Những vầng trăng yêu thương

GD&TĐ - Tại những bản làng dân tộc thiểu số heo hút miền núi rẻo cao, tiếng trống lân rộn ràng đã đem niềm vui đến cho trẻ nhỏ.

Chương trình “Vầng trăng yêu thương” ở Cam Lâm, Con Cuông, Nghệ An.
Chương trình “Vầng trăng yêu thương” ở Cam Lâm, Con Cuông, Nghệ An.

Những ánh mắt trẻ thơ háo hức theo dõi tiểu phẩm do “chú Cuội”, “chị Hằng Nga” biểu hiễn, say mê với tiết mục múa lân. Đêm hội Trung thu ở điểm trường lẻ được các đội, nhóm thiện nguyện phối hợp với nhà trường quan tâm tổ chức.

Trung thu ở bản xa

Lần đầu tiên, những đứa trẻ tại bản Na Kho được tham gia chương trình Trung thu do xã Nga My (huyện Tương Dương, Nghệ An) tổ chức. Các em háo hức với tiết mục văn nghệ, chơi trò chơi, phá cỗ Trung thu và nhiều bánh kẹo, đèn ông sao…

Ông Kha Văn Lập - Bí thư Đảng ủy xã Nga My cho biết: Na Kho là bản đặc biệt khó khăn, 100% bà con người Thái, cách trung tâm xã gần 20km đường đèo dốc đá. Vì vậy, cuộc sống của người dân, học sinh khá biệt lập, ít giao lưu với bên ngoài.

“Những năm trước đây, chương trình Tết, lễ hội… trên địa bàn thường được tổ chức tại trung tâm xã để người dân các bản tập trung. Tuy nhiên, năm nay, chúng tôi quyết đưa Trung thu về Na Kho – một trong 2 bản xa xôi, khó khăn nhất. Dù quá trình chuẩn bị, di chuyển vất vả, nhưng đem lại nhiều niềm vui cho trẻ em, bà con dân bản”, ông Kha Văn Lập nói.

Dịp Tết Trung thu, xã Nga My cũng trao 40 suất học bổng cho các em hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập và rèn luyện. Ngoài chương trình điểm được tổ chức tại bản Na Kho, quà Trung thu cũng được xã Nga My giao cho từng bản linh hoạt tổ chức. Cùng đó, các trường mầm non, dân tộc bán trú tiểu học, THCS cũng tổ chức vui đêm Trung thu cho học sinh.

Những ngày qua, thời tiết tại huyện Tương Dương (Nghệ An) liên tục mưa lớn nhưng các cô giáo Trường Mầm non Yên Na vẫn tranh thủ thời gian đi xin quà cho trẻ. Có chủ cửa hàng tạp hóa tặng mì tôm, bánh kẹo, nơi ủng hộ sữa, có phụ huynh góp thêm hoa quả… Tất cả được nhà trường gom lại và tổ chức chương trình liên hoan ấm áp, ý nghĩa. Các cô giáo còn chuẩn bị tiết mục múa lân “cây nhà lá vườn”, với sự tham gia của trẻ để tạo không khí rộn ràng, phấn khởi.

Cô Lê Thị Hải (Trường Mầm non Yên Na) chia sẻ, học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chưa hiểu và biết thế nào là Trung thu. Nhà trường tổ chức chương trình Đêm hội trăng rằm, vừa để trẻ vui chơi, hoạt động, đồng thời lồng ghép kể chuyện, giới thiệu ý nghĩa ngày Trung thu. Điều cảm động, dù đời sống người dân Yên Na vất vả, thiếu thốn, nhưng khi nhà trường kêu gọi, bà con dân bản, phụ huynh đều chung lòng, góp sức ủng hộ chương trình. Mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, phụ huynh cũng gần gũi, gắn bó hơn.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS liên xã Đắc Pring - Đắc Pre (Nam Giang, Quảng Nam) có ngày hội thật đáng nhớ với chương trình Trung thu yêu thương mùa biên giới. Ngoài tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, học sinh còn được tham gia các trò chơi tập thể vui nhộn, phá cỗ Trung thu, xem múa lân…

Chương trình cũng trao 40 suất học bổng, 3 xe đạp cho học sinh nghèo, học giỏi; tặng quà 10 học sinh thuộc dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” và mô hình “Mẹ đỡ đầu”; tặng gần 400 phần quà gồm bánh kẹo, sữa, vở, chăn, áo ấm cho học sinh của trường.

