Năm Giáp Thìn 2024 xin điểm lại một số gương mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam.
Văn chương tuổi rồng
Theo quan niệm phương Đông, những người tuổi Thìn có tính cách vô cùng mạnh mẽ, có chính kiến rõ ràng. Nhờ vậy, người tuổi Thìn có sự nghiệp và công danh rộng mở. Đặc biệt, họ có khiếu văn chương nhờ tính cách bay bổng và khéo léo trong tưởng tượng.
Từ đầu thế kỷ trước, tuổi Giáp Thìn (1904) có đến hàng chục tác giả nổi tiếng tuổi con rồng, như thơ có Nguyễn Giang, tuồng có Nguyễn Mẫn, văn xuôi có Lê Văn Hiến, Bùi Thế Mỹ, Nhượng Tống, Trần Đình Long, nghiên cứu có Đào Duy Anh.
Nhà văn Xuân Diệu. |
Đào Duy Anh (1904 - 1988) tốt nghiệp thành chung tại Trường Quốc học Huế năm 19 tuổi. Sau khi gặp gỡ cụ Phan Bội Châu, ông đã vào gặp Huỳnh Thúc Kháng và trở thành một trong những người sáng lập báo “Tiếng dân”.
Sau này ông chuyển hẳn sang hoạt động văn hóa, soạn ra những bộ sách có giá trị học thuật cao. Chỉ tính riêng hai bộ “Hán Việt từ điển” và “Pháp Việt từ điển” cũng đủ khẳng định tên tuổi ông trong vai trò học giả uyên bác, thông tuệ kim cổ Đông - Tây.
Tuổi Bính Thìn (1916) lại được đánh giá “vừa đông về số lượng vừa là dàn đồng ca” của những tên tuổi lừng lẫy trong “Thi nhân Việt Nam” như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê, Yến Lan, Huy Thông, Thúc Tề, Phan Khắc Khoan, Phan Thanh Phước; sau này còn có Hồ Dzếnh, Ngân Giang, Hữu Loan.
Trong đó, Xuân Diệu được Hoài Thanh dành cho ngôi vị độc tôn “mới nhất trong các nhà thơ mới”. Đến với cách mạng, ông vẫn tiếp tục mạch thơ sôi nổi, giàu hình tượng, tràn đầy ấn tượng và cảm giác, gắn liền với tâm trạng tầng lớp thanh niên, được giới trẻ suy tôn lên “ông hoàng thơ tình”.
Tuổi Mậu Thìn (1928) có đến 20 tác giả và văn xuôi được lịch sử văn học ghi danh. Phần nghiên cứu - lý luận phê bình có Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Đức Đàn, Lê Xuân Vũ, Phạm Văn Diêu; thơ có Chính Hữu, Lữ Giang, Lê Kim, Văn Phương, Văn Công; văn xuôi có Thái Vũ, Hà Ân, Hải Hồ, Hồng Hà, Mạc Phi, Mai Ngữ, Minh Khoa, Y Điêng, Sơn Tùng, Phan Quang và Nguyễn Thi.
Nguyễn Thi từng làm đội trưởng văn công, sau đó về tạp chí Văn nghệ Quân đội, lại chuyển sang viết ký, truyện ngắn. Khi tập “Đôi bạn” (1962) ra mắt chưa bao lâu, thì ông trở lại chiến trường Nam Bộ, chiến đấu như một người lính và hi sinh trong đợt tổng tấn công Xuân Mậu Thân (1968). Nơi ông ngã xuống - nay là đường phố mang tên Nguyễn Thi (Quận 5, TPHCM).
Sinh năm Canh Thìn (1940) có 13 tác giả mà ngày nay nhiều người vẫn còn sống và làm việc rất hăng say. Trong đó, phần nghiên cứu lý luận - phê bình có Trần Đình Sử - là người có công đưa lý thuyết thi pháp học về Việt Nam và đã dày công xây dựng một hệ thống lý luận nền tảng cho lý thuyết văn chương.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. |
Về thơ, có 6 tác giả tiêu biểu cho thế hệ những nhà thơ thời chống Mỹ: Bùi Minh Quốc, Lê Anh Xuân, Vũ Quần Phương, Trúc Thông, Lệ Thu, Nguyễn Vũ Tiềm. Văn xuôi có Đặng Văn Ký, Thái Vượng, Tô Đức Chiêu, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Tâm.
