Những ưu điểm của kỳ thi và tuyển sinh cần được phát huy

GD&TĐ - “Kỳ thi THPT quốc gia những năm qua đã tạo ra một cơ sở dữ liệu rất tốt để các trường ĐH làm căn cứ xét tuyển. Mặc dù quy chế tuyển sinh cho phép các trường có thể tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng, tuy nhiên đến nay gần như toàn bộ các trường ĐH trên toàn quốc chủ yếu xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia. Điều này khẳng định niềm tin của các trường ĐH vào kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia này”.

Chất lượng Kỳ thi THPT quốc gia đang từng bước được nâng lên rõ nét
Chất lượng Kỳ thi THPT quốc gia đang từng bước được nâng lên rõ nét

Đó là những nhận xét của PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Giám đốc phụ trách ĐH Đà Nẵng - khi trao đổi với PV Báo GD&TĐ về Kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Cần giữ ổn định cách thi và xét tuyển

Thưa PGS, ông đánh giá như thế nào về những đổi mới thi cử của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua?

Có thể nói, 5 năm vừa qua là giai đoạn có nhiều thay đổi lớn trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH: Từ tổ chức 2 kỳ thi là thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, chúng ta chuyển qua tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia dùng cho cả 2 mục đích xét tốt nghiệp và lấy kết quả để xét tuyển ĐH; từ cách thức tổ chức thi THPT quốc gia theo cụm do trường ĐH chủ trì chuyển sang tổ chức thi tại từng tỉnh/thành do Sở GD&ĐT chủ trì; từ cách làm từng môn thi cho mỗi buổi thi sang bài thi tổ hợp gồm 3 môn thi trong 1 buổi thi; từ bài thi tự luận sang bài thi trắc nghiệm.

Năm 2017 có thể nói là chúng ta đã đạt được những tiến bộ rõ rệt và theo lộ trình thì kinh nghiệm này được tiếp tục duy trì trong 3 năm tiếp theo trước khi áp dụng Chương trình GD phổ thông mới.

Về cách thức tuyển sinh ĐH trong thời gian qua cũng có nhiều thay đổi: Từ việc các trường ĐH tự tổ chức thi theo “3 chung” để tuyển đến việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc dựa trên học bạ để xét tuyển; từ việc thí sinh chỉ đăng ký một số nguyện vọng giới hạn sau khi thi đến không giới hạn số nguyện vọng đăng ký trước khi thi và được điều chỉnh một lần sau khi thi. Công tác tổ chức thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH được cải tiến dần qua các năm.

Kết quả Kỳ thi THPT quốc gia là căn cứ quan trọng để các trường ĐH, CĐ xét tuyển sinh đầu vào

Kết quả Kỳ thi THPT quốc gia là căn cứ quan trọng để các trường ĐH, CĐ xét tuyển sinh đầu vào

Những đổi mới thi cử của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ xã hội nhưng nhìn chung là tích cực. Đó là: Kỳ thi THPT quốc gia đã đạt được mục tiêu là giảm số lần thi cử và áp lực di chuyển đến trường thi. Từ 4 kỳ thi mỗi năm trước đây, bây giờ thí sinh chỉ dự thi 1 kỳ thi duy nhất. Tuy cá biệt có xảy ra tiêu cực gần đây tại một số địa phương làm xã hội không khỏi lo lắng về tính công bằng, khách quan của kết quả thi nhưng chúng ta phải thừa nhận một cách tổng thể rằng Kỳ thi THPT quốc gia đã đánh giá đúng năng lực của thí sinh. Kết quả thi là căn cứ tốt nhất trong bối cảnh hiện nay để các trường ĐH xét tuyển.

Để đạt được kết quả như hôm nay, Bộ GD&ĐT, các địa phương và các trường ĐH đã có sự phối hợp nhịp nhàng, quyết tâm cao. Nhờ đó chúng ta đã vượt qua được nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, theo chúng tôi, Bộ GD&ĐT cần giữ ổn định cách thi và xét tuyển qua các năm, tránh tình trạng thay đổi liên tục gây tâm lý hoang mang trong thí sinh và xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm thực tiễn về những bất cập còn tồn tại để đề ra những giải pháp kỹ thuật nhằm loại trừ tiêu cực trong thi cử.

Tính tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở GD ĐH được đảm bảo như thế nào với những thay đổi trong quy chế tuyển sinh năm 2018, thưa ông?

