Tầm quan trọng của Hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục
Đổi mới giáo dục những năm gần đây được xác định là trọng tâm và ưu tiên của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Điều này đặt ra cho các nhà quản lý giáo dục, các hiệu trưởng nhiều thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực quản trị và vận hành nhà trường.
Theo Bà Nguyễn Kiều Linh – Tổng Giám đốc công ty FCE Việt Nam: “Khóa học này nhằm mang lại cho những người đứng đầu các cơ sở giáo dục những kiến thức để nâng cao năng lực và tầm vóc, để dẫn dắt chính mình và và toàn trường không những vượt qua những thách thức của thời đại mà còn đạt được những kỳ tích mới.”
FCE Việt Nam (For Children Education Vietnam) là đối tác toàn cầu của Tập đoàn giáo dục FranklinCovey Worldwide (Hoa Kỳ) từ năm 2014. FCE là đơn vị độc quyền triển khai các chương trình đào tạo nổi tiếng thế giới về phát triển cá nhân và nâng cao hiệu suất của FranklinCovey Worldwide tại Việt Nam trong mảng giáo dục và đào tạo.
Dưới sự dẫn dắt của các chuyên gia nước ngoài, các học viên sôi nổi thảo luận về những điều làm nên thành công của một hiệu trưởng, với những đặc thù đào tạo con người, cùng những bài học về xây dựng chiến lược, kiên trì mục tiêu, vượt trở ngại,… để chinh phục các mục tiêu.
Chia sẻ tại chương trình, bà Brooke Judd – Giám đốc toàn cầu phụ trách chuyên môn của FranklinCovey Education tại Mỹ phân tích 4 vai trò trọng yếu của người lãnh đạo xuất sắc: Làm gương; Mở đường; Điều chỉnh; Trao quyền. Nội dung này đã thu hút sự quan tâm, thảo luận sôi nổi của các thầy cô.
Bà Brooke Judd – Giám đốc toàn cầu phụ trách chuyên môn của FranklinCovey Education tại Mỹ chia sẻ tại chương trình. |
Thứ nhất, làm gương sẽ tạo nên sự tín nhiệm. Các lãnh đạo xuất sắc là những tấm gương tốt. Họ hiểu được rằng, kỹ năng lãnh đạo lan tỏa từ trong ra ngoài. Đối với người lãnh đạo, vai trò làm gương đặc biệt quan trọng, làm nền tảng cho mọi việc tiếp theo.
Thứ hai, mở đường sẽ tạo mệnh lệnh mà không cần đòi hỏi. Các lãnh đạo xuất sắc luôn nhìn về phía trước. Họ xây đắp một tầm nhìn chung, bao gồm cả con người toàn diện – thể chất, tình cảm, trí tuệ và tinh thần – rồi gắn kết các cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh và các bên liên quan. Mở đường sẽ định hướng cho mọi việc tiếp theo.
Thứ ba, điều chỉnh hỗ trợ cho tầm nhìn. Các lãnh đạo xuất sắc điều chỉnh sao cho các hệ thống trong nhà trường phù hợp với tầm nhìn để đạt được tầm nhìn đó. Điều chỉnh là để biến tầm nhìn thành hành động.
Thứ tư, trao quyền giải phóng tiềm năng của con người, để họ tự dẫn dắt chính mình mà không cần có sự thúc giục từ bên ngoài. Các lãnh đạo xuất sắc luôn biết trao quyền cho người khác. Họ mở đường để những người khác có thể làm tốt nhất công việc của mình. Vai trò này chính là thành quả của 3 vai trò trên.
Tốc độ của niềm tin và truyền cảm hứng
Cách đặt vấn đề và dẫn dắt giải quyết vấn đề của các chuyên gia trong chương trình thực sự hấp dẫn, khơi gợi được hứng thú và nhiều ý kiến đóng góp của các học viên.
Thầy giáo Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa (Hà Nội) nhận xét: “Những nội dung các học viên được tiếp cận và chia sẻ trong chương trình vô cùng hữu ích cho công việc hiện tại của các hiệu trưởng. Nó bám sát những hoạt động trong nhà trường, giúp giải quyết cả những vấn đề khó như quan hệ với đồng nghiệp, làm sao khai thác tối đa năng lượng và tình cảm của họ, thu hút một tập thể đồng hành và tương trợ nhau vượt mọi trở ngại đến thành công.”
Các hiệu trưởng hứng thú và tập trung cao độ với các nội dung của khóa học. |
Các chuyên gia đã sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ, dùng các clip xây dựng từ các tình huống cụ thể trong cuộc sống để mang tới cho các học viên những cảm nhận gần gũi, thấm thía, sâu sắc cùng những bài học đầy ý nghĩa.
Trong khuôn khổ khóa học, các hiệu trưởng sẽ cùng chuyên gia phân tích, tìm phương án cho các vấn đề sát thực như: cách thức và hành vi tạo nên sự tín nhiệm, tự đánh giá khả năng lãnh đạo của bản thân, tìm phương thức tối ưu giải quyết các vấn đề… với giải pháp tích hợp đầy đủ bộ: Tư duy – Kỹ năng – Công cụ.
Khóa học đã đưa đến các giải pháp có tính thực tiễn cao, áp dụng triết lý “thay đổi từ bên trong” và “chuyển hóa nhận thức” trong từng giải pháp. Đây là giá trị thực cũng là mong muốn của bất kỳ cá nhân nào khi tham gia khóa đào tạo hữu ích này.
Lãnh đạo con người là một nghệ thuật và hoàn toàn khác với quản lý một công việc cụ thể. Lãnh đạo thực thụ cần nắm bắt 4 yếu tố của một con người gồm: trí tuệ, thể chất, cảm xúc, tinh thần.
Một khi Hiệu trưởng thấu hiểu và trân trọng sức mạnh của giáo viên và cán bộ nhân viên trên cả 4 yếu tố, họ sẽ phát hiện và phát huy được sự sáng tạo, đam mê và tiếng nói của toàn thể đội ngũ vào mục tiêu chung của toàn trường.