Sau một giáp, đến tuổi Nhâm Thìn (1952) có 5 tác giả đại diện văn chương thời chống Mỹ: Hoàng Nhuận Cầm, Đoàn Tử Huyến, Triệu Xuân, Văn Vinh, Bảo Ninh.
Với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, Bảo Ninh không chỉ là người có tư tưởng - nghệ thuật mới mẻ và những khám phá về thi pháp biểu hiện, mà quan trọng hơn, ông đã mở ra cánh cửa khác cho độc giả Việt bước vào và khám phá vẻ đẹp bất tận và sâu lắng của văn chương.
Năm Bính Thìn (1976) xuất hiện nhiều tác giả thành danh, như dịch giả Trần Bích Lan, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch, nhà thơ Đàm Huy Đông, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Trương Anh Quốc… Trong số này, đáng chú ý là Nguyễn Ngọc Tư từng được bầu chọn là “một trong mười nhân vật trẻ xuất sắc tiêu biểu năm 2002”, trong đó có “Cánh đồng bất tận” được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Họa sĩ tuổi rồng thành danh
Lĩnh vực hội họa cũng ghi nhận nhiều họa sĩ tuổi rồng. Đặc biệt, nhóm 9 họa sĩ tuổi rồng còn tập hợp thành nhóm và từng có triển lãm chung mang tên “Chín rồng”, gồm: Bùi Quang Ánh, Đỗ Mạnh Cương, Nghiêm Trọng Cường, Ngô Chính, Vũ Đăng Đính, Nguyễn Hữu Ngọc, Nguyễn Xuân Tiến, Lê Đình Quỳ, Nguyễn Bá Việt.
Trong số đó, nổi tiếng nhất là họa sĩ Lê Đình Quỳ sinh năm Canh Thìn 1940 tại xã Xuân Quang (Thọ Xuân - Thanh Hóa). Ông là một trong những nhà điêu khắc Việt Nam hiếm hoi được đào tạo bài bản tại Đại học Mỹ thuật Kiep (Liên Xô cũ) những năm 1961 - 1964. Năm 1966, ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam và đỗ thủ khoa Điêu khắc.
Sau nửa thế kỷ đam mê và sáng tạo, ông trở thành họa sĩ với nhiều tác phẩm và triển lãm đình đám, thu hút đông đảo giới mộ điệu và giới sưu tầm. Ông còn là một trong những điêu khắc gia hàng đầu Việt Nam, đang giữ kỷ lục về số lượng tác phẩm tượng đài đã được xây dựng.
Lê Đình Quỳ đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước với các tượng đài: Lão dân quân Hoằng Trường, Không quân nhân dân Việt Nam, Ngã ba Đồng Lộc…
Cùng sinh năm Canh Thìn 1940, họa sĩ Nguyễn Trung cũng nổi tiếng không kém. Trong sách “Tết Giáp Thìn 2024” do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn, có phần viết về Nguyễn Trung cùng những bức tranh sơn dầu mà ông vẽ thiếu nữ Việt Nam.
Nguyễn Trung là một tên tuổi lớn của hội họa miền Nam và của thị trường mỹ thuật. Kể từ bức tranh đầu tiên bán đầu thập niên 1960 với giá 300 USD (rất lớn thời bấy giờ), hơn nửa thế kỷ qua, ông luôn là tên tuổi được tìm kiếm trên thị trường.
Hiện nay, vài bức tranh của ông đã vượt ngưỡng 100.000 USD. Tranh biểu hình của Nguyễn Trung thường vẽ phái nữ, đến nay vẫn rất được giới sưu tập lùng kiếm. Ngay từ năm 21 tuổi, ông đã đoạt Huy chương Bạc tại Triển lãm Hội họa mùa Xuân (năm 1961, Sài Gòn) với tác phẩm vẽ thiếu nữ.
Trước năm 1975 tại Sài Gòn có Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam - được thành lập vào tháng 11/1966, Nguyễn Trung làm phó chủ tịch. Tuyên ngôn nghệ thuật của hội này do Nguyễn Trung chắp bút: “Không có tham vọng hoặc ý thức gì lớn lao khi tạo dựng cái này, cái kia, mà là những nỗ lực tự thân của từng cá nhân tìm một con đường mới cho nghệ thuật của riêng mình. Vô hình trung, ý thức vươn tới đổi mới đó đã kéo mọi người lại gần với nhau. Đó cũng là tiêu chí đầu tiên để chọn hội viên”.
