Chủ đề của Hội thơ năm nay là “Đất nước – Cánh buồm xuân”. Lễ hội diễn ra song song ở 2 sân gồm: Sân thơ chính và Sân thơ trẻ - kết hợp thơ thiếu nhi. Bên cạnh đó là 26 câu lạc bộ thơ của các địa phương.
Vinh danh “Đất nước - Cánh buồm xuân”:
Như mọi năm, sân Văn Miếu hôm nay cũng đồng thời diễn ra hoạt động tôn vinh thơ của hai phần: Sân thơ truyền thống và sân thơ trẻ. Sân thơ truyền thống với chủ đề "Đất nước- Cánh buồm Xuân" đông nghịt người. Có rất nhiều tác giả và người yêu thơ đến đây từ các vùng miền trên cả nước.
“Tôi chỉ ước ao mỗi năm được đến dự Lễ hội thơ Nguyên tiêu một lần”- Bà Ng. H (ở Bình Lục, Nam Hà) may mắn có chỗ ngồi tạm trên vỉa sân thơ truyền thống tâm sự sau khi trầm trồ bởi nghe xong nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đọc xong liên khúc thơ về chủ đề biển đảo quê hương bày tỏ sự mong muốn.
Phông sân khấu năm nay là một bức tranh sơn dầu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với hình mặt trời chiếu sáng trên nền trời xanh choán chủ đạo diện tích, bên dưới là con đường rực rỡ màu sắc, mang biểu tượng ngũ hành xuân.
Nét mới trong Hội thơ năm nay là các nhà thơ không trình bày riêng mà cùng nhau đọc thơ. Năm nay sân thơ Truyền thống có điểm mới là các nhà thơ trình bày liên khúc thơ chứ không đọc riêng lẻ từng người, với sự kết nối nhiều chủ đề khác nhau như các chủ đề: Biển đảo biên cương, Mùa xuân đất nước tình yêu, Mùa xuân quê hương…
Điểm nhấn của năm nay là sự trở lại của Sân khấu trẻ, chủ đề chung của Sân thơ thiếu nhi và thơ trẻ có tên “Đường Xuân” mở đầu với liên khúc “Reo vang bình minh”.
Ngày hội cũng là lần đầu tiên ra mắt liên khúc thơ “Biển đảo, biên cương” do các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý trình bày.
Được viết ra bởi những cảm xúc mạnh và đầy tâm huyết, ngập tràn lòng yêu nước, các tác phẩm về biển đảo của các nhà thơ đã khiến độc giả lặng người.
Nếu Anh Ngọc với chất giọng tha thiết thấm vào lòng độc giả thì Nguyễn Hữu Quý lại da diết, trầm lắng, Trần Đăng Khoa thổi vào cảm xúc người nghe bởi sự trải nghiệm và sâu lắng.
Nguyễn Việt Chiến như muốn bật tung từ trái tim, lồng ngực và truyền vào từng nhịp thở, dòng máu tự hào dân tộc cho độc giả bởi những tác phẩm về biển cả quê hương. Tác phẩm Tổ quốc nhìn từ biển của anh đã khiến nhiều con tim tan chảy.
Không chỉ là biển đảo, chủ quyền, không chỉ là niềm tự hào kiêu hãnh, mà còn là nỗi nhớ thướng, xót xa với những con người đã ngã xuống cho mảnh đất biên cương, cho biển đảo quê hương xanh màu của hòa bình.
Các nhà thơ nữ: Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Ngọc Hà với các tác phẩm thơ đọc trên sân thơ Văn Miếu cũng khiến công chúng yêu thơ xúc động, không chỉ bởi phong cách và “nhập”, “thăng” cùng tác phẩm khi trình bày, mà còn ở tác phẩm thơ được viết ra từ sự chiêm nghiệm và sự tinh tế, trong nỗi niềm sâu thẳm tận con tim.
Rộn rã “Đường xuân”
Sân thơ Thiếu nhi và thơ Trẻ có tên “Đường Xuân” cũng là điểm nhấn khác biệt của Ngày thơ Việt Nam 2016. Ngày thơ năm nay có sự xuất hiện của nhiều nhà thơ trẻ cùng các em học sinh đến từ các trường THCS: Phan Huy Chú, Nguyễn Tri Phương, Vân Hồ... và nhiều trường trung học khác trên địa bàn Hà Nội.
