Những vần thơ nhớ về một thời khói lửa

GD&TĐ - Đã 46 năm trôi qua, kể từ khi Đất nước thống nhất nhưng những vần thơ về chiến tranh, về người lính và tình yêu Đất nước luôn vang vọng trong lòng bạn đọc trong những ngày tháng Tư lịch sử.  

Đoàn xe trên đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu
Đoàn xe trên đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Với một đội ngũ đông đảo, các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã sáng tạo ra nhiều thi phẩm để tiếp nối mạch nguồn thơ dân tộc. Cứ mỗi dịp kỷ niệm 30/4 những vần thơ ấy lại ngân rung trong lòng người đọc như nhắc nhở nhau về một thời khói lửa không quên. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này tôi xin điểm lại một số cung bậc cảm xúc trong sáng tác của Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu - những gương mặt thơ ca quen thuộc với các thầy cô giáo và các em học sinh trong nhà trường.

Có thể nói cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra vô cùng ác liệt với bao khó khăn, gian khổ và mất mát hy sinh. Điều đó được ghi lại trong những vần thơ của chính những nhà thơ -  chiến sĩ, họ là những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu nơi chiến trường ác liệt.  Phạm Tiến Duật - được mệnh danh là con chim lửa, ngọn lửa đèn của Trường Sơn, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học, ông đã hăng hái lên đường nhập ngũ và có mặt trên tuyến đường Trường Sơn giữa những thời điểm cam go, khốc liệt của cuộc chiến tranh.

Bài thơ “Lửa đèn” ra đời trong những ngày chiến tranh ác liệt ở Trường Sơn,  mặc dù gió thổi tắt đèn nhưng vẫn có một ngọn đèn trong tim mỗi người được truyền lại từ hàng ngàn năm qua với bao thế hệ, ngọn đèn hay đó là ý chí, niểm tin.  Chính ngọn đèn đó soi sáng đoàn thanh niên xung phong sửa đường, dù khói lửa đạn bom còn khét nhưng tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương, cho từng đoàn quân ra mặt trận mỗi đêm: Loé ánh lửa,/Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa/Trên đất nước đêm đêm/ Sáng những ngọn đèn/ Mang lửa từ nghìn năm về trước/ Đêm tắt lửa trên đường/ Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch/Là tiếng những đoàn quân xung kích/ Đi qua.

Giữa trận địa hiểm nguy có khi quân ta dùng chiến thuật thắp đèn nhằm nhử kẻ thù như những sáng tạo trong chiến đấu. Hình ảnh lửa đèn, ngọn đèn cứ trở đi trở lại trong thi phẩm như một tín hiệu thẩm mỹ để từ đó người đọc nhận ra bao lớp lang ý nghĩa. Lửa đèn có trong trái tim mỗi người như trái tim trong mỗi chiếc xe ra trận khi:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Ta Thắp đèn lên trên đỉnh núi

Gọi quân thù đem bom đến dội

Cho đá lở đá lăn

Lấy đá xây cầu, lấy đá sửa đường tàu

Ta bật đèn pha ôtô trong chớp loè ánh đạn

Rồi tắt đèn quay xe

Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi...

Cũng ghi lại những ngày chiến đấu ác liệt đó, Thanh Thảo đã nói về thế hệ mình qua những mất mát, đau thương, Bài thơ của một người lính nói về thế hệ mình được nhà thơ viết ngay trong những ngày ác liệt nhất của cuộc chiến tại chiến trường Đông Nam bộ, những bưng biền Đồng Tháp. Bài thơ nhắc lại một kỉ niệm hai bạn thân gặp nhau nơi chiến trường khói lửa, họ trải tấm nilong nằm đất ngay nơi chiều vừa hứng ba trận B52, những hố bom không thể đếm hết. Họ là những chàng trai rất trẻ nhưng đã thắp ngọn lửa của chính mình để soi đường đi tới, họ đã trải qua vô vàn gian khổ, hiểm nguy nhưng chẳng khi nào nản chí, sờn lòng:

Đôi lúc ngẩn người một ráng đỏ chiều xa

Quên đời mình thêm tuổi

Chân dép lốp đạp mòn trăm ngọn núi

Mà không hề rợp bóng xuống tương lai

Sau trận rải bom trên kênh Bằng Lăng, Thanh Thảo đã chứng kiến tận cùng sự khốc liệt của chiến tranh khi thấy quê hương không còn nguyên vẹn, những dề xăng, những trái bình bát cùng  những gương mặt đồng đội mình trôi đặc trên kênh: Và tôi thấy/ trôi qua mặt mình bao nhiêu gương mặt/ những bạn bè quen những bạn bè chưa gặp/ trẻ măng/ loang loáng theo con nước/ tủa về những đồng sâu/ hun hút/ buổi chiều.

Nói về thế hệ mình nhưng Thanh Thảo cũng luôn nhắc nhở họ không sống bằng kỷ niệm, bằng hào quang có sẵn mà bằng sự “vô tư như gió chướng trong lành”. Họ đã đi rất nhiều, đã để lại dấu chân qua trảng cỏ, những dấu chân nhỏ nhoi, âm thầm nhưng vẫn vượt lên thời gian để “Cho người sau biết đường ra chiến trường”

Cuộc đời trải mút mắt ta

Lối mòn nhỏ cũng dẫn ra chiến trường

Những người sốt rét đang cơn

Dấu chân bấm xuống đường trơn, có nhoè?...