Rồng của showbiz Việt
Cách đây 20 năm, Đan Trường đã là một ca sĩ được mến mộ ở tốp đầu trong làng ca nhạc Việt. Anh sinh năm Bính Thìn 1976 và trở nên nổi tiếng với hàng loạt các ca khúc: Kiếp ve sầu, Tình đơn phương, Mưa trên cuộc tình, Rêu phong, Bước chân lẻ loi, Đi về nơi xa…
Trong sự nghiệp của mình, Đan Trường giành được rất nhiều giải thưởng âm nhạc: Ca sĩ được yêu thích nhất của Làn sóng xanh, Mai Vàng, HTV awards, Zing Music Awards, giải Cống hiến… Đan Trường cũng được mời làm giám khảo, huấn luyện viên cho nhiều cuộc thi âm nhạc như: Thần tượng bolero, Tuyệt đỉnh song ca, Solo cùng Bolero, Ngôi sao Phương Nam…
Không những vậy, anh còn lấn sân sang phim ảnh như: Võ lâm truyền kỳ, Thứ ba học trò, Yêu anh, em dám không… Năm 2013, Đan Trường kết hôn với doanh nhân Thủy Tiên và sinh sống ở Mỹ.
Năm 2021, cặp đôi chính thức thông báo ly hôn sau 8 năm chung sống. Hiện nay, ở tuổi 47 anh vẫn là một trong những ca sĩ hoạt động nghệ thuật năng nổ, liên tục đi show.
Cùng tuổi Bính Thìn với Đan Trường là ca sĩ Quang Dũng, anh phù hợp với những ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng, trầm lắng và cũng là một trong số rất ít nam ca sĩ thành công với nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Khi còn là học sinh phổ thông, Quang Dũng thường đến hát tại quán cà phê Thu Vàng trên đường Trần Cao Vân (Quy Nhơn).
Năm 1997, anh tham dự cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Bình Định và đoạt giải Nhì. Năm 1998, anh được ngành văn hóa Bình Định cử làm đại diện tham dự cuộc thi “Giọng hát hay các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên” và giành Huy chương Vàng.
Tháng 8/1998, Quang Dũng vào TPHCM cộng tác với phòng trà Đồng Dao. May mắn đến với anh khi có dịp hát nhạc Trịnh tại quán Nhạc Sĩ với sự hiện diện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được nhạc sĩ khen ngợi.
Sau này, nhạc sĩ đã trực tiếp chọn bài hát phù hợp với chất giọng của Quang Dũng và hướng dẫn anh cách thể hiện. Năm 2001, ca khúc “Biển nghìn thu ở lại” được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ký tặng, Quang Dũng đã chọn làm ca khúc chủ đề cho album riêng đầu tay.
Người đẹp Trương Ngọc Ánh. |
Ngoài ra, Quang Dũng còn tham gia diễn xuất khi được đạo diễn Trần Mỹ Hà mời vào vai Hàn Mặc Tử trong bộ phim truyền hình dài 5 tập. Và trong phần 2 của phim “Gái nhảy”, Quang Dũng cũng được mời vào vai ca sĩ Khánh Trường.
Cùng sinh năm 1976, diễn viên Xuân Bắc hiện đang giữ vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Anh có tên trong danh sách 42 cá nhân được phong tặng danh hiệu NSND theo Quyết định số 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11/2023.
Xuân Bắc được khán giả nhớ đến với vai Núi trong “Sóng ở đáy sông”. Ngoài ra, anh còn là diễn viên hài sau khi tham gia chương trình “Gặp nhau cuối tuần” (năm 2000) và gây ấn tượng với vai Nam Tào trong “Táo quân – Gặp nhau cuối năm”. Xuân Bắc còn là một MC có duyên và rất linh hoạt gắn với nhiều chương trình: Hỏi xoáy đáp xoay, Đuổi hình bắt chữ, Ơn giời! cậu đây rồi...
Năm Bính Thìn 1976 có vẻ hội tụ nhiều nhân tài, khi người đẹp Trương Ngọc Ánh cũng “o oe” vào năm này. Trương Ngọc Ánh vốn là gương mặt khả ái trên màn ảnh Việt thập niên 1990 - 2000, gây ấn tượng khó phai qua các vai diễn trong phim: Hương ga, Áo lụa Hà Đông, Đồng tiền xương máu...
Hiện nay, Trương Ngọc Ánh nổi bật ở vai trò nhà sản xuất phim và tập trung cho các hoạt động kinh doanh, tổ chức sự kiện. Gần đây, cô còn đẩy mạnh hoạt động ở lĩnh vực nhan sắc, đứng sau cuộc thi Miss Earth Vietnam.