Những trường học độc đáo nhất thế giới

GD&TĐ - Thoát ra khỏi việc tổ chức trường học theo truyền thống lâu nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi việc học tập tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu của học sinh. Dưới đây là một số điển hình đáng được ghi nhận.

Một lớp học trên thuyền ở Bangladesh.
Một lớp học trên thuyền ở Bangladesh.

Trường học trên thuyền

Nhiều trẻ em ở các vùng nông thôn của Bangladesh, đặc biệt là trẻ em gái không có điều kiện tiếp cận với giáo dục. Theo truyền thống, trẻ em trai được ưu tiên gửi đến trường và trẻ em gái chỉ có thể học nếu trường không quá xa nhà. Trong khi đó, những trường học gần nhất cũng cách nhiều dặm, nên việc đến trường thực sự là một thử thách vô cùng khó khăn đối với trẻ em gái.

Một yếu tố bất lợi khac, vào mùa gió chướng, các trường học ở Bangladesh thường bị ngập sâu trong nước. Ngoài ra, biến đổi khí hậu và lũ lụt hàng năm tại quốc gia này ngày càng nghiêm trọng và thường kéo dài, vì thế học sinh buộc phải học ở nhà hàng tháng trời mà không thể đến lớp. Để khắc phục tình trạng này, tổ chức phi lợi nhuận Shidhulai của Bangladesh đã đưa ra một giải pháp, tuy có vẻ khác thường, nhưng thật đơn giản và hiệu quả. Đó là, tổ chức những lớp học ngay trên thuyền, đồng thời chèo thuyền đến tận nơi để đưa học sinh đến lớp.

Trường học tại ga xe lửa

Hằng ngày đi đến trường dạy học, cô Inderjit Khurana (Ấn Độ) thường sử dụng xe lửa. Mỗi ngày, Inderjit tiếp xúc với hàng chục trẻ ăn xin ở các nhà ga. Điều đó khiến cô tin rằng những đứa trẻ này sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi tình trạng đói nghèo và vô gia cư, nếu không được đến trường và học tập. Vì thế, cô quyết định tạo ra một chương trình kiểu mẫu với mục tiêu “lập ra môi trường học tập hiệu quả nhất, để mọi trẻ em được đến trường”.

Kể từ đó, chương trình “Các trường học được tổ chức ở ga xe lửa” của Inderjit Khurana ra đời. Nó nhằm mang lại một bầu không khí học đường sáng tạo và trang bị cho học sinh một trình độ giáo dục cơ bản cần thiết. Từ đó, giúp học sinh làm việc có hiệu quả hơn, được tận hưởng nhiều thú vui trong cuộc sống và trở thành những người đóng góp tích cực cho cộng đồng sau này.

Một giờ sinh hoạt của học sinh trường tự do Brooklyn.
Một giờ sinh hoạt của học sinh trường tự do Brooklyn.

Trường học theo kiểu du mục

Truyền thống của người du mục Evenk ở phía Đông Nam Siberia đang có xu hướng bị mai một bởi văn hóa phương Tây. Đây là tộc người thành thạo trong việc chăn nuôi tuần lộc, săn bắn và đánh cá. Vì thế, vào cuối những năm 1960, chính quyền ở Siberia đã quyết định cho tất cả trẻ em người Evenk theo học các chương trình cơ bản tại trường. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh phải tiếp cận với lối học du mục và phải sống xa gia đình trong một thời gian dài.

Để giúp trẻ em người Evenk trong thời gian 8 năm học tập, nhà dân tộc học người Pháp Alexandra Lavrillier, đã giúp tộc người này bảo tồn di sản của mình bằng cách lập ra một trường học theo kiểu du mục. Mục tiêu của trường học du mục là giúp trẻ em Evenk có cơ hội tiếp cận nền giáo dục hiện đại, trong khi vẫn duy trì truyền thống văn hóa của tổ tiên. Trường du mục của

Lavrillier được thành lập và hoạt động từ đầu năm 2006, và được xếp vào danh sách “trường thực nghiệm chính thức”. Đây được xem là tiêu chí để mở đường cho các trường thí điểm tương tự tại những nơi khác ở Siberia.

Toàn cảnh ngôi trường Nghệ thuật mái nhà xanh ở Singapore.
Toàn cảnh ngôi trường Nghệ thuật mái nhà xanh ở Singapore.

Trường nghệ thuật mái nhà xanh

Một trong những mái nhà xanh tuyệt vời nhất trên thế giới là Trường Nghệ thuật, Thiết kế và Truyền thông thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore. Ngôi trường được hoàn thành vào tháng 7/2006, với chi phí 3,8 triệu USD (hơn 87 tỷ đồng). Trường Nanyang chính thức khai trương vào tháng 4/2009. Ngày nay, Trường Nanyang được coi là một biểu tượng của thiết kế hiện đại và kiến ​​trúc tinh vi. Nó cũng được giới thiệu trong nhiều ấn phẩm thiết kế quốc tế.

Cấu trúc 5 tầng của trường Nanyang tạo sự hòa hợp tuyệt vời với môi trường xanh xung quanh. Trường có nhiều bức tường làm bằng kính, giúp ánh sáng tự nhiên có thể chiếu vào bên trong và một khu vực có mái cỏ dùng làm không gian hội họp cho sinh viên. Thiết kế mái nhà xanh này còn có tác dụng cách nhiệt, giúp làm mát không khí xung quanh và tận dụng nước mưa để tưới tiêu cảnh quan.

Trường học do học sinh tự thiết kế

Không ai có thể phàn nàn về ngôi trường Erika Mann ở Berlin (Đức). Bởi đây là một ngôi trường lý tưởng được xây dựng dành riêng cho học sinh tiểu học. Mới đây, Trường Erika Mann vừa được tân trang để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của học sinh nhỏ. Một điều thú vị nữa, là trường được thiết kế bởi chính học sinh của trường với sự hợp tác của một nhóm sinh viên Trường Đại học kiến trúc Berlin.

Trường học tự do

Cách đây nhiều thập kỷ, mô hình trường học tự do tại Brooklyn (Mỹ) từng trải qua thời kỳ hoàng kim. Lúc đó, hoạt động của trường dựa trên tiêu chí giúp học sinh phát huy tính tò mò một cách tự nhiên và có mức học phí ưu đãi nhất. Ngày nay, trường học tự do ở Brooklyn đã có nhiều đổi mới.

Thay vì học sinh thường xuyên mệt mỏi với quá nhiều bài kiểm tra, bài tập về nhà, chương trình học ở lớp, thì nay việc học tập chỉ bao gồm: Chơi cờ vua, tranh luận, quay phim và làm hang động cho Rùa Ninja đột biến tuổi teen. Tuy vậy, học sinh không buộc phải tham gia các buổi học kể trên, mà có thể chọn học luân phiên nhau.

Khi học ở trường, học sinh không cần làm bài chấm điểm, không phải làm bài tập về nhà, không làm bài kiểm tra, thậm chí có thể không đến lớp, nếu muốn. Mỗi tuần một lần, toàn bộ trường họp lại để đưa ra thông báo, cung cấp giáo cụ, trình bày các vấn đề quan trọng và bàn bạc trách nhiệm về quản lý và phúc lợi của trường. Ngoại trừ các vấn đề về sức khỏe và an toàn, tất cả học sinh và nhân viên nhà trường đều có quyền biểu quyết bình đẳng khi công bố quyết định của trường.

Theo Edubloxtutor

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