Cụ thể, Điểm c, Khoản 1, Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về Bảo hiểm xã hội một lần như sau:
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
Điều 4 Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế quy định về trường hợp mắc bệnh được hưởng bảo hiểm xã hội một lần được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư số 18/2022/TT-BYT có hiệu lực từ 15/2/2023 quy định như sau:
Ngoài trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Khoản 2, Khoản 3 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về Bảo hiểm xã hội một lần như sau:
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014.
2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Như vậy, các trường hợp mắc bệnh được hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ 15/2 và mức hưởng được thực hiện theo quy định nêu trên.
Thông tư này đã rút gọn điều kiện rút BHXH một lần so với Thông tư 56/2017.
Trước đây, lao động mắc bệnh nguy hiểm tính mạng phải đồng thời đáp ứng điều kiện không tự sinh hoạt được cần người chăm sóc. Nhóm thứ hai là lao động mắc bệnh khác mà bị suy giảm khả năng lao động hoặc độ khuyết tật từ 81% trở lên, không tự sinh hoạt cần người chăm sóc hoàn toàn.