Những vấn đề cốt yếu trước yêu cầu đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý GD được thể hiện qua thành quả thực thi các vai trò, bổn phận và kỹ năng quản lý.

Người quản lý phải học cách “tựa vào” những “trợ thủ” chuyên môn của mình.  Ảnh: Minh Phong
Người quản lý phải học cách “tựa vào” những “trợ thủ” chuyên môn của mình. Ảnh: Minh Phong

Không thể tách rời với thuộc cấp

GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc phân tích, người quản lý khi thực hiện các chức năng quản lý luôn phải sắm hàng loạt các vai trò. Trên thực tế, mọi công việc của người quản lý luôn là một sự kết hợp nào đó của các vai trò này. Các vai trò quản lý có liên hệ chặt chẽ với nhau, chúng ảnh hưởng đến đặc trưng của hoạt động quản lý, tầm quan trọng của mỗi vai trò sẽ thay đổi theo cấp quản lý và chức năng quản lý.

Về bổn phận chính của người quản lý, GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng, ở bất cứ vị trí nào, người quản lý cũng có bổn phận và trách nhiệm không thể tách rời với thuộc cấp, tùy từng vị trí mà bổn phận của người quản lý là khác nhau. Cụ thể: Với người quản lý cấp thấp, cấp trực tiếp mới được bổ nhiệm, cần học cách chủ động trong công việc, bằng cách hướng dẫn thành viên thuộc cấp của mình; học cách đặt kế hoạch, lịch biểu làm việc; học cách để bản thân và bộ phận mình quản lý sớm hòa nhập, làm việc phối hợp tốt với các bộ phận khác; chia sẻ sự phục vụ của đội ngũ thành viên dưới quyền với những người quản lý khác, với các bộ phận khác.

Người quản lý cấp trực tiếp đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn đủ mạnh để chỉ dẫn những thuộc cấp và giám sát họ thực hiện. Người quản lý cấp trực tiếp phải học cách “tựa vào” những “trợ thủ” chuyên môn của mình. Chính vì vậy, họ phải rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng liên nhân cách tốt để có được sự trợ giúp chuyên môn cần thiết.

Đối với người quản lý cấp trung gian, đa phần họ bắt đầu sự nghiệp của mình từ cấp thấp. Tại cương vị đó, họ đã học được cách quản lý cũng như những tri thức, kỹ năng về hoạt động của một cơ sở GD. Với vai trò của người quản lý cấp trung gian, để hoàn thành bổn phận, họ phải thực hiện sự phân cấp, phân quyền để thực hiện những quyết định của người quản lý cấp cao và có sự phối hợp kế hoạch và nguồn lực với những người quản lý khác.

Vai trò chủ yếu mà người quản lý cấp này phải đảm đương là các vai trò liên nhân cách và vai trò thông tin vì họ phải đối diện với những vấn đề liên quan đến con người nhiều hơn so với các vấn đề chuyên môn... Họ phải thành thạo trong việc nâng cao năng lực người dưới quyền, mở ra những kênh liên hệ tốt cho thuộc cấp.

Còn đối với người quản lý cấp cao, họ chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc xem xét kế hoạch toàn diện của nhà trường, làm việc với những người quản lý cấp trung gian để thực hiện kế hoạch và duy trì sự kiểm soát toàn diện đối với mọi hoạt động của nhà trường.

Ảnh minh họa/ Internet
 Ảnh minh họa/ Internet

Các kỹ năng cần có

Chia sẻ về các kỹ năng cần có của cán bộ quản lý GD, GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc trao đổi: Thứ nhất là kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật. Để quản lý một bộ phận hay toàn bộ nhà trường, người quản lý cần phải có hiểu biết và kỹ năng chuyên môn về nhà trường, GD, chương trình dạy học, GV, học sinh... tùy theo cấp quản lý mà cần mức độ chuyên sâu khác nhau.

Thứ hai, kỹ năng liên nhân cách, bao gồm khả năng lãnh đạo, chỉ dẫn, động viên, xử lý xung đột và làm việc với mọi người. Đồng thời khuyến khích, động viên người dưới quyền tham gia vào quá trình ra quyết định, tạo điều kiện cho người cấp dưới tự thể hiện, trình bày quan điểm của cá nhân. Kỹ năng liên nhân cách thể hiện qua sự tôn trọng, quý mến người khác và được mọi người quý mến tôn trọng.

Thứ ba, kỹ năng khái quát hóa. Kỹ năng này đòi hỏi người quản lý có tư duy hệ thống, nhìn nhận, giải quyết mọi vấn đề của nhà trường trong một thể thống nhất, thấy rõ sự khác biệt và sự liên thuộc vào nhau như thế nào của các bộ phận, các cá nhân. Sử dụng kỹ năng khái quát hóa để đánh giá biện pháp quản lý. Kỹ năng khái quát hóa tập trung vào những vấn đề như: Ưu tiên tương đối, thay vì chuẩn mực và mục tiêu cứng nhắc. Cơ hội và khả năng thay vì những điều tất định. Những mối quan hệ tương quan và mảng mẫu có tính toàn cục thay vì những quan hệ cưa đứt đục suốt, minh bạch, rõ ràng.

Những vai trò này đòi hỏi khả năng gạn lọc từ môi trường bên trong và môi trường bên ngoài để xác định xu thế phát triển của sự vật. Cũng như kỹ năng quản lý khác, khái quát hóa cần cho mọi cấp quản lý, nhưng nó đặc biệt cần thiết cho người quản lý cấp cao bởi họ phải nhận biết những biến đổi của môi trường, của cơ sở GD và phải ứng phó bằng quyết định kịp thời và đúng đắn.

Mỗi cán bộ quản lý GD để thực hiện tốt các vai trò, bổn phận và kỹ năng quản lý, cần có quan điểm đúng đắn về hoạt động quản lý cơ sở GD. Quản lý là một hoạt động thu hút sự tham gia của tất cả các thành viên trong tổ chức, nó là một quá trình học hỏi, được thể hiện trong hành vi của người quản lý, đòi hỏi người quản lý phải đối mặt với những vấn đề về mục đích và giá trị quản lý. Quản lý không thể là “trung tính” về giá trị và kết quả, nó lôi cuốn sự biến đổi.
GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.
Sóng nước biển Đông. Ảnh: Bình Thanh

Gửi tới Trường Sa

GD&TĐ - Trong những ngày đầu tháng Tư, mẹ bắt đầu chuyến công tác xa nhà dài ngày, nửa tháng trước, mẹ đã thông báo tới chúng con đôi điều về chuyến công tác.
Minh họa/INT

Tuyến yên và bệnh lý liên quan

GD&TĐ - Tuyến yên là tuyến rất nhỏ, nằm ở vị trí kín đáo và được bảo vệ rất cẩn thận trong hộp sọ chắc chắn.