Với sự tham dự của gần 200 em thiếu nhi yêu văn học đến từ các trường học, các câu lạc bộ thơ văn ở Hà Nội, sân thơ trẻ chào đón đội ngũ nhà thơ mới, những nhà thơ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng những vần thơ lạ, độc đáo, đặc sắc của các vùng miền.
Nét khác biệt của sân thơ trẻ là các tác giả không thiên về trình diễn phá cách mà hướng về cách thể hiện truyền thống, những câu chuyện thơ được dàn dựng mộc mạc, bình dị với những hình ảnh gắn với làng quê Việt Nam.
Tham gia sân thơ thiếu nhi có hai tác giả vừa đoạt giải cuộc thi sáng tác “Cây bút tuổi hồng” (Báo Thiếu niên tiền phong tổ chức) là Ý Nhi và Ngọc Chân.
Góp mặt cho chương trình còn có nhóm nhảy Cào cào của câu lạc bộ Đọc sách cùng con, nhóm nhảy của Trường THPT Kim Liên, đội đồng ca Trường THCS Nguyễn Tri Phương, trong đó đặc biệt có giọng ca Hồng Khanh từng lên sóng The Voice Kids...
Hội thơ 2016 là cơ hội để người trẻ tuổi hiểu thêm về các tác phẩm và nhà văn nổi tiếng không chỉ của Việt Nam mà còn là cơ hội giao lưu với các tác giả, tác phẩm của châu Âu; gắn kết thêm tình yêu quê hương, Tổ quốc, đồng thời cũng quảng bá thơ Việt Nam với bạn bè quốc tế....
Chương trình ngâm thơ, trình diễn thơ và hoạt động của các đoàn nghệ thuật trên cả 3 sân Văn Miếu, Thái Học, Hồ Văn. Các CLB thơ trên cả nước còn tiến hành các hoạt động phong phú tại khu vườn Văn Miếu.
Bên cạnh đó, tại Thiên Quang Tỉnh cũng diễn ra triển lãm về các nhà thơ thời kỳ chống Pháp; khai mạc gian trưng bày nét đẹp văn hóa của các tỉnh, thành phố, trường đại học và sự góp mặt của đại diện Cộng đồng châu Âu..
Ngoài ra, 26 câu lạc bộ thơ trên cả nước sẽ tiến hành các hoạt động phong phú trên phố Nghệ thuật tại khu vườn Văn Miếu. Chương trình “Thả thơ” là màn trình diễn truyền thống và độc đáo bế mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14.
Chương trình ngâm thơ, trình diễn thơ và hoạt động của các đoàn nghệ thuật diễn ra trên cả 3 sân Văn Miếu, Thái Học, Hồ Văn. Các CLB thơ trên cả nước với các hoạt động phong phú tại khu vườn Văn Miếu.
Bên cạnh đó, tại Thiên Quang Tỉnh cũng diễn ra triển lãm về các nhà thơ thời kỳ chống Pháp; khai mạc gian trưng bày nét đẹp văn hóa của các tỉnh, thành phố, các trường đại học và sự góp mặt của đại diện Cộng đồng châu Âu...
Phong phú, sinh động, bổ ích và ý nghĩa, có nhiều nét mới , mang tính thời sự và cộng đồng, hội tụ được tinh thần thơ ca cũng có nghĩa là hội tụ được những nét đẹp nhân văn của cộng đồng, thế giới.
Chính vì vậy, ngày hội thơ lần thứ 14 năm nay đã thực sự là ngày hội của cái đẹp, của những cảm xúc thăng hoa, của tinh thần nhân văn, hướng tới mơ ước khát vọng của con người - trong đó có khát vọng sáng tạo và đổi mới, sự dấn thân của lớp trẻ, đặc biệt là khơi dậy sự tự hào về chủ quyền đất nước và khát vọng hòa bình trên toàn thế giới.
Một số hình ảnh trong Ngày thơ Nguyên tiêu lần thư 14 được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 22/2/2016: