Hiệu trưởng trong công cuộc đổi mới: “3 trong 1”

GD&TĐ - Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, trong công cuộc đổi mới, hiệu trưởng phải làm được 3 việc: Là người nhạc trưởng, chỉ huy quân đội, và là một huấn luyện viên bóng đá. Cùng với đó, phải đảm nhiệm ba vai trò: Lãnh đạo, quản lý và quản trị.

GV có sáng kiến thì hiệu trưởng phải có viễn kiến.
GV có sáng kiến thì hiệu trưởng phải có viễn kiến.

Ba vai trò của hiệu trưởng

* Đổi mới GD thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo, trong đó có vai trò của hiệu trưởng. Theo PGS, vai trò của hiệu trưởng cần được cụ thể hóa như thế nào?

- Trước hết cần xác định, hiệu trưởng là thủ trưởng của một nhà trường. Khi đã nhận nhiệm vụ hiệu trưởng, mà lại là nhà trường trong đổi mới GD, cụ thể là tới đây sẽ thực hiện chương trình, SGK GD phổ thông mới, phải bảo đảm cho cuộc đổi mới thành công, ít nhất trong phạm vi trường mình quản lý.

Tôi quan niệm, người hiệu trưởng có ba vai trò: Thứ nhất là người lãnh đạo. Thứ hai là người quản lý và thứ ba là người quản trị. Thiếu một trong ba vai trò này sẽ thất bại. Lãnh đạo tức là thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường, mà nhiệm vụ chính trị ấy phải là vầng trán và là trái tim để quy tụ được nhân dân, cộng đồng. Với vai trò quản lý, tức là làm sao cho thầy dạy tốt, thầy quý trò – trò kính thầy. Còn đối với vai trò quản trị, đòi hỏi hiệu trưởng phải tỉ mỉ hơn. Chẳng hạn: Phải lo từ đồng phục đến từng bữa ăn cho học trò. Hay nói cách khác, quản trị là nhiệm vụ kinh tế của nhà trường.

Ngoài ra, để nhà trường đổi mới thành công, hiệu trưởng phải xử lý các vấn đề như: Nhiệm vụ chính trị; vấn đề văn hóa, tức là dạy cho học trò dễ hiểu, nhớ lâu và tiến bộ nhanh. Đây là những nhiệm vụ lớn của người hiệu trưởng.

* Thực tế, đa số hiệu trưởng các trường đều đi lên từ GV giỏi chuyên môn nhưng ít kinh nghiệm quản lý. Vậy, làm thế nào để đội ngũ này đạt được những điều như PGS vừa phân tích ở trên?

PGS Đặng Quốc Bảo

- Có hai cách: Cách thứ nhất, bản thân họ phải tự đào tạo. Người ta nói, biến quá trình GD thành quá trình tự GD. Khi được đề bạt, họ đã phải ý thức tự bồi dưỡng, đào tạo về năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý và quản trị. Trong năng lực quản trị, phải nắm được các điều luật về kinh tế. Ngày nay, mỗi nhà trường như một xí nghiệp và có những quy luật như: Giá trị; cung cầu; cạnh tranh. Như vậy, hiệu trưởng phải tự đào tạo cho mình để thích nghi với vị trí của một thủ trưởng.

Trong GD có ba điều: Học thuật, kỹ thuật và nghệ thuật. Nếu làm một ma trận của người hiệu trưởng thì có ba hàng: Hàng thứ nhất, hiệu trưởng là người lãnh đạo; hàng thứ hai, hiệu trưởng là người quản lý và hàng thứ ba, hiệu trưởng là người quản trị. Cùng với đó sẽ có 3 cột: Cột thứ nhất là học thuật; tức là quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước. Cột thứ hai là kỹ thuật; tức là kỹ thuật điều hành của nhà trường.

Hiệu trưởng phải thông thạo 4 việc: Kế - Tổ - Đạo – Kiểm. Kế là kế hoạch; Tổ là tổ chức; Đạo là chỉ đạo; Kiểm tra kiểm tra. Đây là kỹ thuật điều hành nhà trường. Cột thứ ba là nghệ thuật quản lý, điều hành. Chẳng hạn, nếu GV có 4 loại: Thứ nhất vừa thông minh, vừa nhiệt tình; thứ hai là thông minh nhưng tài tử, thích thì làm không thích thì thôi; thứ ba là dốt nhưng nhiệt tình và dễ hỏng việc; thứ tư là vừa dốt vừa lười. Vậy hiệu trưởng phải sử dụng theo tinh thần “hữu dụng vô loại”. Tức là không được loại ai ra khỏi biên chế. Đó là nghệ thuật dùng người.

