Thời tiết các tỉnh miền Bắc đang rét đậm, không khí ẩm ướt. Đây là “cơ hội vàng” để virus, vi khuẩn tấn công hệ miễn dịch cơ thể. Các bác sĩ cảnh báo người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Vi khuẩn có khả năng chống lại hàng rào vật lý
Trời trở lạnh tại miền Bắc đang gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người dân, đặc biệt là với người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… Do sức đề kháng kém nên những nhóm người này dễ bị nhiễm bệnh. Đây cũng là thời điểm nhiều người mắc các vấn đề về đường hô hấp.
BSCKI Vũ Thanh Tuấn - Chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - cho biết, viêm đường hô hấp trên là một loại bệnh lý phổ biến. Bệnh có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào, phổ biến nhất là khi giao mùa, trời vào thu hoặc đông.
Nguyên nhân chính của bệnh thường là do sự xâm lấn của những loại virus hoặc các vi khuẩn vào trong vùng niêm mạc của đường hô hấp trên.
“Để gây bệnh, những tác nhân này cần phải vượt qua được rất nhiều hàng rào vật lý cùng hệ miễn dịch của cơ thể. Phần lông ở trên niêm mạc mũi chính là lớp hàng rào đầu tiên bẫy những yếu tố có hại này. Bên cạnh đó, lớp nhầy có ở trong lòng mũi cũng có thể bắt giữ được các vi khuẩn và virus khi tấn công vào cơ thể”, bác sĩ Tuấn giải thích.
Các tổ chức nhung mao có ở phế quản di chuyển ngược lên phía trên của hầu họng nhằm tống khứ vật thể lạ có thể đi vào trong đường tiêu hóa. Bên cạnh các hàng rào vật lý trong cơ thể, hệ miễn dịch cũng là một lá chắn để bảo vệ sức khỏe của con người tránh khỏi xâm nhập gây hại vào đường hô hấp trên.
Trong đó, VA và amidan là những cơ quan miễn dịch có khả năng chống lại sự tấn công của virus và vi khuẩn. Những hoạt động chuyên biệt của các tế bào, kháng thể và cả hoạt chất trong hạch bạch huyết sẽ tấn công, tiêu diệt những vật thể xâm nhập.
Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn cho biết, những virus và vi khuẩn này cũng tồn tại một cơ chế có thể chống lại hàng rào vật lý bên trong cơ thể. Chúng sẽ sản sinh ra những chất độc nhằm điều chỉnh hệ thống phòng ngự bên trong cơ thể. Chúng cũng có thể biến đổi hình dạng, cấu trúc của các protein được bao bọc ở bên ngoài. Từ đó, nhằm tránh bị hệ miễn dịch trong cơ thể phát hiện.
Những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang gặp nguy hiểm
“Để phòng tránh và bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp trên, người dân được khuyến cáo rửa tay và vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên. Đặc biệt là rửa tay khi trời trở lạnh, hoặc sau khi tiếp xúc trực tiếp với người mang bệnh. Người dân nên vệ sinh sạch sẽ các vật dụng và đồ dùng cá nhân, đồ dùng chung để loại bỏ các tác nhân gây bệnh”.
Những triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh viêm đường hô hấp trên gồm nghẹt mũi, chảy nước mũi, thường xuyên hắt hơi. Người bệnh cũng sẽ cảm thấy đau rát họng, đau cổ họng khi nuốt, ho nhiều.
Một vài triệu chứng khác ít thấy hơn gồm: Khó thở, bị đau ở vùng xoang, ngứa mắt và chảy nước mắt, buồn nôn, tiêu chảy...
Những triệu chứng này thường diễn ra trong khoảng từ 3 - 14 ngày. Trong trường hợp chúng kéo dài hơn thời gian trên, có thể là người mắc đang bị một số căn bệnh như viêm dị ứng, bị viêm phổi hoặc bị viêm phế quản.
Với bệnh viêm thanh quản do virus gây nên, người bệnh sẽ bị khàn, mất tiếng vì dây thanh âm đang viêm nhiễm và phù nề. Theo bác sĩ Tuấn, bệnh có thể giảm sau khoảng 5 - 6 ngày và tự biến mất trong khoảng 2 tuần sau đó. Dù những triệu chứng của bệnh không quá nặng, nhưng chúng cũng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
“Nếu đồng nhiễm với tình trạng viêm đường hô hấp dưới, bệnh sẽ nghiêm trọng hơn. Một số trường hợp nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Đối với những người bị mắc bệnh ở thể nặng, vi khuẩn gây bệnh cũng có thể làm xuất hiện một số biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, viêm cơ tim hoặc viêm cầu thận cấp”, bác sĩ Tuấn cảnh báo.