Những ứng dụng nguyên tử bất thành

GD&TĐ - Việc khám phá ra nguyên tử đã làm thay đổi thế giới. Nhiều kỹ sư và các nhà khoa học không chỉ tập trung vào việc sử dụng năng lượng nguyên tử trong việc sản xuất điện - họ mong muốn áp dụng công nghệ tiên tiến này ở nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Những ứng dụng nguyên tử bất thành

Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng thật sự cần đến công nghệ cao siêu này. Có rất nhiều ví dụ cho thấy các nhà khoa học đã gắn những thứ bình thường hàng ngày với công nghệ nguyên tử mà không thật sự mang lại hiệu quả gì.

Từ máy bay nguyên tử…

Ngay sau Đại chiến Thế giới II, các siêu quyền lực trên thế giới đã phát minh ra những chiếc máy bay ném bom khổng lồ áp dụng công nghệ nguyên tử. Khi các tên lửa nguyên tử còn trong giai đoạn trứng nước, thì những chiếc máy bay ném bom đường dài là cách tốt nhất để tấn công các mục tiêu kẻ thù. Mặc dù vậy, những chiếc máy bay ném bom này vẫn có những mặt hạn chế, ngay cả máy bay đường dài hiện đại nhất thời bấy giờ. Để giải quyết các vấn đề có liên quan đến khoảng cách, nước Mỹ đã có giải pháp đặc biệt. Lực lượng không quân quân đội Mỹ đã đầu tư vào các thử nghiệm để đặt lò phản ứng hạt nhân trong máy bay.

Khi đó, “thủ lĩnh” của các máy bay ném bom của Lực lượng Không quân Mỹ là chiếc B-36 Peacemaker khổng lồ. Chiếc máy bay lớn đến nỗi có thể mang trên mình cả một lò phản ứng nguyên tử mà vẫn cất cánh được. Các kỹ sư được lệnh chỉnh sửa máy bay B-36 cho phù hợp để mang theo một lò phản ứng hạt nhân nhỏ, giúp chiếc máy bay có thể chinh phục những khoảng cách không giới hạn. Để biến thành máy bay hạt nhân NB-36, chiếc máy bay này đã trải qua vô số thay đổi. Để bảo vệ đội bay, phòng lái được thiết kế với tấm chắn phóng xạ. Các kỹ sư cũng lắp đặt những bồn chứa nước lớn quanh lò phản ứng để thẩm thấu lượng phóng xạ rò rỉ.

Các nhà thiết kế quyết định sử dụng máy bay nguyên tử NB-36 để thử nghiệm cho chiếc máy bay X-6 đang được đề xuất. X-6 sẽ là chiếc máy bay sử dụng hoàn toàn năng lượng nguyên tử. Trong những lần thử nghiệm đầu tiên, lò phản ứng này chưa được gắn vào động cơ. Mặc dù vậy, các biện pháp an toàn vẫn được áp dụng hết sức chặt chẽ đối với chiếc NB-36. Thân máy bay được in biểu tượng phóng xạ, còn tổng thống Mỹ thiết lập một đường dây nóng để những người chịu trách nhiệm có thể thông báo với ông bất kỳ vấn đề nào trong việc thiết kế và thử nghiệm máy bay hạt nhân. Các cuộc gọi nóng qua đường dây này hầu hết đều diễn ra khi còi báo khói báo động trong phòng nguyên tử.

Mặc dù có khởi điểm khá hứa hẹn, nhưng các ứng dụng tiên tiến trong công nghệ hàng không này không mang lại hiệu quả như mong đợi, đó là chưa kể đến những lo ngại về an toàn. Đầu những năm 1960, dự án này ngừng lại vĩnh viễn.

… Đến xe tăng nguyên tử

Cũng trong giai đoạn này, NATO lo ngại rằng Liên Xô sẽ sử dụng các vũ khí nguyên tử gây ra làn sóng chiến tranh mới. Ở Mỹ, Chrysler phát triển một mẫu xe tăng được thiết kế đặc biệt để chống vũ khí nguyên tử. Chiếc xe tăng mang số hiệu TV-8 này không bao giờ được sản xuất hàng loạt và chỉ được xem như một mẫu minh họa cho ý tưởng này, đặc biệt là phần thiết kế khí tài và động cơ. Khoang lái được thiết kế hoàn toàn cách biệt với bên ngoài, đội lái tăng sử dụng màn truyền hình để quan sát.

Chiếc TV-8 là một xe tăng hạng trung, với một khẩu pháo 90mm. Tuy nhiên, khác với những xe tăng thông thường, tháp pháo của TV-8 không quay được. Điều đó có nghĩa là muốn khai hỏa, toàn bộ chiếc xe tăng phải quay về phía mục tiêu. Ngoài ra, TV-8 còn có 2 súng máy trên tháp pháo, do chỉ huy nhóm điều khiển. Ban đầu, Chrysler thiết kế cho xe tăng này một máy phát điện, nhưng sau đó đã được thay thế với một lò phản ứng nhỏ ở đằng sau tháp pháo để cung cấp điện cho xe tăng hoạt động. Sau khi kiểm tra thiết kế này, quân đội Mỹ cho rằng, TV-8 không mang lại tiến bộ gì so với các thiết kế xe tăng thông thường. Vì thế, dự án này chấm dứt không kèn không trống.

(Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