Cách thứ hai là phải có lớp bồi dưỡng. Bồi dưỡng cả về tâm lý, giáo dục và chính trị. Tuy nhiên, sự chuẩn bị bồi dưỡng cho những hiệu trưởng nhà trường còn để trống rất nhiều mảng. Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, có nhiều hiệu trưởng không có tinh thần tự bồi dưỡng cho mình.

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet 

Tăng cường bồi dưỡng

* Vậy việc bồi dưỡng cho hiệu trưởng nên tổ chức như thế nào cho hiệu quả, thưa PGS?

 Trong cuộc đổi mới hiện nay, hiệu trưởng còn phải làm được 3 việc: Thứ nhất, là người nhạc trưởng. GV có sáng kiến thì hiệu trưởng phải có viễn kiến - tức là tầm nhìn xa. Thứ hai, hiệu trưởng như một người chỉ huy quân đội, để học trò chấp hành nội quy của nhà trường. Thứ ba, hiệu trưởng như một huấn luyện viên bóng đá. Tức là, hiệu trưởng phải điều phối nhân lực trong nhà trường một cách hợp lý.
PGS Đặng Quốc Bảo

- Thực ra, mình không thiếu các chuyên gia. Vấn đề là thiết kế chương trình bồi dưỡng sao cho hợp lý. Chẳng hạn như: Trong một năm, có 40 tuần học, chúng ta soạn 40 bài. Theo đó, chúng ta huy động các nhà khoa học có kinh nghiệm, soạn 40 bài bồi dưỡng cho hiệu trưởng. Ví dụ bài thứ nhất là nhận thức về Nghị quyết 29, những vấn đề gì là cơ bản. Bài thứ hai là nhận thức thế nào là phạm trù lãnh đạo. Bài thứ ba là nhận thức thế nào về phạm trù quản lý. Bài thứ tư là nhận thức thế nào là phạm trù quản trị… và các vấn đề liên quan đến vai trò lãnh đạo, quản lý và quản trị của người hiệu trưởng, chẳng hạn như: Hướng dẫn hiệu trưởng về cách bắt tay, đàm thoại, giao tiếp... Giản dị vậy thôi, nhưng nó là văn hóa cần có của một thủ trưởng.

* Bước sang năm học 2019 – 2020, PGS nhắn nhủ điều gì với các hiệu trưởng và các thầy cô giáo?

- Chúng ta đã và đang thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Vì vậy, trong năm học 2019 – 2020, tôi mong mỗi nhà trường có những chương trình để rèn luyện học trò hài hòa cả ba tính: Nhân tính, quốc tính và cá tính. Theo lời Cụ Hồ, nhân tính là: Cần - Kiệm - Liêm - Chính. Dù HS ở trong nước hay sau này ra nước ngoài học tập vẫn phải có nhân tính này. Còn quốc tính là lòng yêu nước, yêu lao động, dũng cảm và tự trọng. Cuối cùng là cá tính, tức là GD cho HS có hoài bão, làm việc sáng tạo.

Tôi cũng mong rằng, công cuộc đổi mới của chúng ta sẽ đạt được 10 điều: Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Yêu nước - Yêu lao động - Dũng cảm - Tự trọng - Sáng tạo - Nhân văn.

* Xin cảm ơn PGS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Thành phố cổ ẩn giấu nhiều bí ẩn

GD&TĐ - Petra, thành phố cổ kỳ bí nằm ở Tây Nam Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới với những công trình chạm khắc từ đá sa thạch hồng.

Áp phích có hình chữ V ở Mỹ trong Thế chiến II.

Dấu hiệu chữ V có từ khi nào?

GD&TĐ - Một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ ngón trỏ và ngón giữa với lòng bàn tay hướng ra ngoài được gọi là 'dấu hiệu chữ V', biểu tượng chiến thắng.

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.