7 yêu cầu để năng cao năng lực tự đánh giá
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, tự nhận thức là quá trình nhận thức hướng vào chính bản thân. Tự nhận thức có thể diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau:
Từ nhận thức về bên ngoài bản thân đến nhận thức các đặc điểm bên trong bản thân, hoặc nhận thức bản thân trong quá trình so sánh với người khác.
Tự nhận thức của cán bộ quản lý sẽ phát triển tiến tới phù hợp với kết quả nhận thức của xã hội, của những người xung quanh về họ.
"Hiệu trưởng nhà trường sẽ tự nhận thức được bản thân khi hiệu quả các hoạt động quản lý nhà trường đáp ứng mong đợi của phụ huynh, xã hội và được tập thể cán bộ nhà giáo và giáo viên đánh giá cao" - PGS.TS Trần Thị Minh Hằng dẫn giải.
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, cán bộ quản lý giáo dục cần thực hiện các yêu cầu sau để nâng cao năng lực tự đánh giá cho bản thân:
Thứ nhất, phân tích những yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, gắn với cơ sở giáo dục bản thân đang quản lý để xây dựng kế hoạch chiến lược cho tập thể đơn vị và cá nhân.
Thứ hai, phân tích những năng lực cần có của người cán bộ quản lý để thấy được bản thân còn thiếu những năng lực gì, học tập để hình thành năng lực đó như thế nào.
Thứ ba, lắng nghe ý kiến của người những người xung quanh đánh giá về mình, kể cả những ý kiến trái ngược. Muốn vậy phải gần gũi với quần chúng, với cấp dưới, tập hợp mọi người xung quanh mình và chân thành lắng nghe ý kiến của những phần tử tích cực xây dựng tập trong tập thể.
Thứ tư, trước khi yêu cầu người khác thực hiện một việc gì đó, thì bản thân mình phải gương mẫu thực hiện việc đó trước. Trước khi ra quyết định quản lý cần phải cân nhắc, lựa chọn phương án tối ưu trong giao việc để công việc hoàn thành tốt nhất.
Thứ năm, lời nói phải đi đôi với việc làm, không thể có tình trạng "làm như tôi nói, không được làm như tôi làm".
Thứ sáu, thường xuyên tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ cấp dưới đánh giá bản thân và đem ra để suy xét.
Thứ bảy, biết nhận lỗi và xin lỗi một cách chân tình, thẳng thắn trước tập thể, không thù oán cá nhân, không có tình trạng đổ lỗi cho người khác. Sau khi nhận lỗi phải sửa chữa với thái độ cầu thị.
Chú trọng công tác bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục. Ảnh minh họa/internet |
Chú trọng công tác bồi dưỡng
Để thực hiện những yêu cầu trên, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - cho rằng, trong bồi dưỡng cán bộ quản lý, báo cáo viên cần: Tăng cường cho học viên thảo luận, trao đổi tự nhận xét về những kỹ năng đã có của bản thân, so sánh với yêu cầu trong đổi mới quản lý giáo dục để thấy được mình một cách rõ nét.
Đồng thời xây dựng các tình huống cố vấn đề trong quản lý để học viên tự giải quyết và tổ chức nhận xét lẫn nhau tạo tranh luận sôi nổi trong học tập cũng là hình thức để học viên tự nhận thức bản thân thông qua so sánh với người khác.
Ngoài ra, xây dựng nhiều chuyên đề học tập theo tự chọn để học viên tự nhìn nhận xem xét bản thân, họ thấy chuyên đề nào cần thiết và còn yếu ở họ thì họ sẽ tham gia bồi dưỡng.
Tăng cường đi thực tế các cơ sở giáo dục (kể cả các cơ sở giáo dục tốt lẫn cơ sở giáo dục còn hạn chế), sau đó viết báo cáo thu hoạch và tổ chức cho cán bộ quản lý trao đổi cũng là hình thức phát triển cho họ khả năng tự nhận thức bản thân.
Mặt khác, trong quá trình bồi dưỡng cho cán bộ quản lý giáo dục cần phát triển kỹ năng tự nghiên cứu cho họ, có như vậy họ mới có khả năng tự học và tự học suốt đời, không trông chờ vào cấp trên.
Trong sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người nói chung và cán bộ quản lý nói riêng thì tự đánh giá một yếu tố rất quan trọng. Vấn đề đặt ra mỗi người phải biết tự đánh giá đúng mình, tức là tự đánh giá đúng với những gì mình có.
Nếu tự đánh giá cao bản thân, luôn bằng lòng với bản thân và cho rằng mình đã hoàn thiện không cần học tập, phấn đấu; ngược lại nếu tự đánh giá thấp bản thân, luôn tự ti, rụt rè, ngại học tập, ngại phấn đấu...
Tất cả những tự đánh giá đó đều không thể phát triển được nhân cách của con người nói chung và cán bộ quản lý nói riêng. Người cán bộ quản lý giáo dục phải tự đánh giá phù hợp với bản thân, phải luôn nhìn nhận bản thân trong mọi công việc, mọi lĩnh vực để tự thấy được những mặt mạnh, những điểm yếu từ đó hoàn thiện bản thân, có như vậy mới đáp ứng với yêu cầu xã hội hiện nay.