Thay đổi lớn nhất trong tuyển sinh năm 2018 là các trường được tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia và trong xét tuyển theo học bạ. Theo tôi, đây là một chủ trương phù hợp của Bộ GD&ĐT trong lộ trình tăng quyền tự chủ của các trường ĐH. Các trường ĐH buộc phải tự xác định vị trí của mình thông qua điểm sàn để khẳng định với xã hội. Quy chế tuyển sinh cũng cho phép các trường tự xây dựng đề án tuyển sinh, cách thức tuyển sinh riêng phù với đặc điểm của ngành đào tạo.

Về tổng thể mà nói, quy chế tuyển sinh của Bộ đã thực sự cởi trói cho các trường để đảm bảo tuyển sinh công bằng, minh bạch. Những trường, ngành tốt sẽ có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển. Những trường, ngành chưa tạo dựng được uy tín tất yếu sẽ gặp khó khăn. Từ đó, các trường cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng. Đây cũng là một trong những mục tiêu đổi mới GD ĐH theo tinh thần Nghị quyết 29.

 

Việc các trường ĐH tự xác định và công bố chỉ tiêu tuyển sinh từ năm 2018 theo các tiêu chí đảm bảo chất lượng cũng là một thay đổi lớn để các trường thực hiện tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội. Ngoài ra, một trong những quy định của Bộ áp dụng từ năm nay là các trường phải công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp để thí sinh biết và cân nhắc lựa chọn đăng ký xét tuyển.

Nên có một số điều chỉnh...

Trong lộ trình hoàn thiện, Kỳ thi THPT quốc gia 2018 có những đổi mới theo hướng giảm áp lực thi cử và sự vất vả đi lại cho phụ huynh, học sinh và trao quyền cho các địa phương. Nhưng để kỳ thi thực sự công bằng, nghiêm túc và phản ánh khách quan kết quả dạy – học, theo ông, cần có những giải pháp kỹ thuật nào?

Để kết quả thi thực sự khách quan, công bằng, theo tôi nên có một số điều chỉnh như: Tăng cường vai trò của trường ĐH trong việc tổ chức thi ở tất cả các khâu như coi thi, chấm thi, phúc khảo... chứ không chỉ dừng lại ở mức độ phối hợp như 2 năm gần đây, đồng thời phải xem đây là trách nhiệm của các trường ĐH vì chính các trường sử dụng kết quả này để xét tuyển; tăng cường việc kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa trường ĐH và các Sở GD&ĐT trong toàn bộ quá trình tổ chức thi; Tổ chức chấm thi tập trung, ít nhất là đối với bài thi trắc nghiệm, theo cụm hoặc cho cả khu vực; Hạn chế tối đa việc chấm bài thi của địa phương để đảm bảo tính khách quan, công bằng; Các khâu quan trọng liên quan đến thông tin của thí sinh như làm phách, quét điểm... cần áp dụng biện pháp cách ly để đảm bảo tính bảo mật như đã thực hiện trong ra đề và in sao đề thi…

Là người đã từng tham gia công tác quản lý ở Bộ, nay là lãnh đạo ĐH vùng, ông có suy nghĩ gì về những khó khăn, phức tạp khi thực hiện đổi mới tuyển sinh?

Thi, tuyển sinh liên quan đến hàng triệu thí sinh và là mối quan tâm của toàn xã hội. Trong suốt quá trình từ khi xây dựng kế hoạch đổi mới thi/tuyển sinh đến khi ban hành được Quy chế thi/tuyển sinh và tổ chức thực hiện, lãnh đạo và các bộ phận chức năng của Bộ đã làm việc hết sức mình với tinh thần trách nhiệm cao. Để đạt được kết quả đổi mới như ngày hôm nay là một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn. Vì chúng ta đang trong tiến trình đổi mới, thực hiện công việc liên quan đến hàng triệu người trên phạm vi cả nước nên dẫu có chuẩn bị kỹ đến đâu cũng không thể nào lường trước được hết những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Điều quan trọng là Bộ đã luôn tính trước các phương án xử lý tình huống rất nhanh chóng, không bị động trong công việc. Không có phương án thi/tuyển sinh nào hoàn hảo tuyệt đối cả. Vì thế những thành quả đổi mới thi/tuyển sinh mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua cần được tiếp tục duy trì.

Xin cảm ơn PGS!

Những ưu điểm của kỳ thi và tuyển sinh cần được phát huy ảnh 2PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ

Với lộ trình tự chủ ĐH đang được đẩy mạnh, chắc chắn trong những năm tới, các trường ĐH sẽ chủ động hơn trong công tác tuyển sinh, thông qua những hình thức kiểm tra đánh giá thêm năng lực của thí sinh. Tuy nhiên, tôi cho rằng dù thế nào chăng nữa, kết quả Kỳ thi THPT quốc gia vẫn là cơ sở quan trọng để làm căn cứ xét tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