh nghiệm, kỹ năng khi đầu tư vào loại hình bất động sản du lịch mới.
Cách thức nhận diện chủ đầu tư uy tín, định hướng và chiến lược đầu tư cho khách hàng; đề xuất các kiến nghị, giải pháp phát triển các loại hình mới nói riêng và thị trường bất động sản du lịch nói chung.