Áp lực cô lập Qatar ngày càng tăng và mới đây nhất là tối hậu thư yêu sách 13 điểm mà nếu không thực hiện Qatar sẽ đối mặt nhiều trừng phạt. Tuy nhiên, việc hạn chót thực hiện yêu sách được gia hạn 48 tiếng đồng hồ cho thấy chính các quốc gia ban ra yêu sách đang lúng túng tìm giải pháp “đẹp mặt cả đôi”.
Một mình giữa trùng vây
Sự việc hàng loạt quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar được coi là chưa có tiền lệ trong lịch sử ngoại giao thế giới. Đồng thời có tới 5 quốc gia Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Bahrain, UAE và Yemen cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Sau đó có thêm Libya nhưng không phải chính phủ được Liên Hiệp Quốc công nhận và Maldives.
Trong số những quốc gia tham gia cô lập Qatar có cả những quốc gia có mối quan hệ mật thiết ngoại giao, kinh tế là Ả-rập Xê-út, Bahrain và UAE - là thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) mà Qatar là một thành viên.
Không chỉ cắt đứt quan hệ ngoại giao, “liên minh” tẩy chay Qatar mới đây gia tăng sức ép bằng tối hậu thư gồm 13 yêu sách gửi Qatar thông qua trung gian ngoại giao Kuwait. Theo đó, 4 nước Ả-rập Xê-út, UAE, Bahrain và Ai Cập đe dọa sẽ có thêm những biện pháp trừng phạt chống Qatar nếu không đáp ứng sau 10 ngày nhận tối hậu thư.
Điều đáng nói là tối hậu thư có những yêu sách mà giới quan sát ngoại giao khó tin rằng Qatar có thể “xuống nước” chấp nhận. Có thể kể tới các yêu sách như hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran và đóng cửa một số căn cứ quân sự tại Qatar…
Tối hậu thư đã như “mũi tên bắn khỏi cung” và hạn chót là 3/7 Qatar phải có câu trả lời. Tuy nhiên, liên minh cô lập Qatar bất ngờ kéo dài hạn chót thêm 48 tiếng. Giới phân tích nhìn nhận quyết định này thể hiện sự lúng túng và yếu thế của các quốc gia ban tối hậu thư bởi hạn chót tới gần mà Qatar vẫn “bình chân như vại”.
Việc kéo dài hạn chót được coi là quãng thời gian đẩy nhanh nỗ lực ngoại giao để cả 2 phía không “mất mặt”. “Liên minh” muốn Qatar thừa nhận đã từng viện trợ cho khủng bố thông qua cam kết ngừng viện trợ các tổ chức khủng bố quốc tế; trong khi Qatar sẽ được “hoãn binh” thực hiện một số yêu sách.
Cân nhắc thiệt hơn
Qatar ở thế cô lập đang mong muốn hoá giải xung đột trên bàn đàm phán. Nhưng dù Qatar có phớt lờ tối hậu thư hay “xuống thang” thì có thể dự báo một viễn cảnh là cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh lần này sẽ vẫn còn âm ỉ cháy mà không dễ tắt trong ngày một ngày hai.
Tại vùng Vịnh, Qatar vẫn có những bạn đồng minh “tiếng nói có trọng lượng” là Kuwait và Oman (đồng minh quân sự truyền thống chiến lược của Mỹ), những nước không tham gia chiến dịch cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Qatar và “liên minh” vùng Vịnh lại có chung một đối tác lớn là Mỹ. Qatar có căn cứ quân sự quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. Vì vậy, sẽ chẳng có chuyện Mỹ gạt bỏ “quân cờ” Qatar trên bàn cờ toàn cục.
Cho dù lập trường của các quốc gia muốn cô lập Qatar tỏ ra rất cứng rắn và quyết liệt nhưng sẽ chỉ dừng lại ở các biện pháp ngoại giao, kinh tế - và chưa có ai nghĩ tới một kịch bản chiến tranh – bởi sẽ gây tổn thất nặng nề cho cả 2 bên. Điều này càng có cơ sở khi Ả-rập Xê-út quốc gia cầm đầu liên minh cô lập Qatar - đang hao tiền tốn của vì cuộc chiến tranh ở Yemen.