Các cô giáo Trường Mầm non Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An chuẩn bị tổ chức trung thu cho trẻ.

Các cô giáo Trường Mầm non Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An chuẩn bị tổ chức trung thu cho trẻ.

Để những cánh sao tươi màu

Em Hồ Cường - học sinh Trường Tiểu học Trà Sơn (Trà Bồng, Quảng Ngãi) nhìn không chớp mắt theo từng bước di chuyển của đầu lân. Gần 260 trẻ em đồng bào Cor ở thôn Sơn Bàn, xã Trà Sơn (Trà Bồng, Quảng Ngãi) cùng ồ lên thú vị khi đoàn lân nằm phủ phục mặt đất rồi thoắt cái leo tít lên cao.

Bé Hồ Thị Yên thì xoay mãi chiếc đèn lồng kỳ diệu, vừa có nhạc lại có hình ảnh chuyển động, nhấp nháy đổi màu… Sau màn xem múa lân, Cường, Yên và các bạn còn tham gia phá cỗ Trung thu, ăn gà rán, có bánh kẹo và cặp sách mới mang về.

Trung thu 2023 do nhóm thiện nguyện FQng và nhà hảo tâm chung tay tổ chức có lẽ trở thành kỷ niệm đáng nhớ của các em nhỏ thôn Trà Sơn với nhiều nụ cười. Trẻ em ở xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An, Quảng Nam) cũng có một đêm hội trăng rằm đầy sắc màu do Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm phối hợp Liên đoàn Vovinam - Việt võ đạo Hà Nội tổ chức.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) có 3 điểm trường thôn tổ chức Trung thu sớm. Thầy Trương Công Một - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những năm trước, chúng tôi gửi bánh kẹo để các thầy cô đứng điểm tổ chức cho học sinh. Nhưng năm nay, nhà trường chủ động liên hệ với các đội nhóm để tổ chức hoạt động vui chơi, phá cỗ ngay tại điểm trường lẻ. Điều đó vừa tạo niềm vui, giúp các em gắn bó với trường, lớp đồng thời gieo vào học sinh ước mơ khám phá không gian bên ngoài bản làng để có thể vươn cao, xa hơn”.

Vừa qua, chương trình “Vầng trăng yêu thương” được Câu lạc bộ Liên quân Báo chí Nghệ An, Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An cùng các nhà tài trợ đồng hành, tổ chức cho gần 1 nghìn học sinh, trẻ em người dân tộc Thái tại Trường Tiểu học Cam Lâm, huyện Con Cuông (Nghệ An).

Cam Lâm là xã vùng sâu xa, nơi sinh sống của 99% đồng bào dân tộc Thái. Chỉ cách trung tâm huyện 20km, nhưng các bản của xã chỉ có thể nối với đường quốc lộ 7 bằng chiếc cầu treo bắc qua sông Lam. Đường vào bản chủ yếu dốc đá, đến nay tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn hơn 71%.

Đời sống kinh tế - xã hội khó khăn ảnh hưởng đến giáo dục. Học sinh đến trường còn thiếu trang thiết bị học tập, quần áo ấm, đặc biệt là những mưu cầu về văn hóa. Một chương trình Trung thu đầy đủ, ý nghĩa là điều còn xa lạ với nhiều học sinh Cam Lâm.

Đến phá cỗ, rước đèn, em Vi Su In - học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Cam Lâm háo hức nói: “Cháu chưa bao giờ đón Trung thu to như hôm nay, có nhiều bánh kẹo, quà. Cháu mong năm nào cũng được tham gia Trung thu vui thế này cùng các bạn”.

“Đây là chương trình Trung thu lớn nhất trên địa bàn mà từ trước đến nay trẻ em địa phương được tham gia. Chúng tôi cảm ơn Câu lạc bộ Liên quân Báo chí Nghệ An và các đơn vị tài trợ đã mang đến cho con em mảnh đất khó Cam Lâm một mùa Trung thu ý nghĩa”, ông Ngân Văn Kỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Lâm chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.