Trong khi các nước đang chống đỡ với loại virus Covid-19 biến chủng này thì các chuyên gia cảnh báo ổ dịch Indonesia có thể sẽ sinh ra một loại biến chủng mới còn nguy hiểm hơn.
Sau hơn một năm lây lan khắp thế giới, loại virus lần đầu xuất hiện từ Vũ Hán đã tạo ra hàng ngàn biến chủng khác nhau. Trong số này có 4 biến chủng phổ biến nhất có mức độ lây lan mạnh hơn gấp nhiều lần so với virus gốc. Đó là các biến chủng được WHO đặt tên là Alpha, Beta, Gamma và Delta, xuất hiện lần lượt tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ.
Đặc điểm chung của các biến chủng trên là chúng được sinh ra từ các ổ dịch lớn nhất thế giới, nơi virus lây lan ngoài tầm kiểm soát trong suốt một thời gian dài. Nói cách khác theo các chuyên gia thì những ổ dịch có số ca mắc lớn và kéo dài này chính là “vườn ươm” có đầy đủ điều kiện để tạo ra các loại biến chủng virus mới với mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng.
Dựa trên các mô hình xuất hiện biến chủng trước đây, cộng với kinh nghiệm phân tích và hiện trạng lây nhiễm, các chuyên gia dịch tễ quốc tế cảnh báo ổ dịch Indonesia đang có nguy cơ lớn sẽ trở thành “vườn ươm” tạo ra một loại biến chủng virus mới.
Theo quy luật, nếu biến chủng này xuất hiện thì nó sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với biến chủng hoành hành dữ dội nhất hiện nay là Delta.
Trong tuần qua, Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil trở thành ổ dịch có số ca nhiễm trong ngày cao nhất thế giới, với trung bình gần 50.000 ca dương tính và gần 1.500 ca tử vong mới.
Theo tiêu chuẩn của WHO, ở đâu có hơn 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính thì làn sóng dịch đó đã vượt tầm kiểm soát, trong khi đó tỷ lệ này tại Indonesia đã lên đến gần 30% trong đợt dịch hiện nay.
Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại Indonesia đang làm gia tăng mối lo ngại sẽ xuất hiện một biến thể mới nguy hiểm. Các chuyên gia y tế Indonesia hiện khẳng định chưa phát hiện biến thể mới nào nhưng họ không phủ nhận nguy cơ do các chuyên gia quốc tế cảnh báo.
Giới chức Indonesia đang cho theo dõi chặt chẽ để có thể xác định biến thể mới ngay khi chúng xuất hiện.
Tiến sỹ Stuart Ray thuộc Đại học Y khoa Johns Hopkins (Mỹ) cho biết, các virus liên tục biến đổi thông qua các đột biến trong chuỗi gen di truyền của chúng để tạo ra biến chủng mạnh hơn.
Sự thay đổi và tiến hóa này nằm trong bản chất tự nhiên của virus chứa gen di truyền RNA. Do đó, việc xuất hiện liên tục của các biến chủng là điều hoàn toàn bình thường trong dịch tễ học.
Các biến chủng virus xuất hiện theo cơ chế trên liên tục sinh ra rồi biến mất, chỉ có các biến chủng nào có khả năng lây nhiễm cao đột biến và gây nguy cơ tử vong cao bất thường cho người bệnh thì WHO mới cho đặt tên và xếp vào nhóm các biến chủng đáng lo ngại tương tự như Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Tình hình tại Indonesia hiện nay được đánh giá khá giống làn sóng dịch vừa qua tại Ấn Độ với tỷ lệ lây nhiễm cao trong khi tỷ lệ tiêm chủng thấp. Đây chính là cơ sở để các chuyên gia dự báo sẽ là nơi xuất hiện loại biến chủng mới được WHO gọi tên.
Nguy cơ các ổ dịch lớn như Indonesia có thể trở thành “vườn ươm” biến chủng cũng là bằng chứng cho thấy, cả thế giới chưa thể thoát dịch nếu vẫn còn một quốc gia nào đó đang là ổ dịch dai dẳng.