Những văn bản bí mật về khủng hoảng Qata

GD&TĐ - Giai đoạn những năm 2013 – 2014, Qatar đã ký kết các văn bản bí mật với các nước láng giềng ở vịnh Gulf về việc không ủng hộ các nhóm đối nghịch và thù địch ở các nước này, cũng như ở Ai Cập và Yemen. 

Những văn bản bí mật về khủng hoảng Qata

Các nước vùng Vịnh chỉ trích Qatar không tuân thủ hai hiệp định đã ký kết, dẫn tới cuộc khủng hoảng ngoại giao tệ hại nhất khu vực Trung Đông hiện nay.

“Bật mí” các hiệp định bí mật

Sự tồn tại của các hiệp định này đã được biết đến, nhưng cả nội dung thỏa thuận lẫn bản thân các văn bản đều được giữ bí mật do tính chất nhạy cảm của vấn đề và thực tế: Đây là thỏa thuận riêng giữa những người đứng đầu các quốc gia vùng Vịnh. Hãng tin tức CNN đã tiếp cận được các hiệp định này thông qua một nguồn tin ở khu vực có khả năng tiếp cận các văn bản.

Riyadh, hiệp định đầu tiên, được viết tay và ghi ngày 23/11/2013, có chữ ký của vua Ả-rập Xê-út, thân vương Qatar và thân vương Kuwait, đề cập tới sự cam kết tránh bất kỳ sự can thiệp nào tới các công việc nội bộ của các quốc gia vùng vịnh Gulf khác, trong đó bao gồm cả việc cấm hỗ trợ về tài chính hay chính trị đối với các nhóm “thù địch”, được hiểu là các nhóm hoạt động chống chính phủ. Hiệp định đặc biệt nhấn mạnh tới việc không hỗ trợ cho nhóm Anh em Hồi giáo cũng như các nhóm đối lập ở Yemen.

Trong hiệp định đầu tiên, các nước này cũng tuyên thệ không ủng hộ “truyền thông đối nghịch” – một thuật ngữ ám chỉ al Jazeera (trạm tin tức vệ tinh có trụ sở tại Qatar và được chính phủ nước này tài trợ) – tổ chức mà các nước vùng Vịnh cáo buộc đã đi đầu trong các nhóm đối lập ở khu vực, bao gồm cả Ai Cập và Bahrain.

Hiệp định “tuyệt mật” thứ hai được ký kết ngày 16/11/2014, có thêm chữ ký của vua Bahrain, thái tử Abu Dhabi và Thủ tướng UAE, đặc biệt đề cập tới cam kết của các nước trong việc hỗ trợ cho sự bình ổn của Ai Cập, trong đó có việc không được để Al Jazeera trở thành diễn đàn của các nhóm hay các nhân vật chống đối chính phủ Ai Cập. Sau khi hiệp định được ký kết, Al Jazeera đã đóng cửa kênh tin tức chuyên về Ai Cập Al-Jazeera Mubashir Misr.

Ngoài ra, còn một tài liệu bổ sung thảo luận về cách thức thực hiện hiệp định, với chữ ký của ngoại trưởng các nước. Văn bản này cũng bao gồm các điều khoản cấm hỗ trợ nhóm Anh em Hồi giáo cũng như các nhóm bên ngoài Yemen và Ả-rập Xê-út gây đe dọa tới an ninh và ổn định của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council countries – GCC).

Vẫn “ông không, bà có”

Ông Sheikh Saif Bin Ahmed Al-Thani, Giám đốc Văn phòng Truyền thông chính phủ Qatar cho hay: “Đọc kỹ toàn bộ văn bản sẽ thấy rằng các hiệp định này nhằm đảm bảo các nước GCC có thể hợp tác trong một khuôn khổ rõ ràng”, còn các yêu cầu như đóng cửa Al Jazeera, ép buộc các gia đình phải chia tay và chi trả “tiền bồi thường” là “những yêu cầu không liên quan đến hiệp định Riyadh”, ông khẳng định. “Hơn nữa, Ả-rập Xê-út và UAE không hề sử dụng các cơ chế trong thỏa thuận Riyadh để truyền đạt mối quan tâm của họ tới Qatar”. Ông Al-Thani cho rằng các yêu sách được áp đặt cho Qatar “đại diện cho một cuộc tấn công không có lý do và chưa từng có đối với chủ quyền của Qatar”.

Trong khi đó, để biện minh cho cuộc tẩy chay bắt đầu từ tháng trước, các đối tác vùng vịnh Gulf của Qatar đã cáo buộc Doha về việc hỗ trợ tài chính cho Hezbollah cùng các nhóm khủng bố khác và chống lưng cho nhóm Anh em Hồi giáo ở Ai Cập.

Sau khi thông tin về các hiệp định được công bố, Ả-rập Xê-út, UAE, Bahrain và Ai Cập đã ra một thông cáo chung, tuyên bố rằng các văn bản này đã “khẳng định trước mọi nghi ngờ rằng Qatar không thực hiện các cam kết của mình và vi phạm toàn bộ các cam kết này”. Bốn nước này cũng nhấn mạnh các yêu cầu đưa ra đối với chính phủ Qatar là để thực hiện các cam kết; phù hợp với cơ chế và thỏa thuận bổ sung, hoàn toàn tuân thủ tinh thần hiệp định Riyadh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