                                   (Dấu chân qua trảng cỏ)

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu - một trong những gương mặt thơ tiêu biểu trưởng thành trong khói lửa đạn bom, ông nhập ngũ năm 1966 và có mặt ở chiến trường trong những ngày ác liệt ấy. Nhắc đến những đau thương, mất mát trong chiến tranh không thể không kể đến bài thơ Bảy vầng trăng khuyết của ông. Bài thơ được sáng tác năm 1969 tại rừng Trường Sơn, khi nói về sự hi sinh của những nữ thanh niên xung phong ta thường hay nghĩ tới những hi sinh ở Đồng Lộc, Truông Bồn, hang Tám Cô… nhưng còn biết bao sự hy sinh thầm lặng, vô danh nơi chiến trường. Bài thơ Bảy vầng trăng khuyết được triển khai từ sự hy sinh của bảy nữ thanh niên xung phong và đặt những giả thiết về bảy chàng trai, bảy người yêu của các cô để từ đó gợi nên những nhói đau nơi lòng người đọc.

Binh trạm Trường Sơn năm Sáu chín

Có bảy người con gái trúng bom

Đám tang họ không ai đưa tiễn

Giữa rừng chiều ngổn ngang núi non 

Những khuôn mặt lấm lem

không bàn tay vuốt mắt

Bảy chàng trai của các cô đâu ?

Bảy chàng trai năm chiến tranh khốc liệt

Sao biết được người yêu mình đã chết?

Họ hy sinh khi còn rất trẻ, không kịp trối trăng gì, không có người vuốt mắt, không người thân đưa tiễn và tất nhiên những hố bom hóa nấm mồ chung. Nếu không có chiến tranh bảy cô gái ấy cùng bảy chàng trai nào đó đã thành đôi thành lứa hạnh phúc như bao người.

Đám tang vắng bảy chàng trai ấy

Vắng trắng hoa rừng, vắng nước mắt ngày ngâu

Bảy cuộc chiến tranh, bảy vầng trăng khuyết

Một nấm mồ chìm khuất giữa rừng sâu...

Bên cạnh những đau thương, mất mát các nhà thơ cũng ghi lại những thời khắc tột cùng hạnh phúc khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Có thể nói đó là thời điểm cả dân tộc vỡ òa cảm xúc khi chúng ta đi tới đích cuối cùng sau một chặng đường dài với bao sức người sức của. Hữu Thỉnh - nhà thơ, chiến sĩ đã tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam từ 1964 với rất nhiều trận đánh, ông cũng có mặt trong trận chiến cuối cùng để tiến vào dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975.

Niềm vui ấy được Hữu Thỉnh ghi lại trong bài thơ Bữa cơm chiều trong dinh Độc lập. Đó là khoảng ngưng lặng đầy cảm xúc sau những ngày thần tốc hành quân, họ có bữa cơm chiều thảnh thơi sau bao ngày băng rừng, vượt suối, lấm lem bùn đất. Bữa cơm bình dị với Rau muống xanh như hái ở ao nhà, ăn bữa cơm ở đích cuối cùng ai cũng vui, cũng thấy ấm cúng dường như không còn thiết ăn, thiết cầm đũa mà chỉ thấy niềm vui tràn ra trên khuôn mặt mọi người khi thấy Tự do xanh quá, mênh mông quá, ai cũng như thấy mình trẻ lại trong những giờ khắc đong đầy cảm xúc: Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm/ Ta reo trời đất cũng reo cùng. Một điều đáng nhớ trong bài thơ là chi tiết anh nuôi còn bận chia phần cơm cho tổng thống ngụy đầu hàng, một dân tộc không chỉ biết yêu hòa bình mà còn bao dung, độ lượng với kẻ ở phía bên kia.

Niêm vui chiến thắng cũng được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu ghi lại trong bài thơ Ngày 30 tháng 4. Những người lính tiến vào thành phố sau chặng dài hành quân vất vả, họ lạ lẫm trước sắc màu thành phố với những khuôn mặt chưa xóa hết nhọc nhằn, họ không ngờ thời khắc đã đến:

Ngày 30 tháng 4

Sáng chúng tôi dồn đạn vào nòng

Chiều xanh trời ngẩng mặt đón trời xanh

Hoà bình và chiến tranh

Cách nhau bằng nấc đạn

Súng đã khoá an toàn

Và từ đây đất nước sẽ thống nhất, Bắc Nam nối liền một dải, cha con, vợ chồng đoàn tụ, những người lính có giây phút thảnh thơi nhất cuộc đời khi chia nhau điếu thuốc trong hòa bình: Võng đung đưa /Nhà gác sáng đèn/ Hạnh phúc lớn lao của đời người lính/ Sau tháng năm xa phố, ở rừng.

Hôm nay, được sống trong hòa bình chúng ta càng thêm trân quý giá trị của hòa bình và đừng quên những mất mát, đau thương trong quá khứ. Những vần thơ đó còn ngân vang làm rung động bao người đọc và nhắc nhở mỗi chúng ta hãy sống xứng đáng với hy sinh, mất mát và không ngừng lao động, học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